Vì sao thí sinh miền Bắc “chê” ngành sư phạm?

Thứ Sáu, 18/05/2012, 11:59
Câu hỏi đó cũng là băn khoăn, trăn trở của rất nhiều chuyên gia tuyển sinh, chuyên gia về giáo dục, đặc biệt là khi các Sở GD&ĐT phía Bắc bàn giao hồ sơ dự thi cho các trường đại học, cao đẳng đã lộ diện số lượng hồ sơ ở nhiều địa phương đầu quân vào sư phạm thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
>> Thí sinh miền Nam "chuộng" ngành Sư phạm

Ông Nguyễn Văn Long, Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp của Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã nhận định một cách chua xót: thí sinh của Thanh Hóa dự thi vào sư phạm thấp kỷ lục. Trong tổng số gần 8 vạn hồ sơ dự thi vào các trường, chỉ có hơn 386 hồ sơ vào ĐH Sư phạm Hà Nội, 29 hồ sơ vào Sư phạm Huế, 41 hồ sơ vào ĐH Sư phạm Hà Nội 2; 392 hồ sơ vào CĐ Sư phạm TW. Ở Phú Thọ, số lượng thí sinh thi vào sư phạm cũng giảm đáng kể: 425 hồ sơ thi vào ĐH Sư phạm Hà Nội, 349 hồ sơ vào ĐH Sư phạm Hà Nội 2.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Hồng Quảng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho hay, nguyên nhân chính là do giáo viên ở tỉnh đang thừa gần 2.000 thầy cô, giáo viên thất nghiệp nhiều quá đã tác động không nhỏ đến sự lựa chọn ngành nghề của thí sinh.

Giống Thanh Hóa, ở Nghệ An hiện cũng đang tồn dư tới hơn 4.000 giáo viên (trong đó thừa gần 2.000 giáo viên tiểu học, thừa 2.546 giáo viên THCS). Hà Tĩnh cũng thừa tới gần 1.000 giáo viên. Và ở rất nhiều địa phương khác đang phải đối diện với tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, cho thấy một khoảng trống rất lớn trong chuỗi “đào tạo – sử dụng” nguồn nhân lực sư phạm. Đó cũng là hệ lụy của việc đào tạo tràn lan, đào tạo mà không gắn với nhu cầu sử dụng…

Bài toán “cung cầu” ngành Sư phạm cần tính toán, rà soát kỹ để không gây lãng phí.

Chúng tôi có cuộc trò chuyện với Tiến sỹ Nguyễn Thị Tĩnh, Phó Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội về vấn đề bất thường trên:

PV: Có ý kiến cho rằng, hiện nay quy mô trường sư phạm khá phát triển, nhưng là do nhu cầu nội tại của các trường chứ không có sự gắn kết giữa đào tạo và sử dụng. Quan điểm của Tiến sỹ về vấn đề này?

TS. Nguyễn Thị Tĩnh: Đấy chỉ là một nhận xét khi đứng từ một góc nhìn thôi. Quy mô đào tạo hệ cử nhân sư phạm của trường tôi ổn định trong nhiều năm nay, kể cả các hệ chất lượng cao. Theo nhu cầu xã hội, chúng tôi có phát triển thêm một số ngành như Công tác xã hội, Việt Nam học, Sư phạm nghệ thuật, một số ngành giáo viên dạy song ngữ… Chúng tôi cũng đào tạo hệ chính quy theo địa chỉ, hỗ trợ cho nhu cầu của các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Quy mô đào tạo cao học tại Trường ĐHSPHN tăng và ổn định trong những năm gần đây.

PV: Việc giao chỉ tiêu cho các trường SP hiện nay có phải chỉ căn cứ vào điều kiện đào tạo của các trường mà chưa gắn với việc hoạch định lâu dài, sau khi ra trường, số sinh viên đó đi đâu và làm gì không, thưa Tiến sỹ?

TS. Nguyễn Thị Tĩnh: Hiện  tại, các trường tự xác định chỉ tiêu theo tiêu chí của Bộ GD&ĐT về các nguồn lực cho đào tạo. Tuy nhiên, khi tự xác định chỉ tiêu đào tạo, các trường cũng có xem xét nhu cầu của xã hội về ngành đó. Trước đây, số sinh viên học đại học còn ít, sinh viên SP ra trường được điều động đi công tác theo yêu cầu của ngành. Nhiều người lên miền núi, ra hải đảo, theo quyết định của Bộ GD&ĐT. Bây giờ thì chính sách đã thay đổi. Sinh viên ra trường tự đi tìm việc. Tôi nghĩ sẽ là rất tốt nếu đối với ngành SP và ngành Y, Nhà nước có một số chính sách điều phối sinh viên sau khi ra trường. Có nghĩa là Nhà nước sẽ có những cuộc điều tra xã hội học về nhu cầu đối với hai ngành này của từng địa phương, và việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho hai ngành này cần có tính kế hoạch hóa hơn.

PV: Ở một số địa phương giáo viên thất nghiệp vô cùng nhiều, phải đi làm trái nghề dù có bằng khá, bằng giỏi. Vậy theo bà, hậu quả của việc đào tạo tràn lan này là gì?

TS. Nguyễn Thị Tĩnh: Như bạn thấy, tại Hà Nội, một số trường tiểu học, sĩ số học sinh trong một lớp lên đến hơn 60, còn bình thường là 45. Tôi cho rằng, ở nhiều địa phương, chúng ta còn thiếu trường, thiếu lớp, nên học sinh trong một lớp quá đông như thế. Nếu chúng ta đủ trường, đủ lớp, số học sinh sẽ được giãn ra, và các trường sẽ cần nhiều giáo viên hơn, đặc biệt là giáo viên có chất lượng.

PV: Theo Tiến sỹ, cần phải có những giải pháp gì để sư phạm vẫn tạo được sức hút cho thí sinh?

TS. Nguyễn Thị Tĩnh: Hiện nay Nhà nước có nhiều chính sách cải thiện điều kiện sống và làm việc của giáo viên như phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên. Tuy nhiên, tôi vẫn mơ ước điều kiện dạy và học cho học sinh được cải thiện nhanh chóng. Mỗi trường học không chỉ là chỗ học mà còn là một môi trường sống thân thiện. Học sinh được học có chất lượng, được chơi vui, được phát triển nhân cách tại trường. Học sinh có thể ở trường gần như cả ngày và không phải đi học thêm vào những ngày nghỉ, giờ nghỉ.

Giáo viên làm việc ở trường cả ngày, họ được đảm bảo đầy đủ điều kiện để có thể sống tốt bằng nghề dạy học, được đam mê với nghề dạy học và không ngừng được học tập để nâng cao chất lượng nghề nghiệp. Và như vậy, phụ huynh không phải lo lắng nhiều vì sợ con họ lang thang, hư đốn khi họ đi làm. Họ làm việc có chất lượng hơn. Vì thế xã hội sẽ phát triển hơn và an bình hơn!

PV: Xin trân trọng cảm ơn Tiến sỹ!

Thu Phương (thực hiện)
.
.
.