Quản lý môi trường, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch:

Vẫn loay hoay tìm giải pháp

Thứ Tư, 24/12/2014, 11:20
Sau hơn một năm thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, báo chí đã tạo sự chuyển biến rõ rệt từ nhận thức đến các việc làm cụ thể, thiết thực để cải thiện môi trường du lịch, tất cả vì một điểm đến Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, hiện tượng lừa đảo, gian lận, ép giá, chèo kéo, đeo bám, xâm hại tài sản, thân thể khách du lịch vẫn đang tác động xấu đến hình ảnh du lịch của một số địa phương và cả nước, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Đó là khẳng định của hầu hết các đại biểu trong buổi họp bàn rút kinh nghiệm, thảo luận tìm giải pháp cho các vướng mắc trong quản lý môi trường, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 23/12 tại TP Hồ Chí Minh.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau khi Chỉ thị số 18 được ban hành, đến nay, đã có 21 địa phương thiết lập đường dây nóng phục vụ 24/24h để tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin kịp thời tới khách du lịch.

Cần tạo môi trường thuận lợi để tăng lượng du khách đến và trở lại Việt Nam.

Hiện tại, có 7 địa phương đã hoàn thiện đề án và thành lập Trung tâm hỗ trợ du khách. Nhiều địa phương có cách làm hay, mô hình phù hợp như Tiếp tục duy trì 69 điểm phát phiếu tại sân bay, bến xe để kiểm soát chất lượng dịch vụ, thông báo giá cước taxi cho hành khách, thành lập tổ phản ứng nhanh, lực lượng sinh viên tình nguyện hỗ trợ du khách, tổ chuyên trách trật tự du lịch...

Tuy nhiên, con số 7 Trung tâm Hỗ trợ du khách được thành lập trên tổng số 31 tỉnh/thành có lượng khách du lịch từ 1 triệu lượt khách/ năm trở lên là con số đáng suy nghĩ. Khá nhiều hạn chế được nêu ra: chưa thiết lập được số điện thoại chung thống nhất trên toàn quốc để hỗ trợ khách du lịch, có địa phương chưa thật chủ động, quyết liệt trong triển khai các giải pháp cải thiện môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, cơ chế phối hợp có nơi còn lỏng lẻo, mang tính hình thức, chế độ thông tin, báo cáo chưa thực hiện đầy đủ, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc chưa thường xuyên. Việc thành lập lực lượng Cảnh sát du lịch vẫn là giải pháp được trông chờ nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách.

Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, bà Văn Thị Bạch Tuyết chia sẻ: Bình quân mỗi năm, TP Hồ Chí Minh đón khoảng 5 triệu lượt du khách quốc tế. Tuy nhiên, nạn ăn xin, chèo kéo khách du lịch của người bán hàng rong, gian lận trong thu cước vận tải, nạn cướp giật trên địa bàn cho đến việc tồn tại những điểm tham quan không có nhà vệ sinh công cộng cho du khách đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh và sự quảng bá du lịch  thành phố nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung.

Lực lượng thanh niên xung phong tham gia hoạt động hỗ trợ du khách tại TP. Hồ Chí Minh.

Thời gian qua, các vụ việc cướp giật của du khách được chuyển đến cơ quan chức năng chỉ là một phần nhỏ so với thực tế vì du khách sợ phiền hà, không đủ chứng cứ, nhân chứng... Lý do của các hạn chế nói trên là lực lượng chức năng không đủ để kiểm soát 24/24h tại hầu hết các địa bàn. Có khi hạn chế được nơi này thì khu vực khác lại tăng lên. Việc taxi thu quá cước hầu hết đều là do taxi dù, nhái nhãn hiệu. Ngay việc xử lý các doanh nghiệp du lịch vi phạm cũng còn nhiều vấn đề bất cập bởi đã có những trường hợp, chủ doanh nghiệp vi phạm, bị thành phố tước giấy phép hoạt động nhưng sau đó lại về tỉnh khác, xin cấp giấy phép mới và đưa người tiếp tục hoạt động tại TP Hồ Chí Minh. Để xử lý tốt hơn các vấn đề nói trên, thành phố đang rất cần đến một lực lượng chuyên trách như Cảnh sát du lịch...

Tổng kết của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chỉ ra rằng, ngay trong công tác phối hợp, kiểm tra còn có nhiều văn bản pháp quy quy định chồng chéo, phân định trách nhiệm xử phạt không rạch ròi gây nhiều khó khăn cho việc xử lý.

Đại diện tỉnh Khánh Hòa, ông Trương Đăng Tuyến, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Khánh Hòa cũng chia sẻ rằng rất khó để dẹp nạn ăn xin, hàng rong chèo kéo khách du lịch khi cái gốc của vấn đề là công ăn việc làm cho họ vẫn chưa được giải quyết. Với một người bán hàng rong, có khi mưu sinh chỉ là một chiếc rổ nhỏ đựng lạc (đậu phộng). Nếu thu của họ chiếc rổ này, ngày mai họ có chiếc rổ khác. Trong khi đó, chế tài xử lý không hiệu quả. Nếu phạt tiền, họ cũng không đủ tiền để nộp phạt...

Trao đổi về việc tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch thời gian qua, Đại tá Vũ Văn Toan, Cục phó Cục An ninh kinh tế tổng hợp, Bộ Công an khẳng định, thời gian qua,  Công an cả nước đã tích cực đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn trong hoạt động du lịch. Tuy nhiên, Công an cũng phát hiện, xử lý nhiều trường hợp người nước ngoài lợi dụng du lịch để hoạt động trái mục đích nhập cảnh: thu thập thông tin tài liệu để chống phá đất nước, vi phạm trật tự an toàn xã hội mà trong đó chủ yếu là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trộm cắp, lao động bất hợp pháp, hoạt động kinh doanh trái phép, kết hôn và môi giới kết hôn trái phép, vi phạm xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại... Trong khi đó, nhận thức của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch về công tác bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội trong du lịch còn hạn chế, cho rằng công tác đảm bảo an ninh, trật tự là trách nhiệm riêng của lực lượng Công an. Tình trạng chưa coi trọng an ninh du lịch, chạy theo lợi nhuận kinh tế đơn thuần dẫn đến vi phạm trong hoạt động du lịch còn nhiều. Số lượng cán bộ, chiến sĩ Công an chuyên trách làm công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong hoạt động du lịch rất ít, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác...

Khá nhiều đại diện của cơ quan quản lý các địa phương cũng cho rằng, thực tế, việc thành lập lực lượng chuyên trách và các chế tài xử lý đối với các vi phạm nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách đến Việt Nam chỉ là giải pháp phần ngọn. Vấn đề căn cơ vẫn là đảm bảo an ninh trật tự chung ở từng địa phương, đặc biệt là xử lý các đối tượng nghiện ma túy, kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp, giải quyết công ăn việc làm...

Triển khai chương trình kích cầu du lịch "Người Việt Nam du lịch Việt Nam - Mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc"

Chiều 23/12, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã tổ chức triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa "Người Việt Nam du lịch Việt Nam - Mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc" đến các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại các tỉnh, thành phía Nam.

Chương trình "Người Việt Nam du lịch Việt Nam - Mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc" sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch nội địa, phấn đấu đạt và vượt con số 37,5 triệu lượt khách nội địa, thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch là người Việt Nam định cư ở nước ngoài về thăm quê hương trong năm 2015

N.H.

Hoa Nguyễn
.
.
.