Vàng mã thời “công nghệ số”

Thứ Tư, 14/08/2013, 10:03
Chỉ còn chưa đầy chục ngày nữa là đến rằm tháng 7 nhưng thị trường hàng mã đã rợp trên nhiều đường phố. Năm nay, những món đồ hàng mã “khủng” với giá tiền triệu, chục triệu vắng bóng hơn hẳn nhưng thay thế vào đó là những mặt hàng vàng mã bắt kịp với xu thế của thị trường như Iphone, Ipad, ôtô Lexus…

Dạo qua phố Hàng Mã, Hà Nội - phố chuyên cung cấp mặt hàng vàng mã, theo ghi nhận của chúng tôi, năm nay, thị trường vàng mã không sôi động như những năm trước. Mặc dù các mặt hàng vàng mã vẫn rất đa dạng từ những vật dụng nhỏ nhất như đôi dép, bộ gương lược, quần áo cho đến những thứ hiện đại như ôtô, nhà lầu… được làm khá cầu kỳ, tỉ mỉ nhưng người mua vẫn chưa đông. Anh Phạm Văn Lâm, người bán vàng mã ở phố Hàng Mã chia sẻ: Năm nay, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, người dân thắt chặt chi tiêu nên những loại hàng mã đắt tiền khách phải đặt chúng tôi mới nhập về. Bởi những thứ này có giá vài triệu đến chục triệu, nếu nhập về mà không có khách thì lỗ.

Những năm trước, không ít đại gia “vung tay” không tiếc tiền để sắm những dàn lễ “khủng” với số lượng lớn tiêu tốn cả hàng trăm triệu đồng, thậm chí lên đến cả bạc tỷ. Thế nhưng, một năm qua, với tình hình kinh tế suy thoái, các đại gia cũng dần trở thành các “tiểu gia” vì thế mà sức mua của thị trường vàng mã cũng giảm sút hẳn. Thị trường vàng mã với những biệt thự, máy bay loại đại, cực đại năm nay tiêu thụ khá chậm.

Chị Nguyễn Thị Phương, nhân viên bán hàng ở cửa hàng trên phố Hàng Mã cho hay, thay vì đặt những đồ mã “khủng” với số lượng nhiều như mọi năm như ngựa, voi, thuyền… năm nay, cửa hàng chị chủ yếu bán những đồ mã có kích thước trung bình. Cách đây 1 tháng, có một người đến đặt chiếc thuyền để cúng cho người con trai xấu số bị chết đuối, người này yêu cầu thuyền phải to, 3 tầng, có đầy đủ tiện nghi với giá 10 triệu đồng. “Cửa hàng tôi duy nhất chỉ có một trường hợp đó là đắt nhất thôi, còn lại đều là những hàng mã dạng trung bình”, chị Phương cho biết. Theo chị Phương thì năm nay đồ mã khá phong phú với những mặt hàng theo kịp xu hướng hiện đại công nghệ số như máy điện thoại Iphone, Ipad, siêu xe Audi, Lexus... Đồ mã này đều sản xuất nhỏ gọn cho hợp với túi tiền của đại bộ phận người dân.

“Hàng độc” trên thị trường vàng mã rằm tháng 7.

Theo anh Phạm Văn Lâm thì đồ mã ở cửa hàng nhà anh hầu hết có nguồn gốc từ làng Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, một số ít nhập từ một vài hộ sản xuất đồ mã nhỏ ở Hà Nội. “Ở làng nghề họ cũng kêu năm nay hàng tiêu thụ chậm hơn so với năm ngoái”, anh Lâm kêu. Ông Hùng, chuyên sản xuất mã ở ngõ 378 Thụy Khuê, Hà Nội cũng cho biết, lượng hàng sản xuất cho đợt rằm tháng 7 năm nay của gia đình ông giảm hơn so với năm ngoái. Giá vàng mã năm nay không tăng nhiều so với năm trước. Chỉ vào bộ Iphone, Ipad, anh Phạm Văn Lâm cho biết, giá của nó chỉ 300.000 đồng. Chiếc xe “Mẹc” có kích thước bằng chiếc xe của trẻ em bán với giá 400.000 đồng. Hay như một chiếc biệt thự 5 tầng, giá 500.000 đồng. “Giá tăng chỉ khoảng 10% thôi, cùng lắm đến ngày cao điểm thì lên 15%”, anh Lâm cho biết.

