Vấn nạn cái bang “nhí” ở TP HCM

Thứ Ba, 08/12/2009, 10:33
Không hẳn bị ép buộc, bị quản lý theo những đường dây chăn dắt, nhiều đối tượng lợi dụng vẻ ngoài đáng thương của trẻ em đang đổ về những địa điểm thường xuyên tập trung đông đúc ở TP HCM , coi xin ăn như một nghề kiếm sống, nuôi cả ông bà, cha mẹ.

Thậm chí, nhiều trường hợp trẻ trốn nhà đi ăn xin chỉ để lấy tiền… chơi game mà không ý thức được vô số những hệ lụy xấu, kể cả sự phát triển nhân cách lệch lạc bởi những tác động không lành mạnh từ cuộc sống đường phố.

Tiểu cái bang kiểu gia đình

Cách đây không lâu, khi nạn ăn xin tại Trống Đồng chưa bị dẹp bỏ, những người làm việc tại đây gần như "nhẵn mặt" cả đại gia đình gần chục con người đem nhau lập "đại bản doanh" chờ xin tiền người xem ca nhạc. Công việc của "tiểu cái bang" này khá đơn giản. Cứ vào khoảng 6h hoặc 7h tối là chở nhau tập trung trước cổng sân khấu. Người lớn túc trực bên chiếc xe ba gác, để mắt trông chừng mấy đứa nhỏ, đốc thúc chúng lại xin tiền hoặc đồ ăn rồi thu gom. Đứa nhỏ nhất mới chỉ mấy tháng tuổi thì được bà mẹ trẻ phốp pháp ẵm bồng.

Tuy nhiên, phải đợi đến 10h, 11h đêm, vai trò của những đứa trẻ này mới thực sự được phát huy. Không biết đã được huấn luyện đến mức nào nhưng ngày nào cũng như ngày nào, chỉ sau một bình sữa là mấy đứa trẻ ngoan ngoãn nằm trên tấm nilon tạm, bên cạnh là một hộp carton để sẵn. Khán giả xem ca nhạc ra về hầu như đều phải đi qua vị trí này. Nhìn đứa trẻ chỏng chơ trên vỉa hè giữa đêm khuya, không ít người chạnh lòng móc ví…

Phải mất một thời gian khá lâu tìm hiểu, kể cả những ngày lân la lại gần làm quen với "tiểu cái bang" này chúng tôi mới được biết: cả gia đình có đến gần chục thành viên, đến từ tỉnh Thanh Hóa. Ngoài hai ông bà đã ở tuổi 60, cô con gái út mới 12 tuổi trong khi cô chị cả cũng đã kịp có đến 4 mặt con. Đứa lớn đã xấp xỉ tuổi… dì út, đứa nhỏ nhất mới vài tháng tuổi.

Ban ngày, ai chịu khó và còn sức thì đi lượm ve chai. Chập tối kéo nhau đi xin ăn, đến nửa đêm mới về phòng trọ. Trước khi đến Trống Đồng, họ đã lang bạt nhiều nơi. Mới đây, cơ quan quản lý "làm rát" ở Trống Đồng, cả gia đình lại lục tục kéo đi tìm "trụ sở" mới. Tất nhiên, với hoàn cảnh sống như thế này, việc đi học của lũ trẻ chỉ có ở… trong truyện cổ tích.

Hí hửng với mấy món qùa vặt của khách đi đường, những đứa trẻ này không hề biết rằng chúng chính là công cụ kiếm tiền của người thân. Ảnh: N.N.

Nguy cơ phát triển lệch lạc của một bộ phận thanh thiếu niên

Những tiểu cái bang kiểu gia đình nói trên không phải hiếm gặp ở hiện nay. Tại một trung tâm bảo trợ xã hội của thành phố, chúng tôi cũng đã từng gặp cả những đại gia đình có đến 3 thế hệ đi ăn xin. Có khác chăng là họ trốn đến từ đất nước Campuchia. Bị thu gom, trả về địa phương nhưng chỉ được một thời gian là họ tiếp tục trốn về lại. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp trẻ đi ăn xin không phải vì miếng cơm manh áo.

Trước đó, trong những ngày đi thực tế, chúng tôi chứng kiến một vài bé trai 13, 14 tuổi, cứ đầu giờ tối là kéo nhau đến, cởi áo, cất dép sau tấm bạt rồi loanh quanh ở khu vực bán vé vào sân khấu để xin tiền. Một cậu bé còn cho biết, cả nhóm đều ở quận 4, người thân mải làm ăn, không để ý nên đứa nọ rủ đứa kia đến. Tiền xin được dành để ăn quà và chơi điện tử. Đã có trường hợp bị người nhà phát hiện, đến tận nơi đánh mắng, bắt về nhà. Được vài bữa, bảo vệ sân khấu đã lại thấy chúng mò lên, tiếp tục hành nghề. Nhiều lần như thế, gia đình chán nản, làm ngơ để mặc chúng tự do sống lang thang theo bạn bè...

Trao đổi về vấn nạn trẻ em lang thang, sống ngoài đường phố, Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Trưởng bộ môn tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm  cho biết: Dù bị ép buộc hay tự nguyện thì tình trạng bị đẩy ra đường sớm không chỉ vi phạm pháp luật về quyền trẻ em mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển nhân cách sau này.

Với một môi trường sống thiếu lành mạnh, các em lại thiếu kỹ năng sống, thiếu kiến thức sẽ rất dễ bị cám dỗ bởi những cái xấu. Từ chỗ bị dụ dỗ đến chịu áp lực, buộc phải điều chỉnh thói quen theo hướng tiêu cực dẫn đến nhân cách phát triển lệch lạc. Nhiều trường hợp thấy mình bơ vơ, mặc cảm, thậm chí còn dẫn đến chứng trầm cảm, phá phách, phản ứng không theo chuẩn mực của xã hội, vi phạm pháp luật…

Được biết, hiện nay, cơ quan quản lý của  đã thống kê được khoảng 1.150 trẻ em lang thang trên địa bàn thành phố. Bên cạnh việc thu gom, trả về gia đình, địa phương, khá nhiều trường hợp đã phải giải quyết bằng cách đưa vào các cơ sở xã hội, cho đi học nghề trước khi hồi gia.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp tình thế. Để giải quyết triệt để tình trạng này còn cần có sự phối hợp quản lý, tuyên truyền từ các địa phương có người lang thang xin ăn và cũng như ý thức quan tâm, phổ biến kiến thức chăm sóc, nuôi dạy con cái kịp thời cho chính các bậc làm cha, làm mẹ, đặc biệt là những người thuộc khu vực lao động nghèo

N.Nguyễn
.
.
.