Túng tiền, công nhân đành ăn Tết xa quê

Chủ Nhật, 08/01/2012, 14:04
Không phải vì khoảng cách địa lý, không hẳn vì không mua được vé xe, vé tàu về quê sum vầy cùng người thân mỗi khi Tết đến Xuân về, với hàng vạn công nhân đã, đang kiếm sống tại TP Hồ Chí Minh, vấn đề tài chính mới là trở ngại biến vài trăm km đến cả ngàn km đường về quê dịp Tết trở thành con đường vạn dặm. Quanh năm lầm lụi làm việc kiếm tiền nơi đô hội nhưng với họ, một cái Tết thật đầm ấm bên họ mạc nơi làng quê yên bình cứ như thể giấc mơ xa xôi.

8 năm “nhịn”… Tết quê nhà

“Trong tuần này, nếu chị đến buổi tối thì phải từ 22h trở đi em Thơm mới có mặt ở nhà”. Lời dặn dò của nữ công nhân Phạm Thị Thành, công nhân Công ty Freetrend Industrial, khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh khiến những bước chân về các khu vực tập trung nhiều công nhân sinh sống trong những ngày cận Tết của chúng tôi thêm ngập ngừng.

Ngay đầu đường số 4, chợ cóc nhỏ đầu đường hiu hắt vì thiếu khách mua. Bà chủ quầy tạp hóa hay chuyện bỏ nhỏ: năm nay công nhân về sớm, giờ này đã vãn chợ chứ những năm trước, bây giờ chợ mới bắt đầu đông. Vào sâu bên trong, hàng trăm căn phòng nhà trọ dọc bên đường chỉ rộng chừng 9 đến 12m2/phòng nhưng đều có đến 3, 4 công nhân đang dọn dẹp sau bữa cơm cuối ngày. Trên căn gác chật hẹp, sơ sài, Phạm Thị Thành đón chúng tôi với vẻ mặt buồn so. Thành bảo lủi thủi một mình vì Thơm, em gái Thành chưa về vì làm ca 2.

Thành kể rằng cô là con thứ 4 trong gia đình nông dân ở một huyện nông nghiệp nghèo của xứ Nghệ. Không biết có phải chốn thị thành là giấc mơ của những người nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời của cha mẹ hay không mà cô được tên là Thị Thành.

9h tối, nữ công nhân Phạm Thị Thành chỉ có người bạn duy nhất là chiếc ti vi cũ kỹ.

19 tuổi, Thành bắt đầu biết đời sống phố thị khi theo chúng bạn vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân. Khởi đầu với mức lương gần 500.000 đồng/tháng, sau 8 năm, đến nay thu nhập của cô vẫn chỉ ở mức 2,5 triệu đồng/tháng. Chưa năm nào Thành về quê ăn Tết vì tiếc tiền. Nếu 8 năm trước, vé xe về quê đã ngốn hết 200.000 đồng đến 300.000 đồng mỗi lượt, nay đã đội lên cả triệu bạc, chưa kể tiền quà cáp...

Năm đầu tiên, thấy nhà nhà đón Tết, Thành tủi thân, về phòng nằm khóc. Một người khóc rồi cả phòng khóc. Nước mắt chẳng giúp các cô vợi nỗi nhớ quê. Mấy năm trở lại đây, đã quen thuộc thành phố, có thêm bạn bè đồng hương, ngày Tết cũng tụ tập nấu nướng cho vui vẻ nhưng phòng gác ọp ẹp, phải hạn chế, sợ cháy nổ, chủ nhà la. Kể chuyện đón Tết, Thành giật mình ngơ ngác mất mấy phút khi chúng tôi đặt vấn đề về những phiên chợ hoa, bánh chưng ngày Tết. Thành bảo “nhịn” 8 năm nay, lâu quá đâm ra quên mất. Cô chỉ mong gom góp được số vốn về quê lấy chồng.

Nỗi niềm phận nghèo

Dạo một vòng quanh gần trăm phòng trọ khu vực phường Linh Xuân trong đầu giờ tối, câu trả lời chung chúng tôi nhận được là… buồn vì thu nhập Tết này kém hơn. Nếu Tết năm trước, hàng nhiều, tăng ca nhiều, công nhân mệt vẫn cố gắng làm để kiếm thêm thu nhập, lấy tiền về quê. Nay, các công ty ít tăng ca, 7h tối là họ đã ở nhà đầy đủ, nếu không làm ca 2 hay ca 3.

Bức bối, chật hẹp, cảnh thường thấy ở các khu nhà trọ công nhân.

Chủ nhà Chu Văn Thanh cũng cho biết, số công nhân ở lại đón Tết năm nay đông hơn. Xa quê, ngày Tết họ tụ họp ồn ào. Được cái là các chủ nhà trọ ở đây cũng vốn là người lao động nghèo, từ ngày có khu chế xuất, công nhân các tỉnh đổ về, đất đai hoang hóa bỗng thành có giá. Dân bản địa san lấp xây nhà tạm cho thuê. Vốn đi lên từ phận nghèo nên hay thương người đồng cảnh, dễ thông cảm dù có hơi phiền phức.

Tạm rời Linh Trung khi đêm đã về khuya cùng câu nói cứ ám ảnh mãi ông chủ nhà xóm trọ công nhân rằng “phận nghèo núm níu nhau để sống”, sáng 4/1, chúng tôi xuống khu nhà trọ trên đường Lâm Văn Bền, quận 7. Trên những con hẻm chật hẹp chỉ đủ 2 người lách qua nhau cứ sâu hun hút, hàng trăm căn phòng trọ xây tạm cấp 4 là nơi trú ngụ của công nhân khu chế xuất Tân Thuận.

Mới 6h30 sáng, Nguyễn Thị Ngọc Lan đã vội vã rời nhà. Lan cho biết, quê cô ở Ninh Bình, vào trong thành phố làm công nhân đã gần chục năm. Một ngày của Lan bắt đầu từ 6 giờ sáng. Nếu tăng ca thì đến 7, 8 giờ tối mới về nhưng so với các năm trước, giáp Tết năm nay Lan tăng ca ít hơn, thu nhập thấp hơn. Dãy nhà hơn chục phòng trọ nơi Lan ở có đến 4 phòng ở lại ăn Tết. Gần dãy phòng trọ của Lan, ông Hai Toàn, một trong số các chủ nhà trọ ở khu vực quận 7 vừa đi tập thể dục về cũng cho biết, gần nửa số công nhân thuê nhà của gia đình ông không về quê Tết này…

Ít tăng ca, kém thu nhập, ít về quê đón Tết là thông tin chung chúng tôi nhận được từ công nhân khu công nghiệp Tân Bình và một số khu chế xuất, khu công nghiệp khác của thành phố. Được biết, hỗ trợ công nhân xa quê đón Tết, Liên đoàn Lao động thành phố, trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân và ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp đã, đang xúc tiến tổ chức rất nhiều hoạt động nhưng có lẽ cũng chỉ khỏa lấp phần nào nỗi trống vắng của những người con xa xứ

Ngọc Nguyễn
.
.
.