Tuyển sinh lớp 10 năm học 2006 tại TP HCM: Thêm một "nút cổ chai"

Thứ Năm, 29/06/2006, 15:05

Ít ai để ý đến một "nút cổ chai" đang hình thành ngày càng rõ nét hơn. Đó là kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trong 2-3 năm trở lại đây. Chúng tôi xin đưa ra những ghi nhận của mình trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP Hồ Chí Minh để bạn đọc "tự luận"…

Một chi tiết dễ làm người ta liên tưởng tới  kỳ thi đại học, đó là gần đây tại TP Hồ Chí Minh đã có hiện tượng chia các trường thành từng tốp. Nguyên nhân xuất phát từ hai yếu tố chính: thứ nhất là trường danh tiếng, có điểm chuẩn cao; thứ hai là kinh tế, phải là trường công để hưởng mức học phí "ưu đãi".

Do vậy, căn cứ vào số điểm tuyển chọn của các trường năm trước và "tên tuổi" nhà trường nên năm nay ước lượng có 13 trường hạng nhất như: THPT Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Huân, Thực hành Sư phạm, Hùng Vương, Võ Thị Sáu, Gia Định, Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Du, Trần Phú... (danh sách này không kể các trường chuyên).

Cho tới ngày 26/6, tuy vẫn chưa có điểm chuẩn chính xác nhưng với con số 8.400 thí sinh theo chỉ tiêu của 13 trường này trong năm nay thì đây là một trong những "nút cổ chai" mà những thí sinh vượt qua được đều có thể coi như "cá chép vượt vũ môn". Vì con số này chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ so với con số 63.755 thí sinh trong toàn TP.

"Nút cổ chai" thứ 1 dành cho 13 trường hạng nhất với nhiều phụ huynh và học sinh không đáng lo ngại vì họ cũng chẳng có mục đích vượt qua, vì phần lớn không phải đều có nguyện vọng vào các trường này. Nhưng "nút cổ chai" thứ 2 mới thực sự quan trọng, vì nó sẽ ảnh hưởng ngay tới túi tiền của mỗi gia đình.

Đó là việc trong số 63.755 chỉ tiêu vào lớp 10 năm nay thì chỉ có 37.680 chỉ tiêu công lập. Còn lại sẽ thuộc về các trường công lập tự chủ tài chính, bán công, tư thục, nơi mà chi phí cho học hành sẽ cao hơn tại các trường công lập. Và vấn đề kinh tế mỗi gia đình lại là vấn đề quan trọng hơn cả.

Đỗ đạt điểm cao nhưng vẫn chưa chắc vào được trường đã đăng ký là không hiếm với các học sinh lớp 10 năm nay. Một trong những trường hợp điển hình về sự kỳ vọng của các bậc phụ huynh đã làm cho con em mình lâm vào tình thế "khó khăn", ví dụ như em T.H.A.V. ngụ tại chung cư Phạm Viết Chánh, có sức học khá giỏi nhưng thật không may kỳ thi này em chỉ đạt 38 điểm nhưng do cả 4 nguyện vọng của A.V. đều nằm trong số các trường hàng đầu nên gia đình hiện đang rất lo lắng cho khả năng vào công lập của em.

Hay như em M.H., học sinh 9A1 trường Võ Trường Toản tin tưởng vào sức mình có thể vào được trường Nguyễn Thị Minh Khai nhưng em và gia đình hiện cũng đang vô cùng lo lắng khi mà tỉ lệ chọi của trường này ở mức: 675/2.000 thí sinh và khả năng điểm chuẩn sẽ vượt qua con số 36 mà em đang "sở hữu"…

Thí sinh có khả năng học tốt kể cả có điểm thi khá cao nhưng phụ huynh vẫn phải lo rút hồ sơ sớm và… "chạy" cho chắc ăn. Cũng bởi kỳ thi lớp 10 hiện nay với cách chọn nguyện vọng và tuyển sinh mà nhiều người cho rằng cứ như thi đại học. Có khác chăng ở chỗ dường như kỳ thi này được tổ chức chủ yếu cho các phụ huynh và học sinh chọn trường.

Đối với phụ huynh, người có lựa chọn đúng đắn nhất căn cứ vào lực học của con mình, phần thưởng sẽ chính là một ngôi trường "như ý" và quan trọng nhất nó phải là trường công. Còn nếu được trong "top ten" hay đặc biệt là trường chuyên thì đó không chỉ là sự hài lòng mà còn là hãnh diện. Còn với ai hoặc với thí sinh nào sự chọn lựa không đúng rơi vào trường hợp như: A.V., M.H.,… thì dù điểm cao vẫn rơi vào nhóm những vận động viên "chạy".

Trong thời điểm hiện tại, những con số chúng tôi dự đoán như trên kể cả tốp những trường hàng đầu đều dựa trên căn cứ vào số điểm của năm trước, do vậy mọi việc hoàn toàn có thể thay đổi vào giờ chót khi các trường chính thức công bố điểm chuẩn. Qua trao đổi với một số phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 10 ở một số trường tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, tại thời điểm này những nhóm có số điểm thi tương đối phù hợp với điểm chuẩn của trường mình lựa chọn năm trước có thể tương đối yên tâm, còn lại những trường hợp có số điểm "giáp ranh" vẫn đang trong tình trạng "đứng ngồi không yên".

Nhiều người trong số họ đã phải tính đến cửa "chạy". Đây cũng là một trong những nguyên nhân để giải thích cho việc các quan chức, nhất là hiệu trưởng các trường thường xuyên tắt điện thoại di động hoặc "đi công tác" trong thời điểm nhạy cảm này...

Huyền Nga
.
.
.