Vấn nạn “cò” bệnh viện: Chưa xử lý triệt để vì chế tài chưa đủ mạnh

Chủ Nhật, 07/10/2012, 21:20
Bệnh viện quá tải. Người bệnh chen lấn xếp hàng, đứng chật cả phòng khám bệnh viện. Nắm bắt tâm lý sốt ruột của người đến khám chữa bệnh, “cò” bệnh viện xuất hiện làm dịch vụ bán sổ y bạ, dẫn người vào khám, thậm chí là “câu” bệnh nhân từ bệnh viện về phòng khám tư… Hoạt động của “cò” đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự tại khu vực xung quanh bệnh viện. Mới đây, Bộ Y tế đã tổ chức họp bàn cách diệt “cò” bệnh viện. Công an Hà Nội cũng ra quân xử lý gắt gao hoạt động trên.
>> Bộ Y tế bàn biện pháp chống “cò” bệnh viện

Bắt nhiều, xử lý khó

Sáng 5/10, tổ công tác số 7 thuộc lực lượng 142 Hà Nội do Thiếu tá Trần Văn Hiếu, Đội 5, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Hà Nội làm tổ trưởng đã có mặt sớm tại cổng Bệnh viện mắt TW đường Bà Triệu. Tuy mới khoảng 7h sáng nhưng lượng bệnh nhân và người nhà đổ về Bệnh viện Mắt TW đã rất đông.

Nhận thấy có lực lượng Công an, nhiều đối tượng mặt bịt kín khẩu trang, tay cầm sổ y bạ đã nhanh chân bỏ chạy. Tuy nhiên, lực lượng 142 cũng đã nhanh chóng triển khai lực lượng và bắt giữ 2 đối tượng “cò mồi” đang có hành vi bán sổ y bạ, gây mất trật tự công cộng. Hai đối tượng là Trần Thị Lan, 41 tuổi, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội và Hoàng Thị Thảo, 46 tuổi, trú tại quận Long Biên, Hà Nội. Hai đối tượng này khai nhận, sáng sớm khoảng 7h đã ra khu vực cổng Bệnh viện Mắt TW để môi giới, chào mời khách khám chữa bệnh và bán sổ y bạ.

Cũng trong buổi sáng 5/10, một tổ công tác khác thuộc lực lượng 142 Hà Nội đã có mặt trước cổng Bệnh viện K trên đường Quán Sứ, Hà Nội. Đây vốn được coi là một trong những điểm mà các đối tượng “cò mồi” hay lượn lờ để “vợt” khách. Nhận thấy khách có nhu cầu khám chữa bệnh còn đang ngơ ngác, “chân ướt chân ráo” trước cổng Bệnh viện K, các “cò mồi” sẽ lân la làm quen, mời chào môi giới khám bệnh và bán sổ y bạ. Chỉ trong sáng 5/10, tổ công tác của lực lượng 142 đã xử lý 4 đối tượng “cò mồi” đang có hành vi bán sổ y bạ trước cổng Bệnh viện K là Trịnh Bích ở Nghĩa Dũng, quận Ba Đình, Hà Nội, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Huệ ở phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Trịnh Tuyết Nga ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Đây không phải là lần đầu tiên lực lượng Công an TP Hà Nội ra quân xử lý các đối tượng “cò” bệnh viện. Tuy nhiên, tại sao, sau mỗi đợt ra quân, các đối tượng “cò” bệnh viện lại ngang nhiên “tung hoành”?. Thiếu tá Trần Văn Hiếu cho hay: Theo quy định của pháp luật, các đối tượng “cò” bệnh viện chủ yếu bị xử phạt hành chính về hành vi “gây mất trật tự công cộng” với mức xử phạt từ 100.000 đồng-200.000 đồng. Đối tượng nào vi phạm lần 2 trong vòng 1 năm sẽ bị đề nghị đưa vào diện giáo dục tại xã, phường. Trong thời gian giáo dục tại xã, phường, nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị đề nghị đưa đi các cơ sở giáo dục để cải tạo. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra và xử phạt các đối tượng “cò” khá khó khăn vì họ đã quen mặt lực lượng chức năng, nhanh chóng “bỏ chạy” khi phát hiện bị kiểm tra. Khi lực lượng chức năng đi khỏi, “cò” lại ngang nhiên “tung hoành”.

