Bình Phước:

Vật lộn với nắng hạn để giữ rừng khỏi cháy

Thứ Tư, 09/03/2005, 08:47
Để phòng chống cháy rừng trong mùa khô năm nay, tỉnh Bình Phước đã tổ chức cày dập thực bì, làm sạch cỏ ở diện tích rừng trồng. Tỉnh cũng đầu tư hơn 1,5 tỉ đồng cho các ban quản lý rừng, các lâm trường mua dụng cụ cứu hỏa.

Từ đầu mùa khô đến nay, Bình Phước chưa có một cơn mưa nào, nắng nóng và nhiệt độ cao đã làm cho thảm thực bì trong rừng (đặc biệt là những khu rừng tạp, rừng trồng) khô héo. Chỉ sơ sẩy một chút, ngọn lửa có thể thiêu huỷ hàng ngàn ha rừng.

Xác định rõ nhiệm vụ phòng chống cháy rừng không chỉ là nhiệm vụ của ngành lâm nghiệp, Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, coi công tác phòng chống cháy rừng trong mùa khô năm nay như là một nhiệm vụ chính trị quan trọng. Từ đó, cấp ủy và chính quyền các cấp đã tổ chức hàng ngàn buổi tuyên truyền về công tác phòng chống cháy rừng.

Theo số liệu của Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Bình Phước, hiện còn trên 351.000 ha rừng và đất rừng. Trong đó, rừng tự nhiên có gần 127.000 ha, rừng trồng trên 80.000 ha, rừng đặc sản (cây công nghiệp dài ngày trồng trên đất rừng) trên 10.000  ha. Ngoài diện tích rừng tạp, hỗn giao (lồ ô, tre bụi và cây nhỏ), Bình Phước còn hai khu rừng đặc dụng rất giàu về thảm thực vật và hệ động vật, đó là khu vườn quốc gia Bù Gia Mập và rừng di tích lịch sử núi Bà Rá.

Trách nhiệm và ý thức của nhân dân (nhất là những hộ dân đang sống gần rừng) được nâng cao, không còn hộ dân nào đốt lửa gần rừng, vứt tàn thuốc lá gần rừng khi chưa dập tắt hẳn. Ở một số địa phương có rừng thuộc các huyện Phước Long, Bù Đăng, Bù Đốp, Lộc Ninh… được sự giúp đỡ của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, chính quyền đã tổ chức hàng chục buổi diễn tập với sự tham gia của hàng trăm người dân.

Thực hiện tốt và đẩy mạnh công tác khoán quản rừng cho dân cũng là một biện pháp tốt để phòng chống cháy rừng. Đến nay, Bình Phước đã có 2.000 hộ dân nhận chăm sóc, quản lý 49.000 ha rừng. Ông Điểu Len, nhận khoán quản 20 ha rừng ở tiểu khu 35, Lâm trường Nghĩa Trung nói: "Nhà nước giao rừng cho mình, mình phải giữ cho bằng được. Giữ cho lâm tặc khỏi phá, giữ cho không bị cháy, chăm sóc cho rừng lớn nhanh. Nếu bỏ rừng, rừng mất thì mình cũng đói theo"

Ngọc Ánh
.
.
.