Vất vả mưu sinh ngày Tết

Thứ Bảy, 28/01/2012, 11:02
Cái rét cắt da cắt thịt suốt những ngày Tết không làm cho những người mưu sinh ở Hà Nội nản lòng, dù họ bỏ lại đằng sau cả gia đình với những đứa trẻ mong Tết. Mưu sinh ở Hà Nội trong ngày này đã trở thành một nghề của nhiều người ngoại tỉnh.

Tiếng rao lảnh lót “ai muối đây” sáng sớm mùng 1 Tết đã trở thành quen thuộc với người Hà Nội. Dù đang cuộn mình trong chăn ấm nhưng khi nghe tiếng rao, nhiều người đã vùng dậy để mua muối với mong ước cả năm gặp nhiều may mắn.

Mới 6 giờ sáng mùng 1 Tết, cả con ngõ 324 Thụy Khuê đã bị đánh thức bởi tiếng rao “ai muối đê”. Tiếng xe đạp kêu lạch cạch, chị Nguyễn Thị Ngọc, ở làng Long Khám, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh vòng đi vòng lại vài lần trong ngõ. Thấy tôi gọi, chị mừng lắm, xúc liền mấy bát muối vào chiếc túi bóng rồi bảo: “Rét quá chị ạ, vợ chồng em đi từ 3h sáng đến giờ vẫn chưa bán hết”.

Theo lời kể của chị thì đây là năm thứ 2 vợ chồng họ đi bán muối trong đêm 30 và ngày mùng 1 Tết.  “Thường ngày cả 2 vợ chồng em bán bánh đa rong ở Hà Nội, chỉ ngày Tết mới bán muối. Năm ngoái chúng em bán được 1 tạ, năm nay chỉ mang có 70kg thôi vì muốn về sớm, con em mới được 5 tháng” - chị Ngọc kể.

Đi từ đêm đến sáng, đôi tay chị Ngọc tím bầm vì lạnh, hai bàn chân đã mỏi nhừ nhưng chị vẫn long đong với hạt muối trắng ngần để phục vụ người dân Thủ đô. Bỏ lại sau lưng đứa con thơ đang khát bầu sữa mẹ, bỏ cả cái Tết quây quần đầm ấm, vợ chồng họ miệt mài mưu sinh. “Ngày này kiếm tiền dễ hơn nên vợ chồng em bảo nhau chịu khó một chút. Tất cả cũng chỉ vì cuộc sống thôi”- chị Ngọc phân trần.

Chị Ngọc đi bán muối sáng mùng 1 Tết.

Chịu thương chịu khó là đức tính tốt của nhiều phụ nữ, đàn ông thôn quê dù Tết là ngày mà gia đình sum họp, tề tựu, nhất là vào giờ khắc thiêng liêng chuyển mình từ năm cũ sang năm mới. Thế nhưng, vào những giây phút đó, trên đường phố Hà Nội vẫn rất nhiều người miệt mài mưu sinh.

Anh Phạm Văn Đông, quê ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên bán bóng bay ở cổng đền Đồng Cổ trên đường Thụy Khuê cho biết: “Ngày Tết bán gấp nhiều lần ngày thường nên năm nào tôi cũng “ăn Tết” ở Hà Nội”. Anh Đông bán bóng bay suốt từ đêm 30 đến hết ngày mùng 1 Tết. Mùng 2 anh mới về quê, nhưng mùng 4 lại lên Hà Nội bán tiếp đến rằm mới về.

Tôi gặp anh Phạm Hữu Đằng ở bờ hồ Hoàn Kiếm vào chiều mùng 4 Tết khi anh đang nặn tò he bán cho trẻ con đi chơi xuân. Quê anh Đằng ở thôn Xuân La, xã Phượng Rực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, một làng nặn tò he nổi tiếng. Tết là khi mọi người về quê sum họp, nhưng với người Xuân La thì Tết là mùa họ xa gia đình, sau đó mới về quê ăn Tết muộn. Mỗi người chuẩn bị một chiếc hòm gỗ, trong đó có bột nếp đủ màu, những que nan vót nhọn và họ đi khắp mọi nơi để nặn tò he bán Tết.

Anh Đằng học nặn tò he từ ngày còn nhỏ và lớn lên kiếm sống bằng nghề này. Từ mùng 1 Tết anh đã rong ruổi ở khu vực gần hồ Hoàn Kiếm để nặn tò he bán. “Đắt hàng gấp mấy lần ngày thường nên người Xuân La gọi Tết là mùa làm ăn”- anh Đằng cho biết.

Gần chục năm nay anh Đằng không được hưởng không khí Tết ở nhà, nhưng nhìn trẻ con thành phố tung tăng vui đùa, ngồi xem anh nặn tò he, rồi thích thú, trầm trồ cũng làm anh thấy ấm lòng. Năm nào cũng hết Tết anh mới về nhà, và lúc này làng Xuân La rất đông vui bởi họ đón Tết muộn.

Tranh thủ những ngày Tết, nhiều nông dân ngoại tỉnh về Hà Nội mưu sinh để kiếm thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống còn bộn bề khó khăn. Vì thế mà không khí Tết ở Hà Nội vui hơn khi có những phụ nữ, đàn ông thôn quê chịu thương chịu khó này. Bên tất bật của cuộc mưu sinh, họ đã đem đến cho người dân Thủ đô những dịch vụ tiện ích

Minh Thư
.
.
.