“Vàng tặc” hoành hành dữ dội ở Quảng Trị

Thứ Năm, 04/07/2013, 02:23
Chưa có lúc nào “vàng tặc” lại hoành hành dữ dội như lúc này ở Quảng Trị. Những điểm khai thác vàng cách trung tâm các xã chỉ vài giờ đi bộ, nhưng “vàng tặc” đã ngang nhiên vận chuyển máy móc, các vật tư thiết bị khai thác vàng từ ngoài vào đây và từ đây vào điểm khai thác.

“Vàng tặc” đã ngày đêm nổ mìn, phá núi, đào vàng; múc ruột các sông, suối để tìm vàng như chốn không người. Nhiều trong số “vàng tặc” nhờ có kẻ “chống lưng” mà nhanh chóng phất lên, nhưng cũng không ít người vì vàng mà tan nhà nát cửa, nghiện ngập cái chết trắng…

Cuôi là bản xa nhất của xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, bốn bên là núi rừng, khe suối đẹp như tranh. Nhưng bốn năm nay, Cuôi không còn giữ được vẻ đẹp của nó, các “đại gia” ở vùng đồng bằng có được tấm giấy phép “thăm dò khoáng sản vàng ở Cuôi” trong tay đã vào đây đào bới, băm nát hơn mười cây số đường sông, suối để tìm vàng. Đến cuối 2012, các “đại gia” vì tranh giành nhau địa bàn khai thác dẫn đến ẩu đả, án mạng.

Các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng đã vào cuộc, đẩy đuổi “vàng tặc” ở Cuôi. Nhưng vùng núi rừng, sông suối này yên ắng trở lại chỉ được một thời gian ngắn, đến tháng 3/2013, “vàng tặc” lại vận chuyển máy móc, các vật tư thiết bị khác vào đây, khai thác vàng trở lại. Sông suối, núi rừng ở Cuôi đã bị đào bới, băm nát, hủy diệt mới hàng chục cây số.

“Vàng tặc” cày nát vùng núi rừng, sông suối ở Cuôi.

Theo ghi nhận của chúng tôi, cả khu vực này có gần 100 lao động là người tứ xứ, làm thuê cho các chủ bưởng làm vàng chủ yếu là “đại gia” đến từ thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh. Các “đại gia” này tổ chức khai thác vàng trái phép ở đây rất quy mô, bên cạnh lực lượng lao động lớn là các phương tiện máy móc hiện đại, gồm 15 máy múc, gần 30 giàn máy nổ hút, bơm nước; 5 giàn lọc đá, cát để lấy vàng và các vật tư thiết bị khác.

Người dân bản Cuôi phản ánh, họ đã nhiều lần kiến nghị lực lượng chức năng và chính quyền địa phương nhưng đến nay vấn nạn “vàng tặc” ở đây vẫn không được giải quyết, thậm chí ngày càng trở nên phức tạp hơn. Cũng theo bà con dân bản, khoảng nửa tháng một lần, bà con thấy các lực lượng chức năng vào đây nhưng không thấy họ ngăn chặn hay xử phạt gì “vàng tặc”, mà chỉ vào rồi trở ra nhanh chóng.      

So với Cuôi, thị tứ Tà Rụt (bao gồm bốn xã: Tà Rụt, A Vao, A Bung, A Ngo), huyện Đakrông có thâm niên về vàng hơn. Bởi vậy nỗi đau từ vàng ở đây cũng quằn quại hơn nhiều.

Ông Hồ Văn Ngơn, Chủ tịch UBND xã Tà Rụt bấm đốt ngón tay, buồn bã: “Đến nay, trên địa bàn xã có 20 con nghiện ma túy, nhiều đối tượng đang bị phạt tù và mới ra tù do liên quan đến ma túy. Lực lượng Công an cùng chính quyền địa phương và bà con dân bản đã và đang từng ngày đối mặt, đấu tranh với vấn nạn này để giữ gìn sự bình yên cho các thôn, bản”.

Cũng theo ông Ngơn: “Các tệ nạn xã hội ở Tà Rụt đều do vàng mà ra. Vàng có nhiều trong các rừng già, sông suối ở A Vao, A Bung, A Ngo và Tà Rụt. Từ những năm 1990, hàng trăm con người khắp nơi đã đổ xô về đây để đào bới, tìm vàng. Về sau, không ít dân bản thấy lợi trước mắt, làm thuê cho họ. Cũng từ đó, Tà Rụt từ một xã miền núi heo hút trở thành nơi tập kết, gặp mặt của những “vàng tặc” cùng các hoạt động kèm theo. Trong đó, nổi lên tình trạng nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng; nhà nghỉ; karaoke; chích hút ma túy; chạy xe máy lạng lách, không đội mũ bảo hiểm…”.

Cơn lốc vàng đã gây nên những thiệt hại khôn lường cho các xã miền núi còn rất nghèo khó này. Bên cạnh các hệ lụy trên, hàng năm tới mùa bão lụt, người dân còn phải đối mặt, chống chọi với những cơn lũ quét, lũ ống kinh hoàng. Nguyên dân của nó là do rừng đầu nguồn đã bị chặt phá không thương tiếc để khai thác vàng…

Ông Ngơn đưa mắt nhìn ra phía con đường thảm nhựa dẫn từ ngã ba thị tứ Tà Rụt vào trung tâm xã A Vao, nơi có những chiếc xe ôtô chở hàng đang rầm rập chạy vào trong, và nhấn mạnh rằng, vấn nạn vàng tặc sẽ bị triệt xóa một khi lực lượng chức năng cùng chính quyền các cấp đồng lòng, đồng sức và xử lý triệt để từ gốc rễ tồn tại của vấn đề này...

Phan Thanh Bình
.
.
.