Ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng và phức tạp

Thứ Tư, 01/04/2009, 10:36
Thời gian gần đây, tình trạng ùn tắc giao thông tại nhiều địa phương trên cả nước đang có chiều hướng gia tăng đột biến, với mức độ nghiêm trọng và phức tạp hơn. Theo nhận định của Cục CSGT đường bộ - đường sắt, ngoài những điểm ùn tắc cũ đã xuất hiện nhiều điểm ùn tắc mới với quy mô lớn hơn. Có những điểm ùn tắc kéo dài nhiều giờ liền, khiến giao thông tê liệt, khiến người tham gia giao thông "dở khóc dở cười".

Ùn tắc không chỉ  xảy ra ở hai thành phố lớn

Vài năm về trước, ở Hà Nội, tuyến đường Kim Liên - Đại Cồ Việt "nổi tiếng" về tình trạng ùn, tắc đường, thì nay đường Trường Chinh cũng điển hình không kém. Nhắc đến con đường này không ít người dân thấy ngán ngẩm vì nhiều đoạn thường xuyên tắc nghẽn bất kể giờ cao điểm hay thấp điểm, có những lúc gần như tê liệt hoàn toàn.

Cảnh ùn tắc "thường ngày" tại Hà Nội.

Từ đầu tháng 3 đến nay, nhiều lần có mặt tại con đường này tại nhiều thời điểm khác nhau, và lần nào chúng tôi cũng được chứng kiến cảnh hàng đoàn dài ôtô, xe máy chôn chân tại chỗ trong khói bụi và tiếng còi inh ỏi, người và xe lấn hết lên vỉa hè, nhiều người dựng xe, tắt máy đầu hàng tắc nghẽn. Tuy nhiên, trên cả tuyến đường Trường Chinh chỉ lác đác thấy một vài CSGT đang cố gắng phân luồng nhưng không mấy hiệu quả.

Không nghiêm trọng như đường Trường Chinh, nhưng nhiều tuyến phố khác ở Hà Nội như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Trãi, Pháp Vân - Tam Trinh; cầu Chương Dương - Nguyễn Văn Cừ, Đại Cồ Việt… cũng luôn rơi vào cảnh ùn ứ, đôi khi tắc nghẽn trong nhiều giờ.

Tại TP Hồ Chí Minh, những ngày gần đây tình trạng ùn, tắc ở "cửa ngõ" cũng diễn ra trầm trọng. Nhất là cửa ngõ huyện Bình Chánh trên tuyến QL1A. Có những hôm trên đoạn từ cầu Bình Điền đến gần chợ Bình Chánh xảy ra ùn, tắc kéo dài tới 4-5 tiếng khiến hàng ngàn xe du lịch, xe khách, xe container… nối đuôi nhau chật cứng dài mấy cấy số không đi được.

Chẳng riêng gì hai thành phố lớn, từ đầu năm đến nay, nhiều vụ ùn, tắc kéo dài tới vài giờ cũng liên tục xảy ra trên địa bàn các tỉnh Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Nam, Đồng Nai…

Giải pháp “chồng” giải pháp, nhưng ùn tắc không hề thuyên giảm

Nếu như trước đây, ùn tắc giao thông chỉ xảy ra trong phạm vi cục bộ (1 nút hoặc 1 đoạn tuyến giao thông) vào giờ cao điểm thì nay xảy ra bất cứ lúc nào trên phạm vi rộng với thời gian kéo dài, diễn biến phức tạp và ngày một nghiêm trọng.

Theo thống kê của Phòng CSGT các địa phương, năm 2008 cả nước đã xảy ra khoảng 141 vụ ùn tắc kéo dài trên 1 giờ, trong đó nhiều nhất là Hà Nội với 70 vụ và 76 điểm thường xuyên xảy ra ùn ứ giao thông; TP Hồ Chí Minh là 39 vụ với 128 điểm thường xuyên xảy ra ùn ứ; Quảng Ninh là 11 vụ; Phú Yên 4 vụ… Tính sơ bộ 3 tháng đầu năm 2009, cả nước đã xảy ra tới 40 vụ ùn tắc nghiêm trọng kéo dài.

Ùn tắc xảy ra chủ yếu là do TNGT, lưu lượng phương tiện tăng đột biến, dẫn đến tình trạng rối loạn giao thông, do công trường thi công thu hẹp mặt đường, mưa ngập lụt kéo dài, đèn tín hiệu không hoạt động.

Ủy ban ATGT TP Hồ Chí Minh cũng vừa tổ chức tổng kết công tác đảm bảo TTATGT năm 2008 và phương hướng cho năm 2009. Theo báo cáo, trong 2 tháng đầu năm 2009 đã xảy ra 13 vụ ùn tắc giao thông kéo dài trung bình khoảng 30 phút/vụ, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên điều đáng chú ý là tình hình ùn tắc giao thông lại diễn ra phức tạp hơn và dự báo trong năm 2009 với 75km đường sẽ được đào để thi công hệ thống cống thoát nước thì TP Hồ Chí Minh sẽ bị ùn tắc giao thông thường xuyên.

Còn tại Hà Nội, cho đến thời điểm này, số điểm thường xuyên ùn tắc đã lên tới con số 124 (tăng 33 điểm so với năm 2008).

Ngoài những văn bản chỉ đạo của Chính phủ, thì tại Hà Nội, UBND TP Hà Nội, Công an TP Hà Nội, Phòng CSGT Hà Nội cũng đã ban hành tới 12 văn bản liên quan đến việc chống ùn tắc; TP Hồ Chí Minh là 7 văn bản; 24 địa phương khác cũng có phương án của Công an tỉnh, thành phố; 37 địa phương có phương án của Phòng Cảnh sát giao thông… Mặc dù có nhiều văn bản chỉ đạo, nhiều giải pháp song nhìn vào thực tế thì tình trạng ùn tắc không có dấu hiệu thuyên giảm

Thanh Huyền
.
.
.