Trả lời chất vấn về giáo dục tại kỳ họp thứ hai, quốc hội khóa XII:

Tuyển dụng theo năng lực thực chất chứ không theo văn bằng

Thứ Bảy, 17/11/2007, 10:03

"Tôi buồn vì nhiều nghiên cứu sinh không có phát hiện gì mới, chỉ nêu lại những vấn đề cũ. Nay tình hình này phải chấm dứt. Không được tầm thường hoá khoa học ở tầm tiến sĩ. Không có mới về khoa học xin đừng làm tiến sĩ" - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân trả lời trong phiên khai mạc chất vấn, trả lời chất vấn tại Hội trường Quốc hội.

"Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) đang soạn thảo quy chế mới về đào tạo tiến sĩ. Luận án tiến sĩ phải có mới về khoa học, luận án hàng trăm trang nhưng tôi chỉ yêu cầu vắn tắt 1 trang giới thiệu điểm mới là gì, thế mà nhiều nghiên cứu sinh không làm được. Không có mới về khoa học xin đừng làm tiến sĩ" - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân trả lời dứt khoát ngay trong phiên khai mạc chất vấn, trả lời chất vấn tại Hội trường Quốc hội chiều qua 16/11.

Không được tầm thường hoá khoa học ở tầm tiến sĩ

"Tiến sĩ giấy" trở thành vấn đề nóng bỏng ngay trong phần "khai màn" chất vấn. Đã thấu tỏ những bất cập từ câu chuyện Tiến sĩ, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân phân trần rằng, ông từng là nhà giáo, từng hướng dẫn nghiên cứu sinh. Nhưng "tôi buồn vì nhiều nghiên cứu sinh không có phát hiện gì mới, chỉ nêu lại những vấn đề cũ. Nay tình hình này phải chấm dứt".

Bộ trưởng dứt khoát: Không được tầm thường hoá khoa học ở tầm tiến sĩ. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhớ lại: Từng gặp gỡ, làm việc ở một trường đại học uy tín ở Hà Nội, thấy hiệu trưởng báo cáo trường những năm gần đây đã đào tạo số lượng tiến sĩ tăng vọt, nhiều người lấy làm mừng.

Nhưng suy ngẫm một lúc, người đứng đầu ngành Giáo dục hỏi "Vậy đào tạo tiến sĩ ở trường có yêu cầu gì mới về khoa học không"?, ông hiệu trưởng đành trả lời thật: Không có gì mới.

Sự thực "tiến sĩ giấy" không phải đến bây giờ mới được nói đến. Nhưng việc lấy ví dụ thực ở một trường đại học uy tín, lại được người đứng đầu ngành Giáo dục & đào tạo thừa nhận trước Quốc hội và cử tri cho thấy vấn đề đã đến lúc không thể chậm trễ hơn trong giải pháp khắc phục.

Bức xúc ở tầm khoa học cao nhất - đào tạo Tiến sĩ, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân quả quyết: Bộ GD&ĐT đang khẩn trương soạn thảo quy chế mới về đào tạo tiến sĩ, trong đó đưa ra quy định bắt buộc, bất kỳ luận án tiến sĩ nào cũng phải chỉ ra được những vấn đề mới về khoa học và tính ứng dụng đến đâu.

"Không có mới về khoa học xin đừng làm tiến sĩ" - Bộ trưởng dứt khoát. Theo đó, đề án 2 vạn tiến sĩ đến năm 2020, theo Bộ trưởng cũng phải có 50% đào tạo ở nước ngoài.

"Phần trả lời của Bộ trưởng tương đối ngắn gọn, rõ, nhất là giải pháp. Hai vấn đề chất lượng giáo dục và xã hội hoá, trong đó chất lượng giáo dục là vấn đề chiến lược, chưa dễ giải quyết sớm. Mong rằng với giải pháp đã có và những gợi ý của đại biểu, đề nghị Bộ trưởng sớm chỉ đạo giải quyết..." - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân.

Sách giáo khoa: Không có chuyện mỗi năm thay một lần

Bộ trưởng Nguyễn Thiên Nhân khẳng định như vậy khi trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Khanh (Hà Nội). Đại biểu Khanh lập luận, cử tri cho rằng sách giáo khoa không phù hợp trong khi Bộ trưởng nói phù hợp, vậy cần lý giải ra sao? Ông viện dẫn, ngày trước, 2 - 3 anh em trong nhà đều có thể dùng chung một bộ sách giáo khoa, đơn giản vì nhiều năm sách vẫn không thay đổi nhưng hiện mỗi năm phải dùng một bộ sách, không thể dùng chung.

Cũng bức xúc về chuyện sách giáo khoa và chương trình giáo dục phổ thông, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) đề đạt: Bộ trưởng có thể đối thoại với đại biểu Quốc hội về vấn đề này, tại sao không sử dụng một chương trình phổ biến?

