Tỷ phú nuôi cá hồi trên đèo Hoàng Liên Sơn
Sinh ra trong một gia đình thuần nông tại huyện Yên Sơn, Ninh Bình, năm 1976, sau khi giải ngũ, anh nông dân Trần Yên dắt cả gia đình một vợ ba con lên Lai Châu lập nghiệp.
Trần Yên nhớ lại: "Đó là những tháng ngày khó khăn nhất trong cuộc đời". Mảnh đất chỉ có đồi, núi và mây mù bao phủ quanh năm sẽ phát triển được gì đây? Đường sá đi lại khó khăn, tập quán canh tác của người dân tộc thiểu số nơi đây cũng không giống như ở dưới xuôi. Người dân tộc thiểu số sống chủ yếu là du canh, du cư, đốt nương làm rẫy, đốt hết cánh rừng này họ lại sang cánh rừng khác, đồng thời trồng ngô, những cây ngắn ngày.
Nhiều lúc nản chí, ông Yên đã định quay trở lại Ninh Bình. Nhưng, mong muốn khai phá vùng đất mới vẫn không ngừng thôi thúc người nông dân có ý chí làm giàu. Năm 2002, ông được xã giao cho 200ha đất để trồng thông và phát triển trang trại. Mua chịu đàn bò gần 30 con là việc làm táo bạo đầu tiên của Trần Yên.
Thiên nhiên khắc nghiệt, nguồn thức ăn thiếu nên những ngày đầu, đàn bò gầy gò, xơ xác. Điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn nhưng hai vợ chồng Trần Yên nhất quyết phải giữ được đàn bò dù có lúc phải nấu cháo trứng, thức cả đêm đắp chăn tránh rét cho bò. Không phụ công người, đàn bò dần phát triển, lông vàng óng béo tốt, mỗi năm thu trăm triệu đồng từ bán bò.
Nhưng bước ngoặt đưa Trần Yên thành tỷ phú lại phải là con cá hồi. "Tại sao anh lại chọn cá hồi mà không phải là phát triển cái khác", tôi hỏi. Trần Yên lắc đầu: "Lúc khó khăn, có việc là mình làm mà phải làm hết sức mình".
Cuối năm 2006, Viện Nuôi trồng thủy sản Trung ương 1 đã mang cá hồi về Lai Châu để thử nghiệm nuôi trồng. Trần Yên là người đầu tiên ở Lai Châu mạnh dạn nhận thử thách. Tuy nhiên, cũng đúng ngày 23 Tết năm 2006 là lần ông gặp thất bại đầu tiên. Chỉ sau một đêm, bể nuôi cá hồi của gia đình ông đã trắng xóa bởi cá chết. Nguyên nhân chính là do nền bể bị sụt khiến nước không chảy và dẫn đến gần 4 tấn cá hồi "ra đi".
Năm đó, cả gia đình mất ăn mất ngủ tìm cách "bán thốc bán tháo" cá hồi với giá 30.000đ/kg. "Mình không chịu tìm tòi, lường trước những tai nạn thì thất bại là đương nhiên. Quan trọng là nghiệm ra thêm nhiều bài học trong phát triển cá hồi", Trần Yên tâm sự.
Xác định thức ăn cũng là nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển cá hồi, ông Yên đã tự tìm nguồn thức ăn cho cá hồi nhập từ Phần Lan bằng cách bỏ tiền mua vé máy bay mời chuyên gia về tận nơi khảo sát thị trường. Nếu ký kết được hợp đồng mua thức ăn, ông sẽ được hoàn lại tiền vé máy bay và nhận đơn đặt hàng. Không những vậy, ông còn thuê cả chuyên gia người Nhật sang tư vấn cách nuôi cá sao cho hiệu quả.
Do vậy, sản lượng cá hồi trong năm 2007 của trang trại Trần Yên đã đạt 40 tấn, giá trung bình từ 200.000-250.000 đồng/kg. Hiện nay, trang trại của Trần Yên gồm có 3 khu bể nuôi cá hồi, diện tích mặt nước khoảng 10.000m2. Toàn bộ số cá hồi giống nay không phải nhập từ Phần Lan mà trang trại của Trần Yên đã có thể ấp trứng. Ông cũng nuôi thử nghiệm nuôi cá tầm có xuất xứ từ Ucraina, có ngoại hình gần giống như cá mập nhưng nhỏ hơn, giá trị kinh tế của cá tầm gấp đôi cá hồi.
Trần Yên còn phát triển thêm hai trang trại chăn thả gia súc và trồng thảo quả, đào, táo mèo… Trang trại của ông mỗi năm giải quyết việc làm cho hàng trăm người dân lao động, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số.
Ngày 22/8 vừa qua, Trần Yên đã vinh dự đại diện cho tỉnh Lai Châu tham gia Hội nghị đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ 3 tại Hà Nội. Theo kế hoạch tới đây, Trần Yên sẽ mang con cá hồi chào hàng ở Nhật Bản và xây dựng thêm xưởng chế biến các sản phẩm từ cá hồi.
Không giấu giếm kinh nghiệm nuôi cá, Trần Yên đã được các huyện trong tỉnh cũng như các tỉnh bạn tìm đến nhờ tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá như Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Nhìn trang trại cá hồi ở nơi lưng chừng đèo Hoàng Liên Sơn, không ai nghĩ rằng, mấy năm trước, đây chỉ là một khu vực đất đai cằn cỗi và chủ nhân của nó lại là anh tỷ phú xuất thân từ nông dân Trần Yên