Vẫn đốt bất chấp lệnh cấm

Tuy thị trường vàng mã không sôi động như mọi năm, thế nhưng, trên mâm cỗ cúng rằm tháng 7, hầu hết gia đình nào cũng dành một khoản tiền để mua đồ mã. Bởi lẽ, việc đốt vàng mã cho người đã khuất vào rằm tháng 7 đã ăn sâu trong tiềm thức của người dân Việt Nam. Trưa 8/8, một góc phố Ngọc Hà, Hà Nội nghi ngút khói. Người đàn ông đang đốt chậu đồ mã ở ngay trên vỉa hè, nơi người qua lại tấp nập. Nhà, xe cháy rừng rực, trơ những thanh tre làm khung nhà, mùi khét bốc lên khi thanh tre cuối cùng cháy trơ trụi. Rằm năm ngoái, có nhà còn khiêng cả phuy sắt ra sát đường Phan Bội Châu đốt. 

Năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị định 75/2010/NĐ – CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa trong đó có hành vi đốt mã nơi công cộng, nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa. Đã 3 năm có lệnh “cấm” nhưng đến thời điểm này, Hà Nội chưa xử phạt được trường hợp nào. Mỗi năm, tiêu tốn vào việc đốt đồ mã lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, để tiết chế việc lãng phí này, cụ thể là sự ra đời của Nghị định 75 hầu như chưa thực hiện được. Hàng ngày, hàng giờ, sự tiêu tốn và lãng phí vẫn đang diễn ra. Theo ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thì đến thời điểm này trên địa bàn phường Hàng Bạc chưa xử phạt được trường hợp đốt mã nào ở nơi công cộng, ở các di tích lịch sử - văn hóa…

“Trên địa bàn phường có Đình Kim Ngân do BQL Phố cổ quản lý và Đền Thọ Nam ở 22 phố Hàng Thùng, nhưng chưa xử phạt được trường hợp nào đốt mã ở hai nơi này. Ngoài đường phố, nơi công cộng cũng vậy, chưa xử phạt được trường hợp nào. Có thể có đốt nhưng chưa bắt được để xử phạt theo Nghị định 75”, ông Thành cho biết.

Tại Phủ Tây Hồ, theo ông Trương Công Đức, Trưởng ban Quản lý di tích Phủ Tây Hồ thì Phủ đã cấm chuyện hầu đồng, hầu bóng, đốt mã từ rất nhiều năm nay nên không có chuyện đốt hình nhân, hình nộm, nhà lầu, xe hơi ở đây. Tuy nhiên, từ khi Nghị định 75 có hiệu lực thì Ban quản lý di tích Phủ Tây Hồ chưa thấy cơ quan văn hóa của phường, quận, thành phố nào vào đây kiểm tra. Theo ông Đức thì nhiều gia đình nghĩ “trần sao âm vậy” nên đốt nhiều theo kiểu “tạp phế lù” đặt hết cung xong đốt, đổ tro ra chậu hoặc ném xuống sông, hồ. Theo ông Đức thì đốt mã hiện nay quá lãng phí và ngày càng bị biến tướng. Một hình nhân có giá 200.000 đồng - 300.000 đồng. Có nhà dâng sao, giải hạn lên tới vài triệu một lần, thậm chí cả chục triệu đồng rồi đốt ra tro.

Như vậy, để đốt vàng mã thực sự là một hoạt động mang tính văn hoá trong tín ngưỡng thờ cúng của nhân dân, cùng với ý thức tiết kiệm, tránh lãng phí của người dân, các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý những trường hợp vi phạm để ngày rằm tháng 7 được hiểu đúng với ý nghĩa tốt đẹp vốn có

Nguyễn Hương - Trần Hằng
.
.
.