Về thăm gia đình mẹ Suốt

Thứ Sáu, 23/04/2010, 18:37
Những câu chuyện về mẹ Suốt, câu chuyện không còn cồn cát nắng trưa Quảng Bình, chuyện cảm động về sự hỗ trợ kịp thời của Báo Công an nhân dân cho con mẹ Suốt… đã cuốn hút chúng tôi trong một buổi chiều bảng lảng khói sương bên dòng Nhật Lệ.

Không biết tự khi nào nữ Anh hùng Nguyễn Thị Suốt được người dân cả nước gọi với tên thân thương là mẹ Suốt. Sau 35 năm ngày non sông thu về một mối, chúng tôi có dịp về thăm lại quê hương mẹ Suốt.

Ký ức về người mẹ áo choàng thâm

Không có bút pháp văn học nào có thể nói về nhân vật lại được chân xác như chính những người con, người cháu nói về mẹ, về bà. Khả dĩ vậy, nên chúng tôi quyết định tìm về gia đình mẹ Suốt. Từ lâu một số sách, báo đã viết sai về nơi quê hương mẹ Suốt sinh ra và lớn lên; viết sai cả họ, số người con của mẹ Suốt; thậm chí một số tác giả còn phóng tác hoàn cảnh ra đời bài thơ "Mẹ Suốt" của nhà thơ Tố Hữu. Điều này thực sự đã làm phân vân không ít bạn đọc khi muốn tìm hiểu về mẹ Suốt, đặc biệt là các thầy cô giáo và học sinh phổ thông…

Sau vài lần hỏi thăm đường, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Hùng, con trai mẹ Suốt. Anh Hùng vừa mới mất cuối năm 2009. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về mẹ Suốt, cháu Trần Huy (con anh Hùng) dẫn chúng tôi đến gặp chị Trần Thị Thái và chị Trần Thị Huệ, hai người con gái của mẹ Suốt đang sống ở Đồng Hới.

Theo chị Thái, chị Huệ, mẹ Suốt tên thật là Nguyễn Thị Suốt, sinh năm 1906, quê làng Trung Bính, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, Quảng Bình. Mẹ Suốt có 4 người con, đầu là chị Thái, thứ hai là chị Trần Thị Loan, chị Huệ thứ ba và con trai út là anh Trần Hùng. Bước sang năm 1964, Mỹ bắt đầu bắn phá miền Bắc. Để vào miền Nam chiến đấu, khi qua đất Quảng Bình bộ đội chỉ có 2 con đường, một là đường Trường Sơn, hai là qua sông Nhật Lệ. Mặc dù đã bước sang tuổi 60, nhưng mẹ Suốt vẫn xung phong nhận công việc chèo đò chở cán bộ, thương binh và vũ khí qua sông, giữ vững thông tin liên lạc giữa hai bờ, mặc cho mưa bom, bão đạn gầm rú suốt ngày đêm ở trên đầu.

Ngày 4/11/1965, nhà thơ Tố Hữu, lúc đó là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, đến Đồng Hới, Quảng Bình. Sau khi có cuộc nói chuyện với mẹ Suốt nhà thơ đã sáng tác bài thơ nổi tiếng mang tên Mẹ Suốt. Chị Huệ lau nước mắt kể tiếp: "Mẹ tui có đọc được bài thơ, bà xúc động và khóc dữ lắm. Sau khi được đi dự Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua (1966) về mẹ lại càng bạo gan hơn. Nhiều hôm tàu bay giặc bắn từ sáng đến tối, mẹ vẫn cương quyết chèo đò, mẹ bảo các chú bộ đội ngồi thụp xuống thuyền, còn mẹ vừa nhìn lên trời ngóng máy bay, vừa chèo".

Trong một lần tham gia vận chuyển lương thực, mẹ Suốt hy sinh sau một loạt bom bi của địch, đó là ngày 21/8/1968.

Những người ở lại bến đò mẹ Suốt

Năm 1980, tượng đài mẹ Suốt được tỉnh Quảng Bình xây dựng ngay tại bến đò ngày xưa mẹ từng chở "quân sang đêm ngày". Bên cạnh tượng đài mẹ Suốt là chợ TP Đồng Hới, nơi chị Nguyễn Thị Huệ con mẹ Suốt vẫn đều đặn hàng ngày bán quầy mắm muối, dưa cà mưu sinh.

Chị Huệ vẫn hàng ngày bán dưa, cà, mắm, muối ở chợ Đồng Hới.

Chị Huệ bảo: "Tui may mắn là mỗi ngày bán hàng ở ngôi chợ ngay cạnh tượng đài mẹ mình. Sáng đến sớm, chiều về muộn, ít nhất là ngày hai lần tui ngắm nhìn mẹ, nghĩ về mẹ mà thấy thương thấy nhớ đến nao lòng".

Cả 4 người con của mẹ Suốt cuộc sống tương đối vất vả. Chị Thái có 3 người con làm nghề đi biển, chị thường xuyên nay ốm mai đau. Còn chị Loan giờ giữ trẻ nhỏ ở nhà. Chị Huệ đã gần 60 tuổi vẫn phải còng lưng bán dưa, cà, mắm muối để nuôi con. Còn con anh Hùng, cháu đầu đã yên bề gia thất, còn cháu thứ hai là Trần Huy, đã tốt nghiệp Mỹ thuật ở Huế hơn 1 năm nay, vẫn đang ôm hồ sơ chạy dài đi xin việc.

Năm 2007, trong chuyến vào làm việc và trao tiền ủng hộ bão lụt tại tỉnh Quảng Bình, khi nghe tin anh Hùng con mẹ Suốt đang gặp bĩ cực vì bệnh tật, gia đình lại nghèo, Tổng Biên tập Báo CAND, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ước đã trao tặng gia đình anh Hùng 30 triệu đồng.

"Nhờ có số tiền đó, gia đình mới đưa ba đi chữa bệnh được ở Hà Nội, đồng thời, thằng Huy đã học xong được Mỹ thuật ở Huế. Lần đầu tiên nhà có số tiền lớn như vậy" - anh Dũng, cháu mẹ Suốt cho biết vậy.

Sẽ không còn chang chang cồn cát

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, quê hương mẹ Suốt ở Bảo Ninh gần như bị bom đạn giặc san phẳng. Giờ đây, đường về nhà mẹ Suốt không còn phải qua đò, cầu Nhật Lệ đã nối liền đôi bờ làm đổi thay một vùng quê. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã quyết định đầu tư xây dựng Bảo Ninh trở thành trung tâm du lịch biển của tỉnh với số vốn đầu tư dự kiến lên đến hơn ngàn tỷ đồng.

Tết âm lịch vừa qua, trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Bình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đồng ý cho tỉnh Quảng Bình xây dựng cầu Nhật Lệ 2, nối trung tâm thành phố Đồng Hới với Bảo Ninh. Vùng du lịch biển Bảo Ninh sẽ được quy hoạch có diện tích 585ha. Không gian đô thị mới này sẽ được phát triển với chiều dài khoảng 5.000m, rộng 150 đến 200m, từ mép nước biển vào, tại khu du lịch này tỉnh Quảng Bình sẽ chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng…

"Đầu tư phát triển ở Bảo Ninh bên cạnh mở rộng đô thị Đồng Hới ra phía đông, đồng thời cũng là cách tri ân một vùng đất cách mạng, tri ân những con người nơi đây đã không hề tiếc máu xương của mình góp phần vào việc giải phóng, thống nhất đất nước", ông Trần Đình Dinh - Chủ tịch TP Đồng Hới khẳng định

Dương Sông Lam
.
.
.