Từ vụ cháy chợ Phố Hiến (Hưng Yên): Bài học sâu sắc về công tác phòng cháy, chữa cháy

Chủ Nhật, 23/03/2014, 13:10
Vụ cháy chợ phố Hiến đêm 19, rạng ngày 20/3 vừa qua đã gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Đó là hàng trăm tiểu thương đã bị trắng tay trong một đêm khi toàn bộ hàng hóa bên trong ki ốt của họ bị thiêu rụi ra tro. Trong bức xúc vì mất tài sản, nhiều người dân đã cho rằng, trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý trong việc thiếu sót các phương án cũng như thiết bị phòng cháy, chữa cháy…

Sẽ kiểm tra hệ thống chữa cháy tại chỗ để rút kinh nghiệm

Đây là vấn đề rất bức xúc của bà con tiểu thương. Họ cho rằng, chính vì hệ thống chữa cháy tại chỗ có “vấn đề” nên từ khi phát hiện đám cháy nhỏ mà không thể chữa được dẫn đến việc ngọn lửa thiêu rụi toàn bộ hàng hóa trong chợ. Ông Đặng Văn Thiện, chủ ki ốt vải số 232 cho biết, lúc 20h15 ngày 19/3, ông nhận được điện thoại nói chợ bị cháy, khi có mặt lúc 20h30 đám cháy mới chỉ ở một góc nhỏ chỗ hàng cá. Thấy cháy, ông Thiện trực tiếp giật bình cứu hỏa để phun bọt. Giật bình thứ nhất xịt không có gì, giật tiếp bình thứ hai cũng không có bọt. Tới bình thứ ba xịt được tý bọt thì hết. Sau đó, ông Thiện đập tủ kính, kéo ống nước cứu hỏa để chữa cháy nhưng vặn hết vòi này đến vòi khác đều không có nước…

Tại buổi đối thoại với chủ đầu tư, lãnh đạo TP Hưng Yên, gần như tất cả các hộ kinh doanh đều chất vấn trách nhiệm chủ đầu tư khi liên tiếp dẫn chứng “sự cố” hệ thống chữa cháy tại chỗ “tịt” hẳn lúc cháy. Theo họ, khâu ứng cứu của Ban quản lý (BQL) chợ rất kém. Lúc thấy cháy tất cả mọi người đều muốn vào cứu tài sản. Có ba nhân viên bảo vệ nhưng chìa khóa vào chợ lại do BQL chợ giữ, loay hoay mất rất nhiều thời gian mới phá được cửa.

Diễn tập PCCC có sự kết hợp của Sở Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ. (Ảnh minh họa).

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Đào Hữu Liêm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên, cho biết công trình xây chợ Phố Hiến có thiết kế về phòng cháy chữa cháy (PCCC), theo quy định của pháp luật thì lực lượng Cảnh sát PCCC của Công an tỉnh Hưng Yên đã tiếp nhận, thẩm định hồ sơ này xác định đảm bảo được yêu cầu về mặt phòng cháy trước khi chợ đưa vào hoạt động. Các thiết bị phục vụ cho việc chữa cháy tại chỗ có các bình bọt, họng nước. Về phản ánh có họng nước nhưng không có nước, ông Liêm cho rằng phải kiểm tra lại.

Thực tế đêm xảy ra cháy, ông Liêm có mặt tại hiện trường để chỉ đạo việc chữa cháy, tình cờ khi mở một họng nước ở phía Tây Nam ra thì có nước. Các bạn phóng viên Báo Hưng Yên cũng chụp được một bức ảnh về một họng nước đang có nước. Tuy nhiên, Đại tá Liêm khẳng định, sẽ cho kiểm tra, thẩm tra lại rõ ràng việc các thiết bị chữa cháy tại đây theo phản ánh của người dân. Các họng nước chữa cháy xung quanh chợ mà người dân phản ánh là thuộc thẩm quyền quản lý của BQL chợ. Cơ quan Công an sẽ xem xét việc không có nước nguyên nhân vì đâu (do tắc đường ống, hay do nhà máy nước cung cấp chưa đủ…), tuy nhiên cũng sẽ xem xét việc kiểm tra thực hiện của lực lượng Cảnh sát PCCC và CHCN (PC66). 

Đối với các xe chữa cháy của Phòng PC66 Công an tỉnh Hưng Yên được huy động đến hiện trường, PC66 khẳng định các xe chữa cháy của phòng được xuất đến chữa cháy đều có nước. Tuy nhiên, khối lượng nước trong mỗi xe có hạn nên phải được lấy nước thường xuyên. Công trình chợ Phố Hiến có hồ sơ thiết kế PCCC đã được Phòng PC66 Công an tỉnh Hưng Yên tiến hành thẩm duyệt theo đúng quy định và tiến hành nghiệm thu trước khi chợ được đưa vào hoạt động.

