Người Thủ đô đau đầu tìm đất cho người thân về thế giới bên kia"

Thứ Tư, 16/09/2015, 08:10
“Lo hậu sự” là truyền thống ngàn đời của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, với hệ thống nghĩa trang tại Thủ đô vừa thiếu vừa manh mún như hiện nay, nhiều người Hà Nội đau đầu khi có người thân “về thế giới bên kia”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Kế Khiêm, toàn huyện có 149 nghĩa trang nhân dân với hơn 112ha, đa số đều hình thành tự phát theo cụm dân cư, thôn làng có từ lâu đời. Trong đó có 54 nghĩa trang được chỉnh trang, cải tạo có đầy đủ các hạng mục, tường rào xung quanh, đường giao thông, nhà quản trang, hệ thống điện chiếu sáng; 100% thôn, làng có quy chế quản lý, sử dụng nghĩa trang và được đưa vào quy ước của thôn, làng. 

Còn theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) TP Hà Nội, hiện nay, hệ thống nghĩa trang nhân dân có tổng quy mô 2.744ha, chiếm 0,82% diện tích đất tự nhiên, trong đó cấp thành phố quản lý 4 nghĩa trang, cấp huyện quản lý 3 và cấp xã phường quản lý 2.633 nghĩa trang. 

Để quản lý hoạt động các nghĩa trang và nhà tang lễ, từ năm 2010, Sở LĐ,TB&XH đã tham mưu cho UBND TP ban hành quy chế quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn TP Hà Nội. 

Tuy nhiên, như chính lãnh đạo Sở LĐ,TB&XH thừa nhận, đến nay việc thực hiện các quy định quản lý, sử dụng nghĩa trang tại các quận, huyện, xã phường còn hạn chế, chưa đồng bộ, manh mún, nhiều nghĩa trang không có tổ quản trang, không có bộ phận chuyên trách về vệ sinh môi trường, chưa có sơ đồ quản lý mộ, đánh số mộ và thực hiện lưu giữ hồ sơ… 

Các nghĩa trang được xây dựng theo hình thức xã hội hóa cũng chưa đáp ứng được nhiều nhu cầu an táng của nhân dân mà chủ yếu phục vụ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đầu tư.

Các công viên nghĩa trang giá cao chưa đáp ứng được nhiều nhu cầu an táng của xã hội.

Theo Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Khuất Văn Thành, đây là vấn đề khó, nan giải, các ngành cũng chưa phối hợp đồng bộ trong công tác quản lý các nghĩa trang, nhà tang lễ trên địa bàn. Hiện nay phần lớn các nghĩa trang thuộc các quận nội thành cũ đều đã quá tải phải đóng cửa hoặc đang có phương án di dời phục vụ giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng gây sức ép lớn về quy hoạch, mở rộng nghĩa trang. 

Bên cạnh đó, nghĩa trang nhân dân là tồn tại lịch sử, mới được đưa vào hệ thống quản lý nhà nước trong thời gian gần đây. Hệ thống nghĩa trang nhân dân có rất nhiều bất cập như sử dụng đất không hiệu quả, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan, quản lý chủ yếu theo phong tục tập quán của địa phương, mộ nằm riêng lẻ, rải rác ở các đồi gò, bãi, ruộng làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp…

Trên địa bàn thành phố có 2 cơ sở hỏa táng đang hoạt động, 18 nhà tang lễ và tiễn biệt. Đối với các nhà tang lễ, hiện chủ yếu tập trung tại các khu vực nội thành, có quy mô nhỏ hẹp nên thường xuyên quá tải, cơ sở vật chất thiếu thốn. Các nhà tang lễ có cơ chế quản lý điều hành khác nhau, giá dịch vụ khác nhau, không có cơ quan kiểm tra giám sát nên một số đối tượng lợi dụng để trục lợi gia đình người chết… 

Ở cấp độ cơ sở, Phó Giám đốc Chu Thị Dự cho biết, năm 2000, Sở Y tế Hà Nội bàn giao cho Bệnh viện Thanh Nhàn quản lý một nhà tang lễ rộng 802m², nằm trong khuôn viên bệnh viện. Ngay sau đó, bệnh viện đã thành lập đơn nguyên đại thể và phục vụ tang lễ, có nội quy, quy định cụ thể về công tác phục vụ tang lễ. Giá thu dịch vụ được thực hiện theo hình thức của đơn vị hành chính sự nghiệp có thu, tự hạch toán một phần, trên cơ sở lấy thu bù chi. Năm 2014, nhà tang lễ thu từ dịch vụ được gần 21 tỷ đồng, chi gần 14 tỷ đồng, số dư được tích lũy để tái hoạt động. Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cũng cho biết, mỗi năm nhà tang lễ tổ chức lễ tang cho gần 900 trường hợp.

Kết luận buổi giám sát việc quản lý, sử dụng hệ thống nghĩa trang nhân dân, cơ sở hỏa táng, nhà tang lễ, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, công tác quản lý còn chưa đạt hiệu quả cao, mô hình quản lý chưa rõ, dịch vụ tại các cơ sở, các quận huyện, xã phường chưa thống nhất. 

Chủ tịch HĐND TP yêu cầu Sở LĐ,TB&XH phải rà soát lại toàn bộ các văn bản liên quan để tham mưu cho thành phố ban hành chính sách cho phù hợp thực tế, nếu cần thiết phải đề xuất HĐND TP quyết nghị về cơ chế. Đồng thời, phải phối hợp với Sở Tài chính thống nhất về giá dịch vụ chung giữa các cơ sở hỏa táng, các quận huyện, xã phường và phải công khai giá dịch vụ cho nhân dân được biết. 

Chủ tịch HĐND TP cũng đề nghị các sở, ngành liên quan rà soát lại nội dung công việc thuộc lĩnh vực này, xác định rõ lộ trình xây dựng hoặc đóng cửa nghĩa trang nhân dân.

Số ca hỏa táng tăng qua các năm

Trước những bất cập của việc an táng tại các nghĩa trang, năm 2013, UBND TP Hà Nội đã ban hành cơ chế hỗ trợ khuyến khích hỏa táng. Sau 3 năm, theo đánh giá của Sở LĐ,TB&XH, chính sách này đã đạt được hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi nhận thức của nhân dân về việc tang văn minh, được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân. Tính đến nay, thành phố đã chi 204 tỷ đồng hỗ trợ cho trên 55.000 ca hỏa táng, việc đầu tư trên đã đem lại hiệu quả kinh tế giúp nhân dân tiết kiệm được chi phí trong hung táng. Vì vậy, số ca hỏa táng đều tăng qua các năm, 5 tháng đầu năm 2015 tỷ lệ hỏa táng đã đạt 46,8% (năm 2013 là 37,9%). Tuy nhiên, theo HĐND TP Hà Nội, tỷ lệ hỏa táng đã ngày càng tăng nhưng không đồng đều giữa các địa phương, có một số quận, huyện tỷ lệ rất thấp.                                                                           

Chi Linh
.
.
.