Vẫn là bộ đội Cụ Hồ

Thứ Hai, 22/12/2008, 08:21
Là thương binh, CCB Nguyễn Xuân Tư (Giám đốc chi nhánh Công ty Xây dựng và Phát triển công nghệ mới tại Vĩnh Phúc) thấu hiểu nỗi đau đớn của cơ thể bởi những di chứng chiến tranh, bệnh tật hành hạ. Ông càng cảm thông với đồng đội còn khó khăn bần hàn trong cuộc sống, nhất là những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, các thân nhân liệt sĩ. Do vậy, tất cả các cuộc quyên góp từ thiện cho Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ chất độc da cam, Quỹ vì người nghèo.... ông đều tự nguyện tham gia nhiệt tình.

Có rất nhiều cựu chiến binh sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ đối với Tổ quốc, khi trở lại đời thường, có nhiều người là thương binh nhưng đã vượt lên khó khăn, trở thành doanh nhân xuất sắc. Ông Nguyễn Xuân Tư là một người như vậy, hơn mười năm qua ông đảm nhận trọng trách là Giám đốc chi nhánh Công ty Xây dựng và Phát triển công nghệ mới tại Vĩnh Phúc.

Lặng lẽ làm việc

Có lẽ, ông là một trong những người ít muốn ồn ào nhất mà tôi từng gặp. Làm việc, giao lưu bạn bè, làm từ thiện... tất cả ông đều lặng lẽ, cần mẫn làm. Giờ ở tuổi đã cao, nhưng ông đã làm được những việc mà nhiều người trẻ năng động khác không đuổi kịp được. Ông sinh năm 1947 ở vùng quê xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, nay là Hà Nội, nhập ngũ tháng 3/1967; nghỉ hưu tháng 8/1988, tham gia chiến đấu ở chiến trường B gần 6 năm. Thương binh hạng 2/4.

Ông Nguyễn Xuân Tư bên 1 công trình.

Là người con lớn lên trên quê hương Hai Bà Trưng anh hùng, sớm nhận thức được trách nhiệm của thanh niên khi đất nước bị kẻ thù xâm lược nên đã tình nguyện vào bộ đội, trực tiếp tham gia chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị, Bình Trị Thiên... Do ảnh hưởng của thương tật, sau hơn mười năm đất nước thống nhất, ông được ngành cho nghỉ hưu với cấp quân hàm Đại úy, chức vụ Phó Trung đoàn trưởng.

Về với đời thường, phải bươn chải trong cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, nhưng ý chí tự lực tự cường, bản chất bộ đội Cụ Hồ với quyết tâm cao: Đã đi là đến, đã đánh là thắng, gian nguy không lùi bước. Mặc dù có di chứng chiến tranh, vết thương luôn hoành hành, cộng thêm bệnh tiểu đường, song ông đã vượt lên bằng ý chí, nghị lực của bản thân cùng với sự giúp đỡ của đồng chí, đồng đội, người thân. Ông đã lao động sản xuất trên quê hương, phát triển kinh tế gia đình, nhờ trình độ quản lý, đến năm 1990 ông tiếp nhận chức giám đốc chi nhánh.

Năm 1995, ông nhận 20ha đất trồng rừng, 9ha đất làm trang trại để trồng cây ăn quả, chăn nuôi, thả cá. Tạo việc làm cho khoảng 35 lao động với mức lương từ 800 đến 900 ngàn đồng/người/tháng. Với số tiền thu nhập từ trang trại và trồng rừng, ông nhận thầu xây dựng các công trình như: Nhiều trường học cấp I và II, đường giao thông nông thôn, đường dây mạng điện hạ thế. Lợi nhuận thu về tuy nhỏ, khoảng 50 đến 70 triệu đồng/năm nhưng đã giúp ông mạnh dạn mở rộng sản xuất và kinh doanh.

Cụ thể là tiếp tục xây dựng nhiều trụ sở UBND xã, khu thể thao, nhà hội nghị, hội trường, kinh doanh vật liệu xây dựng... Có những công trình trị giá từ 3 đến 5 tỷ đồng. Thu hút ngày càng nhiều lực lượng lao động, có thời điểm lên đến 100 người, lương từ 1,8 triệu đến 2 triệu đồng/người/tháng. Với cơ sở sản xuất kinh doanh của mình, ông vẫn luôn phấn đấu để tăng trưởng doanh nghiệp, tăng thu nhập cho công nhân đồng thời thực hiện tốt mục tiêu: "Thương binh tàn nhưng không phế".

