Vì sao nhiều trường đại học không dám đào tạo tín chỉ?
Mặc dù vậy, nhiều trường thừa nhận, họ làm một cách chắp vá, hình thức. Những trường chưa làm được, thì vẫn đang loay hoay trong bế tắc và cho rằng, ít nhất phải mất 5 năm nữa để chuẩn bị, thì mới có thể áp dụng đào tạo tín chỉ "chuẩn"…
Đào tạo tín chỉ gượng ép và lệch chuẩn
Một trong những lí do khiến Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông (CNBCVT) chưa dám đào tạo tín chỉ là "mọi điều kiện cần phải được chuẩn bị thật kỹ", từ hệ thống quản lí, chương trình, phòng ốc, giáo trình và đội ngũ giảng viên, chỉ cần thiếu một trong những thứ ấy, thì không thể thực hiện được tín chỉ.
PGS.TS Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện CNBCVT trăn trở: "Hai năm vừa qua, chúng tôi đã cải cách lại chương trình để cập nhật và đến 1/9/2010, sẽ có khoảng 90 - 100% các môn học đều có bài giảng, có slide để từng bước nâng cấp thành giáo trình. Dự định khoá học tới chúng tôi sẽ thực hiện tín chỉ, nhưng e là không kịp".
Đại học Mỏ - Địa chất cũng phải mất 2 năm để xây dựng lại 33 chương trình đào tạo tín chỉ và đến nay trường đã áp dụng được 2 học kỳ, nhưng theo PGS.TS Lê Trọng Thắng, Trưởng phòng Đào tạo ĐH và sau ĐH của ĐH Mỏ - Địa chất thừa nhận, nhiều giáo viên và sinh viên của trường vẫn còn lạ lẫm với phương thức đào tạo mới này; nếu áp dụng tín chỉ vội vã, và làm không khéo, thì còn gây rối loạn nhà trường.
Nhiều trường do thiếu phòng ốc chỉ đáp ứng được 20 - 30% nguyện vọng đăng ký học tín chỉ của sinh viên. Ảnh: PV. |
Tuy nhiên, theo PGS Lê Hữu Lập, nhiều trường không chuẩn bị kịp giáo trình, nhưng vẫn cố đào tạo tín chỉ, rồi lấp chỗ trống bằng cách giới thiệu cho sinh viên các giáo trình trên mạng để các em tự tìm hiểu. Đó là cách làm gượng ép, không đúng chuẩn. Nhưng với nhiều trường đau đầu nhất vẫn là thiếu đội ngũ giảng viên để đáp ứng đào tạo tín chỉ.
Học viện CNBCVT hiện có gần 100 tiến sĩ, trong đó số trực tiếp giảng dạy chỉ khoảng 60 tiến sĩ (số lượng tiến sĩ khá lớn vì trường có viện nghiên cứu trực thuộc), nhưng PGS Lập cho hay, hiện mỗi môn trường vẫn thiếu khoảng 50% giảng viên có trình độ tiến sĩ, trong khi nếu chuyển sang đào tạo tín chỉ thì cần rất nhiều giáo sư, tiến sĩ mới đáp ứng đủ nhu cầu đăng ký học cho học sinh.
Có trường đào tạo 12 ngành trình độ ĐH, nhưng chỉ có 3 giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ, hoặc có trường cao đẳng đào tạo ngành kế toán với quy mô 850 sinh viên, nhưng chỉ có 6 giảng viên cơ hữu có trình độ ĐH đúng chuyên ngành. Nhiều trường đại học lớn có bề dày, nhưng cũng trong tình trạng "hụt hơi" giảng viên có trình độ cao. Thử hỏi, những trường đại học mới thành lập làm sao có thể xây dựng được đội ngũ người thầy chỉ trong vài ba năm để đào tạo tín chỉ.
Hàng trăm sinh viên bị buộc thôi học vì đào tạo tín chỉ
Nói đến "tính hai mặt" của đào tạo tín chỉ không thể không nhắc tới câu chuyện hàng trăm sinh viên của ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Huế và một số trường ĐH khác bị đuổi học vì nợ tín chỉ hoặc không đạt đủ điểm tích lũy. Nhưng phía sau câu chuyện này dư luận cho rằng, có nguyên nhân từ phía nhà trường đã không tư vấn kỹ cho các em khi đăng ký môn học, dẫn đến tình trạng nhiều em đăng ký nhiều quá học không xuể, hoặc có em không hiểu hết cách tích lũy điểm tín chỉ, nên chủ quan.
Ngay ĐH Xây dựng Hà Nội, trường đầu tiên ở khu vực phía Bắc áp dụng đào tạo tín chỉ từ những năm 1995, thì mỗi khóa sinh viên, sau 5 năm học cũng chỉ tốt nghiệp được khoảng hơn 60%; số còn lại tiếp tục ở lại để trả nốt tín chỉ và chấp nhận ra trường muộn hơn.
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Xây dựng đã kể rằng, có phụ huynh tìm đến trường khóc lóc kêu trời, cho rằng có gì đó "không bình thường" trong đào tạo tín chỉ, con họ thi vào trường điểm cao ngất ngưởng, không có cớ gì mà sau một năm học lại phải xách va li về nhà.
Cách đây không lâu, chúng tôi có gặp một nhóm sinh viên của một trường thành viên thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, họ phân trần, thời gian lên lớp quá ít, thầy chỉ hướng dẫn qua loa rồi cho sinh viên về nhà tự nghiên cứu. Nhưng họ không thể tự nghiên cứu với một mớ tài liệu. Có những tiết lên lớp, thầy và trò chỉ tán chuyện phiếm. Do đó, mỗi lần thi học kỳ là sinh viên cả khóa cứ nháo nhào vì kiến thức trong đầu quá mỏng manh.
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Xây dựng cho rằng, sinh viên của ta vẫn còn thói quen "bao cấp" nên rất bị động, lúng túng khi bước vào học tín chỉ. Nhưng nhà trường phải khắc phục được thói quen đó cho các em, bằng cách chuẩn bị chu đáo chương trình đào tạo, niên lịch đào tạo, có sổ tay hướng dẫn cho sinh viên đăng ký, giám sát quản lý việc đăng ký môn học của sinh viên. Đào tạo tín chỉ còn đòi hỏi bộ máy quản lý và đội ngũ nhân viên hành chính rất chuyên nghiệp, trong đó phương thức quản lý cũng phải thay đổi: xây dựng chương trình phải đảm bảo tính liên thông và tính "cơ bản".
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, tín chỉ có ưu điểm, nhưng với những trường có số lượng sinh viên không đông, các môn học ở chuyên ngành khác nhau khó có tính liên thông, thì nên cân nhắc khi đào tạo tín chỉ. Không nên chạy theo hình thức mà "cố đấm ăn xôi", làm chống chế, người gánh hậu quả không ai khác chính là sinh viên.
Về phía Bộ GD&ĐT, thiết nghĩ cần sớm có một khảo sát, hoặc tổ chức các cuộc hội thảo khoa học về thực trạng phương thức đào tạo này để tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các trường khi áp dụng tín chỉ…