Công an phường Nguyễn Du lập biên bản vi phạm hành chính với hai phụ nữ bán sổ khám bệnh của Bệnh viện Mắt TW trước cổng viện.

Nhân viên y tế có bắt tay với “cò”?

Chiều 5/10, khi vừa dừng xe trước cổng Bệnh viện Mắt TW, chúng tôi đã được một người phụ nữ đầu đội mũ, đeo khẩu trang kín mít “gạ gẫm”: Vào khám bệnh không em? Chị dẫn đi khám đỡ phải mất công chờ lâu?”. Tôi vờ ngạc nhiên hỏi lại: “Khám nhanh được hả chị? Em cũng đang muốn về sớm con nhỏ đang chờ”. Chị này phấn khởi chìa chiếc sổ khám ra: “Chỉ mất 200.000 đồng, đi theo chị là xong ngay”.

Từ tháng 9/2011 đến nay, lực lượng 142 Công an TP Hà Nội đã tổ chức kiểm tra hành chính hơn 172 lượt tại các bệnh viện, nhà ga, bến xe… bắt giữ hơn 600 đối tượng “cò mồi” dẫn dắt, ép khách gây mất trật tự công cộng và đưa về Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội và Công an các đồn, phường, trạm lập hồ sơ xử lý hành chính. Trong đó, từ tháng 9/2011 đến giữa tháng 8/2012, đã tổ chức kiểm tra 10 lượt tại các bệnh viện, bắt giữ 31 đối tượng “cò”.

Nhìn xấp y bạ trên tay hai phụ nữ đưa về trụ sở Công an phường Nguyễn Du, Hà Nội, câu hỏi đặt ra là vì sao họ lại có nhiều sổ y bạ của bệnh viện đến thế? Liệu có sự bắt tay giữa người bên ngoài và người bên trong bệnh viện để bán y bạ với giá cao hơn (từ 3-7.000đ/cuốn)? Vấn đề này cũng được đặt ra trong cuộc họp liên ngành do Bộ Y tế tổ chức với một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội và ngành Công an. Đại diện một số bệnh viện cho rằng, các đối tượng “cò” mượn danh bệnh viện để chặt chém người bệnh từ việc cung cấp dịch vụ xe cứu thương, dẫn người khám bệnh hay đơn thuần chỉ là bán sổ y bạ với giá cao… Vấn nạn “cò” bệnh viện không chỉ gây mất trật tự bệnh viện, giảm chất lượng khám chữa bệnh, mà còn giảm lòng tin vào y đức bác sỹ.

Trung tá Trần Quốc Hải, Trưởng Công an phường Nguyễn Du cho biết, các đối tượng thường khai mua lại sổ khám của người bệnh không vào khám rồi đem bán lại. Tuy nhiên, nếu nhìn vào số lượng sổ khám bệnh lên đến hàng chục cuốn thì lời khai đó không đủ sức thuyết phục? Liệu có hay không việc người trong bệnh viện bắt tay với  “cò” bên ngoài?!

Theo Thiếu tá Trần Văn Hiếu, để có thể xử lý dứt điểm được tình trạng “cò” bệnh viện thì cần phải có sự phối hợp giữa các ngành chức năng. Ngoài sự nỗ lực của lực lượng Công an, các bệnh viện cũng cần phải có các biện pháp mạnh để xử lý nghiêm các đối tượng “cò mồi” như tuyên truyền để người bệnh, người nhà không bị các đối tượng “cò mồi” lôi kéo, giao lực lượng bảo vệ chặn “cò” tại khu vực cổng bệnh viện. Chính quyền địa phương cũng nên có các chính sách để tạo công ăn việc làm cho người dân bởi lẽ những đối tượng “cò mồi” chủ yếu là các đối tượng thất nghiệp, có độ tuổi từ 35 đến 45 tuổi…

Nguyễn Hương -Việt Hà
.
.
.