Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2014: Đề thi theo hướng mở, có lợi cho thí sinh

Thứ Ba, 01/07/2014, 07:45
Chỉ còn 3 ngày nữa, đợt I kỳ tuyển sinh ĐH với hai khối A, A1 sẽ bắt đầu. Đề thi ra theo hướng nào và cách làm bài thi như thế nào để không bị trừ điểm đáng tiếc là vấn đề thí sinh đặc biệt quan tâm. Trước ngày thi, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho hay, đề ra theo hướng mở, không bắt thí sinh phải nhớ quá nhiều, tránh kiểu học tủ. Nhiều giáo viên có kinh nghiệm trong luyện thi đại học khi trao đổi với PV Báo CAND cũng khẳng định, đề mở đòi hỏi thí sinh khi xử lý đề phải rất nhanh nhạy và tinh tế.

Ngoại ngữ chỉ có phần trắc nghiệm, không có phần viết luận

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay, năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện việc ra đề thi cho những trường tham gia kỳ thi chung do Bộ tổ chức. Đề thi phải đạt được các yêu cầu kiểm tra kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Nội dung đề thi phải bảo đảm tính khoa học, chính xác, chặt chẽ. Lời văn, câu chữ phải rõ ràng, không có sai sót. Đề thi phải đạt yêu cầu phân loại được trình độ học lực của thí sinh và phù hợp với thời gian quy định cho mỗi môn thi. Mặt khác, đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay sẽ tiếp cận với kinh nghiệm đổi mới kiểu ra đề thi tốt nghiệp THPT 2014 đã được xã hội và thí sinh đồng tình và đánh giá tốt. Đó là đề ra theo hướng mở, không bắt buộc học sinh phải nhớ quá nhiều hoặc nhớ một cách máy móc; hướng tới việc kiểm tra năng lực, phát huy tính sáng tạo, khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Các môn thi trắc nghiệm sẽ được cải tiến để giảm thiểu khả năng đoán mò, đánh theo may rủi. Các môn thi tự luận sẽ tăng cường đề thi mở, hạn chế việc yêu cầu học sinh phải nhớ máy móc, học theo khuôn mẫu.

Trước băn khoăn của đông đảo thí sinh, liệu đề thi ngoại ngữ có thêm phần viết luận như đề thi tốt nghiệp THPT hay không? Thứ trưởng Ga khẳng định, đề thi ngoại ngữ chỉ có phần trắc nghiệm, không có phần viết. Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ có tính phân loại cao, có những câu rất dễ để hầu hết thí sinh làm được, có những câu rất khó chỉ những học sinh giỏi mới làm được. Vì vậy, theo lời khuyên của Thứ trưởng Bùi Văn Ga khi làm bài, các em phải chú ý làm những câu dễ trước, làm những câu khó sau. Các em cũng nên lưu ý là những câu dễ có thể nằm rải rác trong đề thi, chứ không nhất thiết tập trung ở phần đầu hay phần cuối. Vì vậy, các em cần lướt qua một lượt đề thi, lựa chọn câu nào phù hợp năng lực của mình để làm trước, đừng đụng vào những câu khó ngay từ đầu.

Thí sinh nên ôn luyện có trọng tâm, tránh dàn trải tốn sức mà không hiệu quả.

Tăng cường tính nhẩm, tránh lệ thuộc máy tính

Đợt I (thi vào 2 ngày 4 và 5/7/2014) với hai khối A, A1 là đợt có các môn thi toán, lý, hóa, ngoại ngữ và cũng là đợt có đông thí sinh dự thi nhất. Để giúp thí sinh làm bài thi các môn tự nhiên đạt kết quả cao nhất, PV Báo CAND đã tham khảo ý kiến của nhiều thầy giáo có kinh nghiệm nhiều năm ôn luyện cho sĩ tử.

