Vấn nạn tảo hôn ở các buôn làng Tây Nguyên
Cũng giống Bleo, cô bé Y Hét (17 tuổi), chưa đủ tuổi kết hôn nhưng đã bắt chồng từ năm 2012. “Thấy lớp bạn nghỉ học bắt chồng, mình cũng ưng cái bụng nên làm theo”, tay bế bé gái gần 2 tháng tuổi, Y Hét tâm sự...
Chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, chỉ riêng ở làng Kram, xã Rờ Kơi, Sa Thầy, Kon Tum có đến hàng chục trường hợp tảo hôn. Các cháu Y Kăn, Y Lão, Y Trĩa, Y Nhung, Y Trẻ, Y Nhải, Y Na… đang mới ở tuổi 15, 16 trẻ non như măng mới mọc. Đáng buồn là trong số 48 trường hợp tảo hôn ở xã Rờ Kơi có 8 trường hợp kết hôn cận huyết thống.
Nhiều lần cán bộ xuống làng tuyên truyền, vận động không nên lấy chồng sớm… nhưng lũ trẻ cứ cười rồi lên rẫy, xuống đồng thấy chàng chai ưng ý là bắt về làm chồng chứ không cần hỏi ai. Già làng A Híp cho rằng, lệ làng không thể cấm lũ trẻ lấy chồng sớm mà chỉ nhắc nhở gia đình, người thân để khuyên nhủ thôi. Nếu ngăn cấm không cho lấy nhau, lỡ sau này không lấy được chồng thì già làng không đền được.
Một cặp vợ chồng còn rất trẻ con. |
Xã Rờ Kơi (Sa Thầy, Kon Tum) số hộ nghèo chiếm 63,85% dân số trong toàn xã nhưng 6 tháng đầu năm 2013 toàn xã có gần 10 trường hợp tảo hôn. Phần lớn những gia đình trẻ con ở xã Rờ Kơi có cuộc sống khó khăn, không ổn định, các em chưa học hết cấp 2 đã sớm bỏ trường bỏ lớp để lấy nhau.
Cùng với Kon Tum, các tỉnh Gia Lai, Đăk Nông, Lâm Đồng, tình trạng tảo hôn cũng vẫn còn xảy ra ở các buôn làng. Nhất là tình trạng sinh con thứ ba trở lên, tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, anh chị em con cô con cậu lấy nhau còn xảy ra nhiều ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh Lâm Đồng có 17 xã thuộc 7 huyện có tỷ lệ người dân tộc thiểu số KHo, Chu Ru, Mạ, Mông có tỷ lệ tảo hôn cao. Nhiều đứa trẻ sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống có nguy cơ mắc các bệnh di truyền: mù màu, bạch tạng, da vảy cá, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia), hồng cầu hình liềm, rối loạn chuyển hóa, thiếu enzim G6PD, trẻ có thể bị biến dạng xương mặt, bụng phình to, nguy cơ tử vong cao...
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là tập tục diễn ra chủ yếu ở 3 khu vực miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên sẽ để lại nhiều hệ lụy về sức khỏe và chất lượng giống nòi. Vì vậy, giải pháp giảm thiểu tình trạng hôn nhân cận huyết có ý nghĩa thiết thực trong việc bảo vệ giống nòi và góp phần phát triển bền vững đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên