Về Canh Hoạch, xem làm lồng chim

Thứ Ba, 23/04/2013, 08:47
Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi về làng Vác hay còn gọi là làng Canh Hoạch thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội, nổi tiếng với nghề truyền thống làm lồng chim phục vụ những người chơi chim cả nước và xuất khẩu sang thị trường Anh, Mỹ, Nhật, Hàn... tạo việc làm ổn định cho thu nhập từ 6 - 10 triệu đồng/ tháng với mỗi hộ dân trong làng. Đáng chú ý, Canh Hoạch còn là điểm sáng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Vào đến đầu làng, chúng tôi đã cảm nhận không khí nhộn nhịp của sản xuất hiện hữu ở từng hộ gia đình, nhà nhà làm lồng chim, có nhà hoàn thiện, có nhà làm từng công đoạn. Ông Trần Văn Muôn, Trưởng xóm Thế Hiển, thôn Canh Hoạch cho biết, trong thôn giờ có hơn 1.000 hộ tham gia sản xuất lồng chim, đây là một nghề truyền thống của làng, nhưng mới phát triển mạnh trở lại mấy năm gần đây, sản phẩm của làng chủ yếu là cung cấp cho thị trường nội địa, và xuất khẩu một phần theo các đơn đặt hàng đến với thị trường Nhật, Hàn, Đài Loan, Hà Lan, Pháp, Mỹ, Anh. Nhờ có nghề làm lồng chim mà cuộc sống của dân trong thôn đã khấm khá hơn.

Ở đây, các hộ gia đình có thể làm được những loại lồng với đủ hình dáng và kích cỡ khác nhau như lồng tròn, lồng vuông, lồng lục lăng, lồng hình nhà rông, lồng hình mái chùa… tùy theo yêu cầu của khách.

Với đôi bàn tay khéo léo, người dân làng Vác đã kỳ công làm ra những chiếc lồng chim tuyệt đẹp, lồng làm đến đâu bán hết đến đó, làng có nghề nên người dân trong làng có việc làm ổn định, thu nhập bình quân mỗi hộ từ 6-10 triệu đồng/tháng.

Anh Trần Văn Thảo, một người có kinh nghiệm làm lồng lâu năm trong thôn cho biết, ở làng từ già đến trẻ ai cũng biết làm lồng chim, trẻ con từ nhỏ đã học theo người lớn nên giờ vào bất kỳ hộ nào trong thôn đều có sự tham gia của cả gia đình.

Nghề làm lồng chim đòi hỏi sự tỷ mẩn sự chính xác cao, sự khéo léo của đôi bàn tay người thợ. Để ra thành phẩm 1 chiếc lồng đẹp đòi hỏi nhiều công đoạn từ chọn loại tre, trúc tốt ở tận vùng núi Hòa Bình, Cao Bằng mang về ngâm 2 - 3 tháng rồi pha thành từng thanh, đem luộc. Sau đó mới chẻ, nắn vòng để tạo dáng lồng rồi vót nan, vẽ và đục hoa văn lên chân lồng. Rồi đem ghép lồng, mài thật nhẵn và quét dầu bóng...

Đặc biệt, nếu làm lồng chim cao cấp phải cần những thợ tay nghề cao, chạm trổ các họa tiết hoa lá cỏ cây, hoặc long, ly, quy, phượng vào gánh chim của lồng.

Anh Trần Văn Thảo đang hoàn thành công đoạn cuối của chiếc lồng chim có giá bán buôn 3,5 triệu đồng.

Tìm đến nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ con của cụ Nguyễn Văn My – “ông tổ” nghề lồng chim của làng, anh đang say sưa cưa kéo, đục khắc, đan lồng chim. Tất cả như bị cuốn theo từng lát đan, từng nét chạm khắc kỳ công, tinh xảo trên những chiếc lồng to nhỏ.

