Hội nghị tham vấn chuyên gia về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông:

Vẫn ngổn ngang trăm mối

Thứ Sáu, 29/08/2014, 08:47
Ngày 28/8, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức hội nghị tham vấn chuyên gia về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT - SGK) giáo dục phổ thông với sự chủ trì của GS.VS Đào Trọng Thi, Ủy viên TW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban. Các vấn đề nóng bỏng như: có nên duy trì một CT, nhiều bộ SGK, dạy học phân hóa hay tích hợp, việc phân chia chương trình GDPT thành giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp đã được đưa ra bàn thảo thẳng thắn tại hội nghị…

Tranh cãi gay gắt giáo dục 10 + 2 hay 9 + 3

Theo dự thảo Đề án đổi mới CT – SGK mới thì hiện có 2 phương án “xác định số năm học giáo dục cơ bản”, trong đó phương án 1 – phương án mà Bộ GD&ĐT đề nghị Chính phủ chọn thì “giáo dục tiểu học được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 5; giáo dục THCS từ lớp 6 đến lớp 10, giáo dục THPT từ lớp 11 đến lớp 12” (mô hình 5 + 5 + 2) và phương án 2 giữ số năm học như quy định hiện nay (mô hình 5 + 4 + 3). Lý do có thêm phương án 1, theo dự thảo giải thích là nếu có thêm 1 năm cho giáo dục cơ bản thì sẽ “khắc phục được những khó khăn về trang bị kiến thức phổ thông nền tảng và phân luồng trong giáo dục cơ bản, phù hợp với xu hướng của một số nước phát triển”.

Nhưng theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, những lí do nêu trên đều không thuyết phục, bởi lẽ: Dư luận hiện phàn nàn CT hiện hành còn kinh viện, quá tải, vậy không hiểu việc đề nghị kéo thêm 1 năm THCS để trang bị cho đủ kiến thức và kỹ năng có phù hợp với định hướng của CT GDPT mới hay không? Việc rút ngắn 1 năm học THPT sẽ ảnh hưởng đến CT THPT như thế nào, vì cả trong chương trình hiện hành lẫn trong CT mới, THPT đều là bước chuẩn bị quan trọng cho học sinh vào ĐH, CĐ. Hiện tại, THPT có 3 năm mà phần lớn các trường ngay từ đầu cấp đã dạy bớt CT, bớt môn không thi tốt nghiệp. Nếu THPT chỉ còn 2 năm thì không biết chuyện bớt xén sẽ phát triển như thế nào?

Cũng theo GS Nguyễn Minh Thuyết, việc thêm 1 năm THCS chắc chắn không giải quyết được vấn đề gì trong phân luồng sau THCS. Và việc thêm 1 năm cho cấp THCS không biết là theo xu hướng của những nước nào. Dự thảo Đề án của Bộ GD&ĐT có đề cập đến những việc cần giải quyết khi thực hiện phương án 1 (5+5+2) là sẽ điều chỉnh lại Luật Giáo dục và cơ cấu lại số lượng giáo viên giữa 2 cấp học THCS và THPT. Việc sửa luật, theo GS Thuyết không khó nhưng cơ cấu lại số lượng giáo viên của hai cấp học chủ lực sẽ rất phức tạp, bởi nó không chỉ liên quan đến CT đào tạo ở các trường ĐH, CĐ sư phạm mà còn liên quan đến biên chế, chức danh, bậc lương của GV và cơ sở vật chất của toàn bộ các trường THCS trong cả nước.

Đổi mới CT-SGK hướng đến phát triển năng lực cần được nghiên cứu và tính toán kỹ lưỡng.

Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan tán thành phương án xác định giáo dục cơ bản được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 10, giáo dục định hướng nghề nghiệp được thực hiện từ lớp 11 đến lớp 12, nhưng giáo dục tiểu học tăng lên thành 6 năm (tăng thêm thời gian cho môn toán và ngoại ngữ) và cấp THCS vẫn giữ 4 năm như hiện nay. GS.VS Phạm Minh Hạc thì cho rằng, nghị quyết mới cần phải xác định: “giáo dục cơ bản 10 năm là giáo dục bắt buộc”, sau bậc giáo dục cơ bản thì phải phân luồng mạnh, cho học đi vào thị trường lao động, học nghề, trung cấp nghề, có học sinh học tiếp lên lớp 11, hướng tới việc “hướng học, hướng nghiệp”…

