Sự kiện khánh thành cầu bắc qua sông Cái Bé và Cái Lớn (Kiên Giang):

Ước mơ bao đời của người dân đã thành hiện thực

Chủ Nhật, 09/02/2014, 15:20

Hơn chục lần theo QL63 rồi “nhảy” phà Tắc Cậu vượt qua sông Cái Bé và Cái Lớn để đặt chân lên vùng Miệt Thứ gắn với nhiều giai thoại nhưng trong tôi, mỗi lần đi là mỗi cảm giác khác nhau. Tôi vẫn thích ngồi trên những chuyến phà Tắc Cậu, nhìn mấy dề lục bình lững thững xuôi theo dòng nước rồi miên man nghĩ về những chiến công, gắn với những địa danh đã hiên ngang, anh dũng đi vào lịch sử, văn học, thơ ca của dân tộc như Tắc Cậu, Xẻo Rô, Thứ Ba, Thứ Bảy, Thứ Chín, Thứ Mười Một, U Minh Thượng...

Tôi được kể rằng, qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, người dân Miệt Thứ (bao gồm các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng – PV) đã đổ rất nhiều máu xương để đổi lấy tự do, độc lập. Ngày đất nước toàn thắng, người dân Miệt Thứ tiếp tục chung sức, chung lòng, quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp.

Những địa danh của Miệt Thứ giờ đã trở thành niềm tự hào về ý chí Cách mạng, quật cường, cần cù, chịu khó trước mọi điều kiện, hoàn cảnh. Không phải chỉ dân Miệt Thứ, mà gần như tất cả những ai yêu Miệt Thứ, nếu có lần ngồi phà đến đây, đều có điểm chung là mơ ước về một chiếc cầu, nối đôi bờ sông Cái Bé và Cái Lớn, để Miệt Thứ không còn cách trở…

Nhớ hồi Dự án đường hành lang ven biển phía Nam mới được công bố, có nhắc tới hạng mục xây cầu qua sông Cái, dân Miệt Thứ ai cũng nức lòng. Những hộ dân có đất đai, tài sản bị “dính” vào dự án không chút nấn ná mà nêu cao tinh thần tự giác, sớm sắp xếp bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Cụ Trần Thị Kim, 85 tuổi, nhà ở ấp Xẻo Rô, xã Hưng Yên, huyện An Biên, có phần đất vườn gần 300m2 dính vào dự án, phấn khởi kể mắt bà bị mờ nhưng ngày nào bà cũng đòi con cháu dẫn ra ngó về hướng công trình. Hôm nào mà không nghe tiếng động của phương tiện cơ giới, máy móc là bà hỏi ngay. “Hồi nhỏ tới giờ tôi sống ở đây và thường qua lại hai con sông này. Không ai nghĩ rằng mình có đủ tiền để xây cây cầu lớn như thế này. Vậy mà bây giờ cây cầu đã sừng sững kia rồi. Có cầu rồi, dân Miệt Thứ không phải chịu lụy phà vất vả và mất thời gian nữa” - cụ Kim bày tỏ tâm trạng vui sướng.

Sung sướng nhất có lẽ là người dân sống ở cù lao tạo thành dòng Cái Bé và Cái Lớn, hiện là hai ấp An Ninh và An Thành (thuộc xã Bình An, huyện Châu Thành) và Xóm Rẫy (nay là ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Hoà Phú, Châu Thành) bởi “mỗi sáng thức dậy đã thấy hai chiếc cầu thực chứ chẳng phải trong chiêm bao”.

Cầu Cái Lớn mở ra nhiều cơ hội cho Kiên Giang và Cà Mau phát triển.

Hôm gặp lãnh đạo huyện An Biên, tôi thấy ai cũng tươi cười rạng rỡ. Ông Trần Hoàng Mẫm - Phó Bí thư Huyện ủy tâm đắc, chia sẻ: “Cầu bắc qua sông Cái Bé và Cái Lớn là ước mơ bao đời nay của bà con”. Rồi ông Mẫm nói đến chuyện đánh thức tiềm năng không riêng gì Miệt Thứ mà của cả phần diện tích lớn của cả 2 tỉnh Kiên Giang và Cà Mau nhất là khi cả tuyến QL63 được nâng cấp mở rộng. Minh chứng dễ thấy nhất là kể từ hôm cả hai cầu được thông xe (22/1/2014), hàng hoá nông - lâm – thủy sản của người dân Miệt Thứ được vận chuyển nhanh chóng hơn, toả đi nhiều địa phương khác.

