Tỷ phú làng hoa

Thứ Ba, 08/01/2008, 15:08
"Ngày đó tôi nghĩ với hoàn cảnh của mình phải làm cật lực đến tuổi bốn mươi may ra có tiền cưới vợ, nhưng ông trời thương thân tui tảo tần hay sao ấy, bốn năm sau tui đã rất khá giả", anh Cường, một tỷ phú làng hoa, phấn khởi kể lại những ngày đầu khởi nghiệp của mình.

Bên dòng sông Hiếu lịch sử, khu phố An Lạc, phường Đông Giang, thị xã Đông Hà (Quảng Trị) có đôi vợ chồng trở thành tỷ phú khi hãy còn rất trẻ nhờ vào nghề trồng hoa. Với họ, nghề ấy không chỉ để mưu sinh, mà còn làm đẹp cho đời.

Mười lăm năm qua, họ đã góp nên công sức và tấm lòng chân tình để gầy dựng nên một làng nghề hoa kiểng từ một làng quê nông nghiệp nghèo khó ven sông và sẻ chia hoạn nạn cho bao gia đình cơ cực...

Duyên nợ với hoa

Người dân An Lạc những ngày này tất bật và chộn rộn bởi không khí lao động chăm chút vườn hoa và khách thập phương tìm về đây mua hoa. Bác Hoàng Hữu Kế (70 tuổi) tỉ mẩn vót đũa mới chuẩn bị Tết vui vẻ nói: Muốn biết lai lịch trồng hoa thì hỏi anh Cường, chị Phương, kỹ sư thứ thiệt đấy! Ngôi nhà bề thế của đôi vợ chồng họ nằm ở đầu làng, lọt giữa một vườn hoa, cây kiểng rộng lớn.

Từ chuyện trồng hoa đến lấy vợ rồi sẻ chia với người nghèo của chàng kỹ sư ấy nghe thật cảm động. Năm 1991, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp 2 Huế, Hoàng Kim Cường trở về quê hương thực hiện mong ước từ tuổi thơ ấu của mình.

Ban đầu, anh cuốc cày mảnh vườn nhỏ, trồng những loại hoa thông thường như hoa cúc, lay ơn. Sau mỗi vụ thu hoạch, anh dành phần lớn tiền lo thuốc thang cho mẹ, số còn lại tái đầu tư và trồng thử nghiệm thêm một số loại hoa.

"Ngày đó tôi nghĩ với hoàn cảnh của mình phải làm cật lực đến tuổi bốn mươi may ra có tiền cưới vợ, nhưng ông trời thương thân tui tảo tần hay sao ấy, bốn năm sau tui đã rất khá giả", anh Cường phấn khởi kể lại những ngày đầu khởi nghiệp của mình.

Những năm 1980, do mùa màng thất bát liên miên nên một số hộ dân ở An Lạc tìm học nghề trồng hoa mong có thêm thu nhập vào dịp Tết. Đến năm 1990, phong trào trồng hoa ở đây rộ lên, tuy nhiên chưa thể trở thành một làng nghề do kinh nghiệm và kiến thức còn nhiều hạn chế.

Những học sinh, sinh viên như Cường lúc nhàn rỗi, hay vào dịp hè cũng tranh thủ trồng hoa để có tiền mua sách vở và quần áo. Vườn hoa của nhà Cường lúc nào cũng tốt tươi và trổ hoa đúng dịp. Người ta bảo rằng có được như vậy là do cậu bé yêu hoa từ thuở nhỏ, lúc trồng hoa có dịp thổi hồn vào nó...   

Nông dân có qua trường lớp

Năm 1995, Cường lập gia đình để không chỉ có mái ấm cho mình mà còn có người chung sức chung lòng thực hiện mơ ước ấp ủ bấy lâu nay. Anh đầu tư toàn bộ vốn liếng chuyển từ trồng hoa đất sang trồng hoa chậu.

Những vụ đầu thu nhập khấm khá, có năm hơn cả trăm triệu đồng. Nhưng rồi liên tiếp ba năm (từ năm 1998-2001), anh gần như trắng tay do không lường trước được sự chuyển biến phức tạp của thời tiết và thiên tai bão lũ thường xuyên. Chỉ sau vài đêm mưa to, nước thượng nguồn đổ về, thuỷ triều dâng cao làm ngập úng hàng nghìn chậu hoa trong vài ngày.

Những tưởng đã sạt nghiệp, nhưng anh nông dân có qua trường lớp ấy đã gượng dậy chính nơi anh đã ngã. Anh bảo bao toan tính làm lại từ đầu dựa vào kiến thức và kinh nghiệm chưa hẳn là điều tiên quyết, mà điều quan trọng là nhờ vào sức mạnh tình cảm của người vợ thảo hiền.

Tình yêu thương của chị đã trở thành động lực lớn giúp anh vượt qua khó khăn, về sau Cường không chỉ trồng hoa thành công mà còn gầy dựng nên một vườn cây kiểng rộng gần hécta với tổng trị giá hàng tỷ đồng. Song với anh điều quan trọng hơn cả là có điều kiện giúp đỡ người nghèo và giúp người nông dân quanh năm gập lưng xuống ruộng chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ làm lúa, hoa màu sang trồng hoa có năng suất cao hơn, công việc đỡ nặng nhọc hơn.

Từ ba năm nay, không chỉ có người dân An Lạc làm nghề trồng hoa, mà nghề này đã mở rộng đến những khu phố lân cận như Vĩnh Ninh, Thượng Nghĩa, Đại Độ, Đình Tổ..., thu nhập bình quân 30-40 triệu/hộ/năm (đã trừ chi phí).

Ông Nguyễn Đức Trí, Chủ tịch UBND phường Đông Giang cho biết, nhờ vào sự khởi đầu của nghiệp trồng hoa và công lao của anh Cường, người nông dân ở nhiều khu phố phường Đông Giang có điều kiện chuyển đổi sang nghề trồng hoa, kinh tế khá giả hơn rất nhiều.

Khoảng ba năm trở lại đây, gần 200 em học sinh có điều kiện thi đỗ vào đại học, cao đẳng cũng nhờ vào nghề trồng hoa cả. Niềm vui ấy sẽ còn nhân rộng hơn nữa khi thời gian tới Công ty hoa kiểng Cường Phát của đôi vợ chồng họ làm ăn phát đạt

Phan Thanh Bình
.
.
.