Một chương trình nhiều bộ SGK: nên làm nhưng cần có lựa chọn chuẩn

Với những tồn tại của CT, SGK hiện hành theo khảo sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thiên về truyền thụ kiến thức, chưa chú trọng đúng mức việc rèn luyện tư duy sáng tạo và năng lực tự học, chưa cân đối dạy kiến thức với giáo dục đạo đức, lối sống, lịch sử, văn hóa dân tộc cũng như định hướng nghề nghiệp, cho thấy mức độ cần thiết phải đổi mới chương trình SGK là một trong những xương sống của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục được nhiều nhà khoa học đồng tình. Dự thảo Đề án Đổi mới CT, SGK giáo dục phổ thông chủ trương xây dựng CT giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực người học, chú trọng đến khả năng vận dụng sáng tạo kiến thức, kĩ năng vào giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống; viết SGK theo hướng mở: một chương trình nhiều bộ SGK.

Chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK được xem là một trong những điểm sáng của đề án. GS.TS. Hoàng Văn Vân, ĐHQG Hà Nội đề nghị Bộ GD&ĐT cần công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, những ai quan tâm biết để tham gia. GS.TS Vân cho rằng khi chủ trương này được ban hành thì một loạt câu hỏi được đặt ra: các NXB nước ngoài có được phép biên soạn SGK cho Việt Nam hay không?, các cá nhân người Việt Nam có được phép hợp tác với tổ chức hay cá nhân nước ngoài đầu tư vào viết sách ở Việt Nam không?; một tổ chức, một cá nhân có thể viết nhiều bộ sách của một môn học không?; các tỉnh có được phép thành lập hội đồng thẩm định sách có sự giám sát và kiểm tra của Bộ GD&ĐT theo chương trình của Bộ này ban hành để sử dụng cho địa phương mình hay tất cả sách đều phải thẩm định bởi những Hội đồng thẩm định do Bộ GD&ĐT thành lập?...

Đổi mới CT-SGK hướng đến phát triển năng lực cần được nghiên cứu và tính toán kỹ lưỡng.

Xuất phát từ thực tiễn của người làm khoa học, GS.NGND Nguyễn Lân Dũng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Khoa học-Giáo dục của UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, đã chỉ ra những bất cập cụ thể trong SGK môn Sinh học “vừa nặng lại vừa thấp, đưa ra nhiều vấn đề nhưng các vấn đề đều rất “nông””. GS.TS Nguyễn Lân Dũng đề xuất giao việc biên soạn CT Giáo dục phổ thông cho các hội khoa học chuyên ngành (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, Ngôn ngữ…). Các hội này sẽ liên kết với các thầy cô giáo giỏi ở bậc phổ thông để sớm làm ra những CT đáp ứng đủ 4 tiêu chí: hội nhập quốc tế, phù hợp với hoàn cảnh nước ta, phù hợp với trình độ dạy và học của thầy và trò, phù hợp với số giờ thực học, có thể sử dụng ổn định, lâu dài trong nhiều năm.

PGS.TS Trần Diên Hiển, ĐHSP Hà Nội đề xuất trong thời gian tới nên xã hội hóa công tác biên soạn SGK, vừa tiết kiệm được nhiều nghìn tỷ đồng cho cho các dự án biên soạn SGK, tập huấn giáo viên thay SGK… như lâu nay chúng ta vẫn làm, mà còn tận dụng tối đa trí tuệ của các nhà khoa học, nhà giáo có trình độ, có nhiệt tình và có nguyện vọng tham gia biên soạn SGK. Từ đó nâng cao chất lượng SGK, giúp giáo viên và cơ quan quản lý giáo dục có nhiều lựa chọn về nội dung, phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh của địa phương. Tuy nhiên về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cũng đưa ra hoài nghi về khả năng hạn chế sai sót, nhất là trong SGK các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Cơ chế lựa chọn, sử dụng SGK, nhất là trong tình hình quyết định của những người có thẩm quyền dễ bị chi phối vì lợi ích nhóm? Cần có giải pháp để lựa chọn được những bộ sách tốt và tương đối ổn định phù hợp với điều kiện tài chính có hạn của các gia đình Việt Nam

Thu Uyên - Thu Phương
.
.
.