Người thương binh giàu lòng nhân ái

Ông Tư đưa chúng tôi đi thăm những công trình mình đã làm được. Thành quả ấy, bạn bè bảo ông không bao giờ kể ra hết. Ông chỉ kể một phần nhỏ, vậy nhưng với tôi thế đã là đáng khâm phục. Là thương binh, ông thấu hiểu nỗi đau đớn của cơ thể bởi những di chứng chiến tranh, bệnh tật hành hạ. Ông càng cảm thông với đồng đội còn khó khăn bần hàn trong cuộc sống, nhất là những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, các thân nhân liệt sĩ. Do vậy, tất cả các cuộc quyên góp từ thiện cho Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ chất độc da cam, Quỹ vì người nghèo.... ông đều tự nguyện tham gia nhiệt tình, với số tiền đóng góp từ 10 đến 20 triệu đồng.

Vào ngày 27-7, ông  chuẩn bị hàng chục suất quà tặng cho đồng đội. Vật chất tuy không nhiều, nhưng là cái tình, cái nghĩa của đồng đội, của những người từng vào sinh ra tử bên nhau.

Về công việc đầu tư xây dựng, nhiều công trình được ông ứng trước vốn để xây dựng rồi từ từ "gọi" vốn, vì địa phương đó không có đủ kinh phí cùng một lúc. Như công trình của UBND xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, phải đến 4 năm từ khi giải phóng mặt bằng đến sau khi hoàn thành ông mới nhận được tiền vốn, mà công trình vẫn đảm bảo.

Ông Nguyễn Nhuận Hồng Phương, là bạn thân của ông Tư nhận xét rằng: "Ông ấy là người "chơi" rất đẹp với bạn bè. Tôi quý ông ấy, là anh em với nhau tôi nói thẳng, dù tôi khỏe mạnh nhưng để làm như ông Tư thì tôi chịu".

Với đồng lương ít ỏi, nếu không làm công ty, hẳn là ông Tư đã không có được cơ ngơi như ngày hôm nay. Để có thành công ấy, ông rất biết ơn người vợ tần tảo của mình là bà Nguyễn Thị Oanh. Ông rất tự hào nói lại rằng ngày trẻ bà đẹp lắm, đi cả ngày cũng không tìm được cô gái nào đẹp như thế. Giờ đã có tuổi nhưng bà vẫn còn mặn mà. Ghi nhận công của bà, ông Phương, bạn ông Tư nói vui: "Nếu không có bà Oanh, ông Tư đã không có tên trên bản đồ".

Hiện nay, ông Nguyễn Xuân Tư là Trưởng ban liên lạc truyền thống CCB sư đoàn 308 khu vực Mê Linh, Phúc Yên. Đã nhiều lần tài trợ, tạo điều kiện để các đồng chí đi thăm chiến trường xưa, căn cứ địa cách mạng, thăm người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhất là cùng với đồng đội CCB Sư đoàn 308 xây bia tưởng niệm, lời dạy của Bác Hồ ở Đền Hùng, công đức tham gia xây dựng đền Hai Bà Trưng, nghĩa trang liệt sĩ hàng chục triệu đồng cũng như các công trình văn hóa khác ở địa phương.

Ông Tư nói: "Tuy cơ sở vật chất còn nhỏ nhưng với sức lực của tôi đã là sự cố gắng rất lớn rồi. Tôi thấy hạnh phúc vì được làm việc, cống hiến một phần nhỏ bé của mình cho sự phát triển chung của đất nước, quê hương Vĩnh Phúc và đồng đội".

Hạnh phúc là được làm "nhà" cho đồng đội đã khuất

Vào Quảng Trị, thăm chiến trường xưa và đi nhiều nơi khác. Ông Tư thấy nhiều nơi các mộ liệt sĩ còn sơ sài. Ông ước gì mình có thể đủ sức làm tất cả những ngôi nhà đàng hoàng, để đồng đội yên nghỉ. Giờ ngồi bên ấm trà, ông Tư bùi ngùi nhớ lại thời chiến tranh, những ngày máu lửa cùng đồng đội chia nhau húp một vũng nước bẩn dính máu cho đỡ khát. Rồi có một kỷ niệm 9 anh em ăn hết một gánh rau muống luộc. Hoặc có những bộ quần áo giặt hết bánh xà phòng mà nước vẫn chưa trong.

Nói về cái tâm của con người, ông Tư sợ nhắc đến khẩu hiệu. Vì ngày nay nhiều người nói đến cái tâm mà thực ra chả có tâm. Ông bảo: "Để làm người tốt, cần nhất là cái tâm và cái tài. Nếu có được các yếu tố Tài - Tâm - Tuệ là tốt nhất. Tiền bạc, danh vọng anh có thể bị đánh cắp, nhưng những thứ đó không ai đánh cắp được".

Hằng ngày, người thương binh ấy vẫn lặn lội, chăm chỉ làm việc. Hết dự án này đến công trình nọ để tạo công ăn việc làm cho những con em đồng đội mình. Năm 2007, UBND huyện Mê Linh cấp bằng khen. Tuy ông không ham hố gì danh vọng, những lời khen ngợi, nhưng đó cũng là bằng chứng để công nhận những việc làm lặng lẽ của người cựu chiến binh

Diệu Linh
.
.
.