Vấn đề công khai thông tin trong Luật Các tổ chức tín dụng

Thứ Sáu, 18/12/2009, 11:00
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp hôm qua 17/12 thảo luận về vấn đề công khai thông tin trong dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Theo dự thảo luật, sẽ không đưa ra công luận việc một tổ chức tín dụng nào đó được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Ngân hàng Nhà nước - cơ quan soạn thảo cho rằng, việc không công bố tình trạng của tổ chức tín dụng đó nhằm hạn chế nguy cơ đổ vỡ hệ thống. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra dự án luật là Ủy ban Kinh tế của Quốc  hội bày tỏ quan điểm khác.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền, khi một tổ chức tín dụng đã  bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt thì không tránh khỏi việc rò rỉ thông tin từ nội bộ, mà tin rò rỉ thì còn nghiêm trọng hơn. Theo ông Hà Văn Hiền, việc công khai tin tức là để tạo sự tin tưởng của xã hội vào hệ thống kiểm soát. Ví dụ là việc minh bạch thông tin, nhất là công khai dự trữ ngoại tệ chính là một trong những tác nhân dẫn đến thành công cho việc chống khủng hoảng tiền tệ, lạm phát và suy giảm kinh tế hai năm qua.

Theo ông Hà Văn Hiền, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm lựa chọn thời điểm công bố vào lúc nào đó thích hợp nhất. Cũng về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Phùng Quốc Hiển cho rằng: Công khai thông tin là quan trọng nhưng bất kỳ một thông tin nào về tài chính, tiền tệ đều ảnh hưởng đến xã hội,  như chuyện sốt vàng, tỷ giá đôla vừa qua. Do vậy, phải hết sức thận trọng khi thông tin.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, thông tin sẽ được kiểm soát đến một giai đoạn nào đó và sẽ được cân nhắc công bố vào lúc thích hợp, đảm bảo không gây ảnh hưởng tiêu cực. Cũng phủ nhận quan điểm bưng bít thông tin, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận phân tích: Nếu ta không nói thì thế nào dân cũng biết. Vấn đề là nên cân nhắc thời điểm và liều lượng thông tin đưa ra.

Cũng trong phiên họp hôm qua, UBTVQH đã xem xét dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi)

B.Tuấn
.
.
.