“Vật vã” với xử lý chất thải y tế

Thứ Bảy, 30/08/2014, 09:28
Theo khảo sát của Sở Y tế tỉnh Hậu Giang, toàn tỉnh hiện có 9 bệnh viện (BV) công lập, một trung tâm y tế, một BV tư nhân, 8 phòng khám đa khoa khu vực và 65 trạm y tế. Thế nhưng hiện chỉ mới có 4 BV được xây dựng hệ thống xử lý chất thải lỏng (trong đó có BVĐK tỉnh, BVĐK Châu Thành A và BVĐK Ngã Bảy), số còn lại đang trong quá trình chạy vận hành thử nghiệm, chưa xây dựng hoặc chỉ trong giai đoạn lập dự án đầu tư; riêng các phòng khám đa khoa khu vực và các trạm y tế xã, từ trước đến nay chưa được đầu tư các công trình xử lý nước thải, rác thải. Trung bình mỗi ngày, 84 BV, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế trên địa bàn xả khoảng 600m3 nước thải, phần lớn chưa qua xử lý ra môi trường xung quanh.

Mới đây, Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang kiểm tra việc xử lý nước thải tại 7 cơ sở y tế, ghi nhận 5 BV cấp huyện xử lý theo biện pháp lắng lọc sơ bộ bằng các hố ga, nước thải sau xử lý chưa đạt quy chuẩn quy định (có từ 1 đến 4 thông số vượt quy chuẩn).

Tại BVĐK huyện Phụng Hiệp (qui mô 110 giường bệnh, hàng ngày khám điều trị 400-500 bệnh nhân ngoại trú, trên 100 bệnh nhân nội trú), mỗi ngày có tổng lượng nước thải 50m3/ngày không được xử lý, thải trực tiếp xuống cống thoát nước công cộng, rồi chảy ra sông.

Hệ thống xử lý nước thải lỏng của BVĐK TP Vị Thanh có tổng mức đầu tư hơn 3,5 tỉ đồng hiện vẫn chưa thể hoạt động do chưa được đấu nối vào hệ thống xử lý. Vậy là toàn bộ nước thải chưa qua xử lý mới được thu gom vào hệ thống đường ống dẫn rồi đổ vào hố tự thấm ngầm.

Tại tỉnh Trà Vinh, qua khảo sát hiện nay toàn tỉnh có đến 113 phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế, cơ sở khám chữa bệnh chưa có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

Hệ thống xử lý nước thải tại BVĐK TP Vị Thanh chưa thể hoạt động do chưa được đấu nối vào hệ thống xử lý.

Tại TP Cần Thơ, nơi đang có 25 BV, một trung tâm y tế huyện, một công ty dược, 13 đơn vị y tế thuộc khối dự phòng, 85 trạm y tế và nhiều phòng khám tư nhân, nhưng hiện chỉ có 8/25 BV có lò đốt rác thải y tế, trong đó có bảy BV trang bị lò đốt hai buồng và một lò đốt thủ công. Trong khi đó, tại các BV trên địa bàn, trung bình khối lượng chất thải rắn y tế phát sinh khoảng hơn 6,3 tấn/ngày, trong đó rác thông thường là 5,3 tấn, rác nguy hại là gần 1 tấn.

Theo ghi nhận của Sở Y tế, các lò đốt đang trong tình trạng quá tải, xuống cấp, đặc biệt là có nhiều cơ sở sử dụng lò đốt thủ công gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh.

Để đảm bảo vệ sinh môi trường, giai đoạn từ nay đến năm 2015, Cần Thơ xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo mô hình tập trung. Hiện Sở Y tế đã lập dự án đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung với tổng mức đầu tư là 4 triệu USD (tương đương 91 tỷ đồng).

Cần Thơ cũng đã đề xuất hai phương án xây dựng hệ thống xử lý rác thải y tế nguy hại tập trung. Phương án 1 là hệ thống xử lý rác thải lắp đặt tại BV lao và bệnh phổi, giao cho BV này trực tiếp thu gom, quản lý và vận hành hệ thống xử lý tập trung, tận dụng nguồn nhân lực thu gom có sẵn tại BV. Phương án 2 là lắp đặt hệ thống xử lý rác thải tại khu quy hoạch xử lý rác tập trung ở Phước Thới, quận Ô Môn. Phương án này vận hành hệ thống quản lý, thu gom và vận chuyển một cách tập trung chuyên nghiệp; giảm chi phí vận chuyển, hạn chế phát tán ô nhiễm, giảm thiểu tác động tới cộng đồng dân cư...

Sở Y tế tỉnh Trà Vinh cho biết đang triển khai chương trình xử lý chất thải y tế đảm bảo đầu ra đạt tiêu chuẩn không vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. Chương trình được thực hiện từ 2014-2018 và định hướng đến năm 2020, với tổng vốn đầu tư 34,7 tỷ đồng.

Theo đó, từ nay đến 2018, Trà Vinh sẽ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế cho 30 trạm y tế và phòng khám đa khoa khu vực đã được xây dựng đạt chuẩn quốc gia về y tế. Từ 2018 đến 2020, dự kiến tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư cho 21 trạm y tế.

Các cơ sở y tế trên sẽ được đầu tư xây dựng mới hệ thống xử lý nước thải y tế hoàn chỉnh gồm nhà điều hành, bể thu gom, bể điều hòa, bể lắng, bể lọc sinh học, bể thu gom bùn, bể đặt thiết bị, hệ thống thiết bị xử lý nước thải. Đối với hệ thống xử lý rác thải y tế, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng và lắp đặt hoàn chỉnh một hệ thống gồm nhà bao che, bể chứa rác và lò đốt rác...

Sở Y tế tỉnh Hậu Giang đang xây dựng Đề án đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý chất thải y tế cho cơ sở y tế trong tỉnh. Mục tiêu phấn đấu đến 2015, ở tuyến huyện sẽ có 5 BV được đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải lỏng. Sở đã có kế hoạch đầu tư lắp đặt hệ thống xử lý chất thải cho các trạm y tế tuyến xã. Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Hậu Giang cho biết có thể phải hai năm nữa, việc xử lý chất thải lỏng của ngành Y tế Hậu Giang mới đạt yêu cầu theo chuẩn của Bộ Y tế

TH. BÌNH – CTV
.
.
.