Vì sao ôtô hay bốc cháy trong hầm đường bộ Hải Vân?

Thứ Năm, 17/01/2008, 08:23
Từ ngày hầm đường bộ Hải Vân được đưa vào vận hành và sử dụng đã có hàng chục xe ôtô tự bốc cháy, gây tai nạn. Trong đó, có 9 trường hợp xe ôtô đang lưu thông trong hầm, bỗng nhiên tự bốc cháy vì nhiều nguyên nhân khác nhau…

Tháng 6/2005, hầm đường bộ Hải Vân chính thức được đưa vào sử dụng. Sau hơn hai năm, khu vực trong hầm đã xảy ra gần 10 vụ cháy xe ôtô khi đang lưu thông. Rất may, những vụ cháy trên đều được Công ty Quản lý khai thác hầm đường bộ Hải Vân (Hamadeco) kịp thời xử lý nên hầu hết các vụ cháy đều không để lại hậu quả lớn.

Tuy nhiên, theo nhận xét của phía Cảnh sát PCCC, đó mới chỉ là những vụ cháy nhỏ, còn đối với những trường hợp phức tạp xảy ra trong hầm, hiểm họa sẽ không thể nào lường được.

Theo số liệu thống kê của Hamadeco, kể từ ngày đưa vào vận hành và sử dụng đã có hàng chục xe ôtô tự bốc cháy, gây tai nạn. Trong đó, có 9 trường hợp xe ôtô đang lưu thông trong hầm, bỗng nhiên tự bốc cháy vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Ngoài ra, con số gần 4 triệu lượt xe lưu thông qua hầm, Hamadeco cũng thống kê được hơn 5.200 trường hợp vi phạm trong đường hầm, trong đó, đặc biệt các tài xế thường mắc những lỗi nghiêm trọng như xe dừng do bị hỏng trong hầm, xe chạy dưới tốc độ 30km/h, xe dừng tham quan trong hầm, xe tự ý quay đầu, lấn chiếm, vượt đường trái phép...

Trong số 9 vụ cháy, năm 2005 có 2 vụ, năm 2006 có 2 vụ; riêng năm 2007 các nhân viên của Hamadeco đã phải 5 lần chữa cháy khẩn cấp các trường hợp xe ôtô tự nhiên phát hỏa.

Điển hình là ngày 5/5/2007, lúc 17h40', xe tải BKS 75H-7412 do tài xế Nguyễn Đình Vũ (25 tuổi) điều khiển, chở 11m3 giấy carton, di chuyển từ Nam ra Bắc, đến km 6+24, cách cửa hầm phía Nam 1,5km đã xảy ra cháy, lửa ngọn bốc cao trên thùng xe.

26 nhân viên chữa cháy của Hamadeco cùng với lực lượng Cảnh sát PCCC thuộc Công an Đà Nẵng, CSGT Nam Hải Vân, Bắc Hải Vân cùng nhiều phương tiện, dập tắt đám cháy trong vòng 10 phút.

Một số xe ôtô lại tự bốc cháy ở ca bin như vụ cháy xảy ra lúc 15h33' ngày 8/7/2007. Xe tải đông lạnh mang BKS 57H-9414, chạy từ Bắc vào Nam, khi chỉ còn cách cửa hầm phía Nam 600m, bỗng nhiên phát hỏa dữ dội ở cabin.

Vụ xe bốc cháy ở cabin mới đấy nhất xảy ra vào ngày 23/10/2007 vừa rồi. Xe tải 43H-7483 do Vũ Đình Trung điều khiển, khi còn cách cửa hầm 700m cũng bốc cháy dữ dội.

Về những trường hợp ôtô gây tai nạn và những vi phạm trong hầm, một cán bộ của Hamadeco cho biết, rất may là cán bộ nhân viên trung tâm đều kịp thời xử lý, chưa để lại hậu quả đáng tiếc.

Ông Cao Bá Giang - Phó Giám đốc Hamadeco nói: "Hầu hết những ôtô tự bốc cháy hay gây tai nạn trong hầm, chúng tôi đã chuyển hồ sơ cho phía Công an. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chung quy lại là do tài xế chủ quan".

Ông Cao Bá Giang cũng cho biết thêm, công tác PCCC tại chỗ ở hầm đường bộ Hải Vân từ khi vận hành đến nay là rất tốt, chưa xảy ra sự cố đáng tiếc nào. "Nguyên tắc PCCC trong hầm đường bộ là chúng tôi luôn dập tắt khi đám lửa chưa bùng phát. Như vậy, bắt buộc mọi nhân viên đều phải kịp thời và nhanh gọn".

Theo thống kê, tất cả các vụ cháy xảy ra trong hầm đều được Hamadeco dập tắt trong vòng chưa đầy 10 phút.

Vì sao xe ôtô thường xuyên bốc cháy trong hầm Hải Vân? Thượng tá Nguyễn Phong - Trưởng phòng CSPCCC Công an TP Đà Nẵng cho rằng: "Có rất nhiều nguyên nhân gây cháy nổ trên xe ôtô đang lưu thông, bất kể là xe chạy trong hay ngoài hầm.

Theo tài liệu của phía Hamadeco cũng như CSGT cấp cho chúng tôi, các vụ ôtô tự bốc cháy thường xảy ra đối với loại xe tải chở hàng dễ cháy như: giấy, thiết bị văn phòng. Ngoài ra, một số trường hợp khác cũng cháy từ cabin, ống pô, đầu máy".

Thượng tá Nguyễn Phong cũng cho biết, lưu thông trong hầm tất nhiên dễ xảy ra cháy hơn ở ngoài, bởi khi chạy ngược chiều, tốc độ gió là 3m/s, ngoài ra, có thể do sự đối lưu không khí trong hầm dễ làm phát sinh các tia lửa điện ở đầu máy.

"Chưa thể kết luận một cách chính xác vì vẫn chưa có một công trình nghiên cứu chính thức nào. Có thể cháy trên đường không được thống kê, còn trong hầm luôn được ghi lại đầy đủ nên tạo cảm giác ôtô lưu thông ở trong hầm dễ cháy hơn. Mặc dù vậy, một điều có thể khẳng định là những vụ cháy trong hầm Hải Vân sẽ tiềm ẩn một hiểm họa khôn lường" - Thượng tá Nguyễn Phong nói.

Cũng theo Thượng tá Phong thì những lần ôtô tự bốc cháy trong hầm thời gian qua tương đối nhỏ, nên lực lượng PCCC tại chỗ có thể dễ dàng dập tắt, nên chưa để lại hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta được phép chủ quan.

Được biết, hiện nay, hầm Hải Vân có 126 hốc kỹ thuật PCCC (trong đó gồm can a xit tạo bọt, vòi chữa cháy, bình bọt...); 143 trụ nước; 1 xe chữa cháy đậu ở cửa hầm phía Nam.

Ngoài ra, những loại xe khác như: xe tiếp nước, xe áp lực, cứu thương, cứu hộ, xe cẩu siêu trường siêu trọng... cũng được trang bị mỗi loại 1 chiếc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì hiện nay, hệ thống PCCC hầm Hải Vân vẫn chưa được Cục PCCC thẩm duyệt.

Theo thượng tá Phong thì "đây là công trình quốc gia nên hệ thống PCCC phải do Cục PCCC duyệt. Vì trách nhiệm, các lực lượng chức năng cứ 6 tháng lại kiểm tra 1 lần, sau đó làm văn bản đề nghị bên sử dụng, khai thác hầm bổ sung, thay đổi tiêu chuẩn. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì"...

L.Thanh
.
.
.