Mặc dù những câu hỏi đưa ra khá "hóc" nhưng người đứng đầu ngành Giáo dục vẫn tỏ ra rất điềm tĩnh để trả lời rành rọt từng vấn đề một. Đáng chú ý, sự thẳng thắn trong cách trả lời khiến ống kính camera hướng về phía đại biểu vừa đặt câu chất vấn cũng cho thấy thái độ của họ là hài lòng.

Lắng nghe phản hồi, rồi Bộ trưởng đưa ra thông số giật mình: Có tới 80% người biên soạn sách thì tại thời điểm họ biên soạn đã không còn giảng dạy ở phổ thông (trước đó có thể từng giảng dạy). Và vì tại thời điểm hiện tại không giảng dạy nên khi đưa chương trình còn nhiều điểm chưa phù hợp. Vì vậy, việc đánh giá chất lượng sách giáo khoa phải được thực hiện hằng năm.

Đặc biệt, Bộ trưởng cho biết sẽ mời các nhà khoa học đánh giá một cách độc lập với Bộ GD&ĐT trong biên soạn sách giáo khoa nhằm đảm bảo tính khách quan, chính xác và tính thực tiễn.

Tiến tới tuyển dụng theo năng lực thực chất chứ không theo văn bằng

Nhiều đại biểu băn khoăn: Bộ GD&ĐT đưa ra 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT trong cùng một năm, làm khá nghiêm túc nhưng liệu vấn đề này có thể áp dụng lâu dài, trong khi Bộ đã trình đề án gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học làm một?

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định ngay, việc tổ chức 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ là giải pháp tình thế. Năm học 2006 - 2007, Bộ thắt chặt trong thi tốt nghiệp nhằm đánh giá thực chất việc dạy và học ở phổ thông và kết quả đã khiến dư luận bất ngờ khi có gần 1/3 không đạt tốt nghiệp.

Bộ trưởng thẳng thắn: "Trượt nhiều là có lỗi của ngành, của các thầy, cô giáo, chúng tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm thực trạng này". Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) một mặt ghi nhận những biện pháp quyết liệt của ngành Giáo dục nhưng giáo dục đạo đức nghề nghiệp đối với đội ngũ giáo viên cũng cần phải được nhìn nhận lại.

Nghiêm khắc với tồn tại, Bộ trưởng dứt khoát: Mỗi năm báo chí nêu hàng chục trường hợp tiêu cực trong giáo dục, điều này phản ánh thực tế đáng buồn, dư luận bức xúc, đòi hỏi ngành Giáo dục phải nghiêm khắc chấn chỉnh!

Liên quan chất vấn của đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) về việc nhiều sinh viên ra trường không có công ăn việc làm, điều này đặt ra vấn đề đào tạo lãng phí, dư luận rất bức xúc. Vậy Bộ có chủ trương đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo theo chuẩn? Nên chăng có trung tâm dự báo nguồn nhân lực để đào tạo hợp lý, khắc phục việc sinh viên học 4-5 năm đại học lại không có việc.

Khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết Bộ đang có chủ trương đào tạo theo chuẩn và theo nhu cầu, theo đó hiện đã ký trên 70 hợp đồng đào tạo với các công ty nước ngoài. Từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục đào tạo theo 4 chuyên đề, trong đó có những chuyên đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của sinh viên như ngân hàng, công nghiệp đóng tàu, tài chính...

Tệ bằng cấp, quan trọng hoá bằng cấp khiến sinh viên học kém cũng bằng cách này, cách khác để có tấm bằng "đẹp" khi ra trường đang khiến trình trạng bằng giả, học giả diễn ra phổ biến. Thấu hiểu vấn nạn này, Bộ trưởng quả quyết: Xã hội sẽ tiến tới tuyển dụng theo năng lực thực chất chứ không theo văn bằng. Văn bằng tốt nhưng không có năng lực sớm muộn cũng sẽ bị đào thải...

Và câu chuyện đáng suy ngẫm...

Cuối giờ chiều, mặc dù còn nhiều đại biểu còn ý kiến và bản thân Bộ trưởng cũng còn nhiều vấn đề muốn đề đạt nhưng thời gian dành cho Bộ trưởng đã hết. Và đây là câu chuyện buồn chốt lại phần chất vấn: Có nhà nọ ở Tiền Giang, nhà chỉ có một đôi dép, sáng anh đi thì chiều em đi. Sau đó, Phòng Giáo dục giúp đỡ em về quần áo, sách vở và để mỗi anh em đều có một đôi dép!

Câu chuyện kết thúc phần chất vấn của người đứng đầu ngành Giáo dục cũng bỏ ngỏ những vấn đề không dễ trả lời trong điều kiện giáo dục ngày nay. Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, cuối giờ chiều qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cũng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội

Đăng Trường
.
.
.