Vất vả nộp hồ sơ vào… mầm non

Thứ Tư, 08/07/2009, 09:04
Cứ đến mùa tuyển sinh, nhiều phụ huynh lại bức xúc vì phải vất vả "phục kích" để xếp hàng nộp hồ sơ sớm tại trường mầm non theo đúng tuyến. Có phụ huynh chấp nhận thức dậy từ một hai giờ sáng, thậm chí có người còn mang chăn màn phục sẵn từ đêm hôm trước cổng trường mà vẫn không đăng ký được chỗ học cho con...

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện toàn thành phố chỉ có 40 - 60% học sinh được vào học tại các trường mầm non công lập do hệ thống trường công lập không đủ chỗ để nhận hết số trẻ hiện có. Mặt khác, những trường tốt, trường điểm bao giờ cũng thu hút một lượng học sinh trái tuyến, dẫn đến quá tải, từ đó nảy sinh ra không ít tiêu cực.  

Bán suất, chuyển hộ khẩu, chạy trường

Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, việc tuyển sinh vào các trường mầm non phải thông báo công khai chỉ tiêu tuyển sinh trẻ mầm non ở từng độ tuổi trên địa bàn dân cư theo quy định. Thời gian tuyển sinh bắt đầu từ ngày 1 đến 15/7, các trường tuyệt đối không được tuyển sinh trước thời gian quy định. Sau khi đã nhận đủ số trẻ trên địa bàn, nếu còn chỉ tiêu, các trường có thể tiếp nhận trẻ trái tuyến cho đủ chỉ tiêu được giao. Tuy nhiên, trên thực tế việc tuyển sinh vào các trường mầm non công lập trên địa bàn thành phố hiện nay không phải nơi nào cũng làm đúng theo quy định.

Ngày càng nhiều học sinh trái tuyến tại các trường điểm, trường chất lượng.

Mặc dù vào tháng 7 các trường mầm non mới bắt đầu được phép tuyển sinh nhưng ngay từ tháng 6, nhiều phụ huynh đã rục rịch tìm mối để lo lót cho con được vào học trái tuyến tại các trường điểm, trường có chất lượng cao. Do số lượng hồ sơ đăng ký vào các trường này quá đông so với chỉ tiêu tuyển sinh, lại học trái tuyến nên để chắc ăn, một số phụ huynh đã tận dụng mọi mối quan hệ hoặc chi từ 3 - 5 triệu đồng để nhờ "cò" lo cho con vào học. Số còn lại, chấp nhận thức dậy từ một hai giờ sáng, thậm chí có người còn mang chăn màn phục sẵn từ đêm hôm trước để đợi sẵn trước cổng trường, xếp hàng đăng ký cho con học. Tuy nhiên, dù vất vả đến sớm để nộp hồ sơ nhưng không phải phụ huynh nào cũng may mắn.

Anh Đinh Trọng Hiền ở 1142 đường Láng bức xúc kể lại: Khi nghe thông tin Trường Mầm non thực nghiệm Hoa Hồng (Vĩnh Hồ, Đống Đa) thông báo nhận hồ sơ tuyển sinh, đúng 5h sáng anh đã có mặt tại cổng trường chờ. Tuy nhiên, đợi đến gần trưa vẫn không thấy nhà trường nhận hồ sơ tuyển sinh. Trong khi đó, bảo vệ nhà trường cho biết: Nhà trường đã tuyển đủ chỉ tiêu. Theo anh Hiền, đây là một kiểu tuyển sinh "chui", thông báo tuyển sinh chỉ là hình thức còn trên thực tế thì việc tuyển sinh đã được sắp đặt đâu vào đấy. Nhiều phụ huynh dù đăng ký cho con học đúng tuyến nhưng vẫn không đạt được nguyện vọng.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, có một quy định bất thành văn của các trường mầm non là mỗi cô giáo sẽ có 1 - 2 suất trái tuyến, dành cho người nhà. Đó là chưa kể đến các suất ngoại giao bất thành văn khác nữa. Số suất học còn lại do hiệu trưởng nhà trường quyết định. Đây chính là cơ sở dẫn đến những hiện tượng tiêu cực như "chạy trường"; "bán suất" cho học sinh trái tuyến. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn lách quy định bằng cách chạy hộ khẩu cho đúng tuyến để được ưu tiên...

Tư tưởng… trường điểm

Theo ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Hà Nội: Sở GD&ĐT chỉ quản lý về mặt chủ trương, còn việc tuyển sinh vào các lớp đều giao cho các phòng giáo dục các quận, huyện, phường… Tuy nhiên, hiện toàn thành phố vẫn còn một số phường chưa có trường mầm non như khu vực Láng Hạ, Ngã Tư Sở… Các trường mầm non công lập trên địa bàn thành phố hiện chỉ mới đáp ứng được khoảng hơn 40% số trẻ có nhu cầu dẫn đến việc quá tải tại một số trường, từ đó nảy sinh ra tiêu cực. Tuy nhiên, nguyên nhân của việc chọn trường và "chạy trường" chủ yếu là do tâm lý "sính" trường điểm của các bậc phụ huynh.

Trên thực tế, độ chênh về chất lượng của các trường mầm non hiện không lớn, cơ sở vật chất các trường lớp đầu cấp cũng đang được cải thiện. Đó là chưa muốn nói, hiện nay có nhiều trường tư thục trên địa bàn thành phố đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ với chương trình học hợp lý, bài bản, được nhiều phụ huynh đánh giá cao. Mức học phí nằm ở mức 1,1 triệu đến 2 triệu đồng; chênh với các trường mầm non công lập không đáng kể. Do vậy, phụ huynh không nên đặt nặng tư tưởng trường điểm, trường chất lượng và đua nhau cho con vào học bằng mọi giá.

Cũng theo ông Thống, các phòng giáo dục quận, huyện có thể ngăn chặn việc chuyển hộ khẩu để "chạy" trường bằng cách nhà trường chỉ nên giải quyết trường hợp chuyển theo bố mẹ. Các trường hợp còn lại thì phòng giáo dục các quận, huyện cũng như nhà trường cần xem xét kỹ và quy định thời gian từ lúc nhập hộ khẩu cho đến lúc xin xét tuyển vào các trường

Hoàng Mai
.
.
.