Nhiều cơ hội mới đang mở ra cho người dân, DN, chẳng hạn như đường tỉnh 964 nối bốn xã ven biển được xem là vựa nuôi trồng thủy sản nước mặn trọng điểm của tỉnh (gồm: Tây Yên, Nam Yên, Nam Thái và Nam Thái A) với trung tâm huyện cũng đang được đầu tư; một cụm công nghiệp quy mô 60ha nằm cặp theo sông Cái Lớn sắp hiện hữu, là “đất lành” cho các nhà đầu tư đóng tàu, chế biến thuỷ sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ… Khu đô thị - trung tâm thương mại Thứ Bảy có điều kiện vươn lên vị trí là trung tâm thương mại đầu mối của cả vùng Miệt Thứ.

Sự kiện cầu bắc qua sông Cái Bé và Cái Lớn hoàn thành, đưa vào khai thác thực ra còn là cái ngày mà ngành Du lịch tỉnh Kiên Giang và rất nhiều DN lữ hành trông ngày, trông đêm. Lâu nay, du khách vẫn biết đến du lịch sinh thái dưới tán rừng nguyên sinh ngập nước U Minh Thượng thường chỉ qua ti vi, sách báo. Ông Lê Minh Hoàng – Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Kiên Giang kỳ vọng: “Chuyện đi đứng thuận tiện thì chắc chắn du khách sẽ tìm tới Miệt Thứ - nơi có những địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn bậc nhất miền Tây. Chúng tôi đang tập trung đầu tư hạ tầng du lịch. Mà Miệt Thứ đâu phải chỉ có tiềm năng du lịch sinh thái, nơi đây, nhất là vùng U Minh Thượng còn là một trong những vùng căn cứ Cách mạng trọng điểm suốt cả hai thời kỳ kháng chiến nên chúng tôi sẽ lưu ý phát triển sản phẩm du lịch khám phá, tìm hiểu lịch sử thông qua những tua về nguồn…”.  

Phà Tắc Cậu – Xẻo Rô kết thúc sứ mệnh lịch sử

Không quy mô bằng bến phà Mỹ Thuận và Cần Thơ trên QL1A nhưng phà Tắc Cậu – Xẻo Rô giữ vai trò rất quan trọng bởi nó nằm trên tuyến giao thông bộ huyết mạch Kiên Giang – Cà Mau (và ngược lại). Ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc XN phà Tắc Cậu - Xẻo Rô cho biết trước giải phóng, QL63 hiện hữu chỉ là con đường mòn. Sự phát triển và đặc biệt là nhu cầu đi lại buôn bán, vận chuyển hàng hoá của người dân vùng Miệt Thứ ngày càng tấp nập khiến con đường mòn này được nâng cấp trở thành đường tỉnh 19 U Minh, sau đổi tên thành đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và cuối cùng mới thành QL63.

Ông Hải và người dân kể, trước khi Bến phà Tắc Cậu ra đời, có đến 3 gia đình làm nghề đưa đò, giúp người dân sang sông; trong số này có gia đình bà Nguyễn Thị Diệp (có tới năm thế hệ làm nghề đưa đò).

Năm 1984, tỉnh lập Bến phà Tắc Cậu để vận chuyển người và phương tiện vượt sông an toàn hơn so với đò. “Lúc đó, chỉ có phà loại 18 tấn, hơn chục năm sau mới có phà 25 tấn và sau năm 2000 mới có phà 30 - 40 - 50 tấn và hiện nay tải trọng phà lớn nhất là 60 tấn. Theo thống kê từ năm 2001 – 2013, phà Tắc Cậu đã vận chuyển hơn 30 triệu lượt hành khách, hơn 20 triệu lượt xe gắn máy, hàng triệu lượt xe ôtô và xe tải các loại. Tết rồi cũng là cái Tết cuối cùng chúng tôi phục vụ bà con, hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình” – ông Hải cho biết.

Thái Bình
.
.
.