Thầy Lê Đức Việt, giáo viên của Trường THPT Cao Bá Quát, chuyên gia luyện thi tại Trung tâm Học Mãi (Hà Nội) cho biết, khi đi thi với thời lượng 3 tiếng, thì 1,5 tiếng đầu tiên sẽ quyết định thành công hay thất bại. Thầy Việt cho rằng, thí sinh nên chọn các câu dễ để làm trước, để dễ kiếm từ 4 đến 6 điểm. Trước khi chuyển sang các bài khó hơn thì các em nên kiểm tra lại thật chắc chắn, lấy chắc điểm. Sau đó cố nhích lên một chút để đạt điểm 7, 8. Câu nào còn phân vân thì nên thử lại bằng phương trình lượng giác, phương trình, hệ phương trình, tích phân, đấy là những dạng bài có thể thử đáp số. Sau khi làm xong nên rà soát lại chắc chắn để không bị trừ điểm.

Theo kinh nghiệm của thầy Việt, từ năm 2002 đến nay, áp dụng kỳ thi 3 chung của Bộ GD&ĐT, đề thi không thay đổi nhiều, vẫn bám sát kiến thức cơ bản. Riêng đề thi năm nay, có thông tin là không có phần thi lựa chọn nên các em có thể yên tâm làm bài, có thể sẽ bổ sung phần tổ hợp xác suất. Theo phán đoán của thầy Việt, có thể sẽ có những bài toán chọn chủ đề thời sự như giàn khoan Hải Dương 981, đây là vấn đề đã đưa vào đề văn, đề lý.

Đối với môn lý, một môn khoa học cơ bản, có liên quan nhiều đến tính ứng dụng, thầy Nguyễn Đại Hùng, Trung tâm Nghiên cứu ĐH Khoa học Tự nhiên, cũng đưa ra các lưu ý trong kỳ thi ĐH, CĐ năm nay. Thầy Hùng nhấn mạnh, các thí sinh không nên học ôn vô tổ chức, dàn trải, học có trọng tâm, đánh giá khả năng vận dụng của kiến thức, làm tốt nhất có thể các bài từ bậc 1, bậc 2, còn bậc 3 là phân loại học sinh thực sự giỏi. Để luyện thi tốt môn lý, không chỉ nhớ lý thuyết, mà còn phải hiểu lý thuyết và vận dụng nó như thế nào, để làm tốt môn lý thì phải đồng thời học giỏi môn toán. Kỳ thi năm ngoái cả nước không có điểm 10 Lý nào vì để học tốt môn này cần biết vận dụng linh hoạt và tư duy có chiều sâu. Điều quan trọng, thầy Hùng muốn nhắn nhủ đến các em thí sinh, cần tập trung tương đối vào lý thuyết, tập trung vào các chương như: dao động cơ điều hòa, dòng điện xoay chiều, vì đây là các chương mà đề thi thường phân bổ từ 3 đến 4 câu khó. Các em cần phải tăng cường khả năng tính nhẩm, không quá lệ thuộc vào máy tính. Về tâm lý cần bình tĩnh để nhận biết, đánh giá, phân biệt dạng bài, phân tích đề bài…

Quảng Nam: 4.700 suất cơm miễn phí hỗ trợ thí sinh

Ngày 30.6, ông Nguyễn Đăng Hữu, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Quảng Nam cho biết, để giúp đỡ thí sinh các nơi về dự thi đại học năm nay, nhà trường đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 4.700 suất cơm miễn phí cho thí sinh và người nhà, trong cả hai đợt thi.

Ngoài ra, nhà trường dành 1.000 chỗ ở ký túc xá tại trường (10 nghìn đồng ngày đêm/thí sinh, bao cả điện, nước); chùa Đạo Nguyên hỗ trợ 300 chỗ ở miễn phí, kể cả ăn, uống ngay tại chùa. Bên cạnh đó, có khoảng 200 tình nguyện viên túc trực bến xe, ga tàu, trước các điểm thi… giúp đỡ thí sinh ở xa về thi, đi lại được thuận tiện hơn. Sinh viên trường còn thành lập “Đội xe ôm tình nguyện” với 20 xe máy; mỗi xe được nhà trường hỗ trợ 50.000 đồng tiền xăng/ngày, để đưa đón miễn phí cho thí sinh về chỗ ở và đến địa điểm thi…

An Khang

Thu Phương – Thu Uyên
.
.
.