Các tiểu thương đau xót khi tài sản của họ bị ngọn lửa thiêu rụi.

Theo Đại tá Đào Hữu Liêm, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong vụ cháy, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự để điều tra. Nếu không có dấu hiệu để khởi tố vụ án hình sự thì qua vụ việc nghiêm trọng này cũng cần phải rút kinh nghiệm nghiêm túc với các đơn vị, cá nhân liên quan. Hiện nay, bên cạnh điều tra nguyên nhân vụ việc, lãnh đạo Công an tỉnh Hưng Yên cũng đã chỉ đạo các lực lượng chức năng xem xét cẩn trọng từng khâu một, từ việc xây dựng, thiết kế, phê duyệt, đánh giá cũng như triển khai các phương án PCCC tại chỗ… của các đơn vị, cá nhân liên quan, từ đó đánh giá xem những vấn đề gì chưa đúng, chưa tốt phải khắc phục; thậm chí có những việc nếu như vi phạm phải xử lý, kể cả đối với việc hoạt động của lực lượng tại chỗ.

Xây chợ trước, điều chỉnh quy hoạch sau

Khi vụ cháy xảy ra, rất nhiều tiểu thương bức xúc, đổ trách nhiệm cho Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hoàng Phát - chủ đầu tư xây chợ Phố Hiến  “xây cả chợ lớn chỉ trong 2 tháng nên không thể đảm bảo an toàn”. Trả lời về vấn đề này, ông Kỳ, Giám đốc công ty khẳng định, trước khi xây dựng chợ đã lập đủ hồ sơ, thiết kế và đều đã được các cơ quan thẩm tra trước khi phê duyệt. Ông Kỳ cho rằng việc xây chợ đã được áp dụng công nghệ tiên tiến nên mới rút ngắn được thời gian thi công. Sau khi chợ xây xong cũng đã được thẩm định, nghiệm thu an toàn về PCCC rồi mới hoạt động.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, đầu năm 2013 tỉnh Hưng Yên chỉ cho phép xây dựng một chợ dân sinh hai tầng, nhưng trong quá trình kiểm tra tại thời điểm ngày 29/10/2013, Sở Xây dựng và UBND TP Hưng Yên đã phát hiện ra Công ty TNHH Đầu tư phát triển Hoàng Phát xây thành 2 chợ dân sinh 2 tầng. Tại thời điểm kiểm tra, chủ đầu tư đã xây gần xong một chợ 2 tầng, riêng chợ thứ 2 đang tiến hành thi công đổ cột tầng 2. Đến 29/11/2013, tức là sau một tháng phát hiện ra vi phạm của chủ đầu tư xây thêm chợ dân sinh 2 tầng số 2, các ban ngành của tỉnh Hưng Yên “đồng thuận” ký phê duyệt bản vẽ điều chỉnh quy hoạch chi tiết tổng mặt bằng cho chủ đầu tư.

Trao đổi với một số phóng viên, ông Lương Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hưng Yên, thừa nhận nếu làm đúng thì chủ đầu tư phải trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch rồi mới được xây. Ông Tuấn giải thích, vì thời điểm xây dựng mong muốn cho kịp Tết nên các ngành để cho chủ đầu tư xây trước, còn quy hoạch điều chỉnh thì lập và trình phê duyệt sau. Mong muốn là để đưa chợ vào vận hành trước Tết chứ không có chuyện gì phía sau cả. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề khiến các tiểu thương bức xức và cần sự trả lời thấu đáo từ các cơ quan quản lý của tỉnh Hưng Yên. 

Ngoài việc xây “tắt” (xây trước, quy hoạch sau), các tiểu thương cũng đưa ra vấn đề, có một số hạng mục xây dựng của chợ vẫn chưa hoàn chỉnh nhưng chủ đầu tư vẫn đưa vào sử dụng. Chẳng hạn như, theo tổng thể xây dựng chợ còn có 1 bể ngầm 25m2 nằm dưới ngầm của Trung tâm thương mại chưa được xây dựng. Thế nên, theo ông Đặng Minh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, do cái hầm ngầm đó chưa được xây dựng nên các họng nước sẵn có bên hành lang chợ dân sinh và vỉa hè không đủ nhu cầu lấy nước. Vì thế, việc Cảnh sát PCCC phải đi lấy nước ở cách đó một đoạn là chuyện bình thường (!)

T. Hòa - P. Huyền
.
.
.