Anh Nghệ cho biết, nhà anh đang hoàn thiện một số mẫu theo đơn đặt hàng, nên giờ cũng khá bận, bên cạnh làm lồng chim thì nhà anh còn làm đèn lồng xuất khẩu đi các nước theo đơn đặt hàng. Tiếng lành đồn xa về làng nghề làm lồng chim, nhiều khách hàng quốc tế đã tìm đến nhà nghệ nhân Nghệ để đặt hàng, sản phẩm làm ra được khách hàng đánh giá cao.

Trao đổi với PV Báo CAND, anh Nguyễn Văn Nghệ cho biết: “Nhà tôi chuyên làm hàng xuất khẩu, nên nếu có đơn hàng thì sử dụng nhiều lao động, vào mùa cao điểm, nhà tôi sử dụng hơn 20 lao động, với mức lương 5 - 6 triệu đồng/tháng, còn hiện nay, duy trì khoảng 5 công nhân tại xưởng, đồng thời giao đơn hàng cho các hộ làm khoán. Làm hàng xuất khẩu đòi hỏi tay nghề cao, kỹ thuật nên thu nhập của người dân cũng khá, nhiều nhà đã làm giầu từ lồng chim”.

Trong làng, nhiều hộ gia đình tham gia sản xuất lồng chim, sản xuất hàng chợ và hàng cao cấp giá nào cũng có, lồng chim có nhiều mức giá khác nhau tùy thuộc vào độ tinh xảo và chất lượng vật liệu. Giá bán mỗi lồng chim có chạm trổ tinh xảo từ 3 đến 5 triệu đồng. Những chiếc nhỏ giá vài trăm nghìn. Còn hàng chợ được người dân sản xuất đại trà có giá bán từ 80 – 100 nghìn đồng/1 lồng. Với hàng chợ một hộ có thể sản xuất trong ngày 10 lồng, hàng làm đến đâu bán hết đến đấy, ngày nào trong thôn cùng có mấy chuyến xe tải chở hàng đi khắp cả nước.

Anh Trần Văn Điệp ở đầu thôn chia sẻ, nhà anh chuyên làm lồng chim cao cấp, giá bán buôn tại nhà từ 500 nghìn đồng/1 lồng, hàng đẹp nhất của nhà làm có giá 3,5 triệu đồng. Làm theo đơn đặt hàng, nên nhà anh là một trong những địa chỉ uy tín của khách hàng. Mỗi tháng nhà anh chỉ làm được hơn 20 cái.

Ông Trần Văn Thể, Phó Chủ tịch UBND xã Dân Hòa cho biết: Nghề làm lồng chim ở Canh Hoạch đã có thương hiệu và đây là một nét hấp dẫn du khách khi đến với xã Dân Hòa, và có phát triển du lịch kết hợp làng nghề được thì mới phát triển được làng nghề. Để làng nghề phát triển bền vững, người dân yên tâm sản xuất chính là đầu ra cho sản phẩm, đồng thời là các chính sách hỗ trợ cho dân làm nghề để làm sao vừa làm nghề và giữ được nghề giữa bộn bề khó khăn.

Hy vọng rằng vào một ngày không xa về Canh Hoạch, du khách sẽ được trải nghiệm thực tế và người dân cùng tham gia vào làm du lịch tạo được sức sống mạnh mẽ cho làng nghề, để làng nghề có thể vươn xa hơn nữa, tạo được dấu ấn đẹp trong lòng du khách.

Ông Lê Quang Dần, Trưởng Công an xã Dân Hòa, Thanh Oai, Hà Nội cho biết: Thôn Canh Hoạch là một thôn đông dân nhất xã với gần 5.000 dân và hơn 1.000 hộ, cả thôn đều tham gia sản xuất lồng chim, đây một điểm sáng của xã về an ninh trật tự, không có tệ nạn xã hội. Gần 20 năm qua, xã Dân Hòa luôn là lá cờ đầu trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Lưu Hiệp
.
.
.