Tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm:

Vẫn choáng với thực trạng bệnh vào từ… miệng

Thứ Năm, 15/05/2014, 09:35
Đã có rất nhiều khuyến cáo của các bác sỹ, chuyên gia y tế về hậu quả của việc không ăn chín, uống sôi. Thế nhưng, thói quen, sở thích, đặc biệt có cả những sở thích mang tính giới tính, vùng miền trong ăn uống đã gây ra một số bệnh, trong đó có nhóm bệnh liên quan đến ký sinh trùng. Đó là việc thích ăn gỏi, ăn tiết canh, ăn nem thính ở những vùng ở Ninh Bình, Thanh Hóa, Nam Định…

Theo thống kê của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, trong 4 tháng đầu năm, gần 1.200 người bị ngộ độc thực phẩm, 15 người tử vong. Đó là những con số nhìn thấy được, còn hậu quả của việc sử dụng thực phẩm không đảm bảo làm ảnh hưởng đến sức khoẻ ở dạng tiềm ẩn thì không chỉ ra được. Mới đây, Bệnh viện Nhiệt đới TW phát hiện trong não một bệnh nhân có 50 nang sán, hay một thầy thuốc Đông y ở Thừa Thiên - Huế “tẩy” trong người một người bệnh con sán lá gan dài… 10m gây rúng động. Thói quen “ăn sống, nuốt tươi” cũng là một trong những ẩn hoạ của bệnh từ miệng mà vào.

Từ ngày đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình khánh thành, nhiều đoạn đường chạy qua địa phận tỉnh Ninh Bình trở thành những con phố ẩm. Những cửa hàng treo biển “Thịt dê, cơm cháy” vừa khuyếch trương đặc sản đất cố đô, vừa hút khách bởi tính giản tiện. Chỉ cần đỗ xịch xe vào lề đường, đợi 3 phút, những bát tiết canh đỏ au, thịt dê tái, cơm cháy vàng rộm… sẽ bày ra trước mắt. Mặc dù “cơm hàng, cháo chợ” nhưng thực khách vẫn vô tư ăn tiết canh, cái món ăn vốn làm từ tiết sống. Chưa cần nói đến nguyên liệu tươi sống, chỉ nghĩ đến việc người ta chế tiết canh theo kiểu công nghiệp với hàng trăm bát mỗi ngày, tôi đã thấy ớn. Thế nhưng, với tâm lý, đã ăn đặc sản dê núi Ninh Bình, thì không thể thiếu món tiết canh nên đa số thượng đế đều không từ chối món này.

Trong ngày đầu tiên của đợt nghỉ lễ 30-4 vừa qua, trong cái quán ăn ở phố ẩm thực “Thịt dê, cơm cháy” ở Ninh Bình, tôi đã tận mắt chứng kiến cái cảnh ăn uống bất chấp khuyến cáo của chuyên gia y tế, bất chấp vệ sinh an toàn thực phẩm. Cả chủ, lẫn tớ tất bật bê đồ ăn cho những vị khách vừa vượt qua cung đường gần 100km từ Hà Nội đi nghỉ lễ, mồ hôi nhễ nhại đủ biết họ đang chịu sức ép quá tải. Thế nhưng, khách nào vào, chỉ cần yêu cầu là được phục vụ tiết canh. Tạt vào khu chế biến thức ăn, bát đĩa ngổn ngang, thức ăn sống chín để lẫn lộn mà tôi ngán. Chả có điều gì đảm bảo, đồ ăn ở đây chế biến đạt yêu cầu vệ sinh, nói gì đến món tiết canh đỏ lòm kia.

Tiết canh, một trong những món ăn gây ra bệnh nhiễm ký sinh trùng.

Đầu năm nay, khi cúm gia cầm xuất hiện tại một số tỉnh thành, quốc gia lân cận là Trung Quốc có người tử vong vì mắc cúm gia cầm thì tại “thánh địa” vịt cỏ Vân Đình (Hà Nội), tiết canh vịt vẫn là đắt khách. Cả người kinh doanh, lẫn thực khách chả xem cái con virus cúm gia cầm là cái thá gì.

Trong khi đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng ra rả đưa tin về bệnh cúm, khuyến cáo của chuyên gia y tế. Ăn uống theo trào lưu, chỉ sướng cái miệng mà không màng đến hậu quả là một thói tật xấu. Đã có rất nhiều khuyến cáo của các bác sỹ, chuyên gia y tế về hậu quả của việc không ăn chín, uống sôi. Thế nhưng, thói quen, sở thích, đặc biệt có cả những sở thích mang tính giới tính, vùng miền trong ăn uống đã gây ra một số bệnh, trong đó có nhóm bệnh liên quan đến ký sinh trùng. Đó là việc thích ăn gỏi, ăn tiết canh, ăn nem thính ở những vùng ở Ninh Bình, Thanh Hóa, Nam Định…

Con số 11% bệnh nhân có khối u trong gan được sàng lọc bị nhiễm sán lá gan mà bộ môn Ký sinh trùng, Đại học Y Hà Nội phối hợp với Bệnh viện Việt Đức đưa ra khiến nhiều người… choáng. Sán lá gan được biết ký sinh trong bò, lợn, rau thuỷ sinh. Ăn gỏi cá, rau sống, thịt bò tái, tiết canh rất dễ “dính” ấu trùng sán lá gan. Ấu trùng này sau khi vào cơ thể, sẽ theo cách mạch máu đi khắp nơi trong cơ thể. “Thích” cư trú ở đâu, nó sẽ ở lại nơi đó. Nhưng nơi nó thích ở nhất là trong gan. Khi phát hiện có khối u trong gan, ai chẳng… khiếp. Thế nên nhiều người cứ nghĩ mình bị ung thư gan. Chỉ khi các bác sỹ “ra tay” mới biết thủ phạm là sán lá gan. Với con sán sơ mít dài hơn 10m mà y sỹ Lê Công Danh, Bệnh viện Y học cổ truyền Thừa Thiên - Huế “tẩy” ra từ cơ thể một bệnh nhân vừa được công bố cho thấy sức sống dai dẳng của loài ký sinh trùng này.

Theo bác sỹ Nhật Lệ, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Viện Sốt rét Ký sinh trùng Trung ương, các loại ký sinh trùng rất đa dạng. Khi bị nhiễm sán nặng, người bệnh mắc những chứng rối loạn tiêu hoá, suy nhược cơ thể, xuất hiện các khối u có thể di chuyển, đau đầu, mờ mắt… Để hạn chế bớt việc nhiễm ký sinh trùng, cách tốt nhất là ăn chín, uống sôi.

Ăn chín, uống sôi tưởng chừng là một việc đơn giản. Thế nhưng, khi đời sống vật chất ngày càng đầy đủ thì một số người lại có khuynh hướng ăn đặc sản. Trong số những đặc sản ấy, những món tái, sống được nhiều người ưu tiên. Những cảnh báo về hậu quả nhãn tiền khi ăn thức ăn chưa được chế biến kỹ của bác sỹ, chuyên gia vệ sinh an toàn thực phẩm luôn cần thiết, nhất là trong Tháng Vệ sinh An toàn thực phẩm (15/4 - 15/5).

“Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2014 do Bộ Y tế phát động có chủ đề “An toàn thực phẩm, thức ăn đường phố”. Mục tiêu được ngành Y tế đặt ra là nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở các cấp, Ban Quản lý lễ hội, Ban Quản lý khu công nghiệp, người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Ngoài ra, “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm nay còn nhằm phát động chiến dịch truyền thông, đẩy mạnh các hoạt động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

C. Hồng
.
.
.