Vật nuôi gây họa, chủ phải chịu trách nhiệm

Thứ Bảy, 29/08/2009, 11:00
Theo quy định mới tại Thông tư 48 về quản lý chó, mèo, chủ vật nuôi để chó thả rông cắn người hoặc cản trở phương tiện giao thông gây tai nạn, chủ nuôi phải chịu mọi chi phí điều trị. Nếu xảy ra chết người, ngoài việc phải chịu chi phí điều trị, chủ nuôi còn phải có trách nhiệm vật chất trong việc tổ chức chôn cất cho người bị hại và các khoản chi liên quan...
>> Cần có bảo hiểm trách nhiệm đối với... chó?

Sau khi có hiệu lực (45 ngày kể từ ngày ký), Thông tư này sẽ có liên quan tới hầu hết các hộ dân, bởi gia đình nào cũng có nuôi chó, mèo vừa làm cảnh, vừa để giữ nhà. Từ trước tới nay, cảnh chó thả rông, không rọ mõm, chó cắn người qua đường hay chó không được tiêm phòng vaccin, lây bệnh dại cho người… là chuyện không hề xa lạ với người dân, từ thành thị đến nông thôn. Dù quy định đối với chó thả rông đã có, song hầu như không còn được ai nhớ đến.

Dư luận vẫn chưa khỏi bàng hoàng bởi dịch chó dại ở Tam Đường (Lai Châu) hồi tháng 5-6 vừa qua, khiến 4 người tử vong. Cả huyện có đến hơn 600 người bị chó dại cắn nhưng may mắn kịp thời tiêm phòng vaccin.

Thông tư 48 sẽ rất khó thực thi ở vùng nông thôn và miền núi.

Theo kết luận của Sở Y tế Lai Châu, nguyên nhân khiến dịch chó dại bùng phát trên địa bàn là do lái buôn đưa chó từ các nơi: Phú Thọ, Vĩnh Phúc... về nuôi, giết mổ, mà không được kiểm dịch chặt chẽ, nên có thể số chó này đã bị nhiễm bệnh rồi về lây lan ra địa phương.

Để tránh lặp lại tình trạng trên, Thông tư 48 (4/8/2009) do Bộ NN&PTNT ban hành quy định: Tại các đô thị, nơi đông dân cư, kể cả vùng nông thôn (trừ vùng sâu, vùng xa) tổ chức, cá nhân nuôi chó phải đăng ký với trưởng thôn, trưởng ấp, hoặc tổ trưởng dân phố để lập danh sách, trình UBND xã, phường cấp sổ quản lý chó.

Sổ quản lý chó phải ghi rõ ngày, tháng, năm sinh; loài, giống, tính biệt, màu lông; ngày gia đình bắt đầu nuôi, thời gian tiêm phòng các loại vaccin, số lô. Các xã, phường phải có sổ ghi chép số lượng chó nuôi, loài giống. Mặt khác, hằng năm, vào tháng 3, thú y xã, phường phải thống kê số chó, mèo nuôi trên địa bàn xã, phường và báo cáo Trạm Thú y các quận, huyện thị...

Đặc biệt, theo quy định mới tại thông tư, chủ vật nuôi để chó thả rông cắn người hoặc cản trở phương tiện giao thông gây tai nạn, chủ nuôi phải chịu mọi chi phí điều trị. Nếu xảy ra chết người, ngoài việc phải chịu chi phí điều trị, chủ nuôi còn phải có trách nhiệm vật chất trong việc tổ chức chôn cất cho người bị hại và các khoản chi liên quan (cho hậu quả do người bị chết để lại) theo quy định của Chính phủ.

Với Thông tư này, việc chăn nuôi chó mèo bấy lâu vốn bị buông lỏng đã được siết chặt lại. Tuy nhiên, điều cốt yếu là có triển khai được trong thực tế hay không, người nuôi chó mèo có chấp hành hay không; nhất là khi thông tư mới chỉ đưa ra các quy định mà không đưa ra chế tài xử lý bắt buộc, chính quyền địa phương cần vào cuộc nghiêm túc. 

Theo một số cơ quan quản lý: Việc phòng dại là cần thiết, nhưng trước mắt nên tập trung vào việc tiêm phòng vaccin, vì nó đem lại hiệu quả và tính khả thi cao hơn

Nhóm PVKTXH
.
.
.