Tử vong vì mò đốt

Thứ Hai, 30/07/2007, 08:26
Sốt mò (do vết mò đốt bé đến mức mắt thường khó nhìn thấy), căn bệnh thường rộ lên vào đầu mùa hè và kéo dài đến hết mùa mưa, đã khiến nhiều người rơi vào cảnh thập tử nhất sinh trong đó có không ít bệnh nhân đã tử vong.

Vốn là người khỏe mạnh, hầu như chưa bị ốm bao giờ, anh Đỗ Văn Hội, quê ở Xuân Quang, Bảo Thắng, Lào Cai bất ngờ bị sốt cao tới nửa tháng không đỡ. Anh đã được đưa đến trạm xá, chuyển lên bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh, điều trị nhiều loại kháng sinh nhưng bệnh không hề thuyên giảm.

Khi tới Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia (CBTN&NĐQG), anh đã hôn mê, chảy máu tiêu hoá, khó thở, tụt huyếp áp. Chỉ sau 2 ngày điều trị tại Viện, anh được tháo máy thở. Một tuần sau, anh đã qua cơn nguy kịch, nhưng bị sút 20kg, cơ thể suy kiệt và vẫn còn trong trạng thái lơ mơ.

Bệnh nhân L.T.S. ở Hà Giang sốt cao dài ngày và vào điều trị tại bệnh viện tuyến dưới nhưng không xác định được nguyên nhân. Khi nhập Viện CBTN&NĐQG, bệnh tình của chị S. đã chuyển sang nguy kịch, phim phổi mờ mịt, suy hô hấp, sốc nặng.

Sau một tháng điều trị tích cực kết hợp lọc máu liên tục, chị S. đã bình phục và ra viện. Cả hai bệnh nhân trên suýt thiệt mạng chỉ vì nốt mò đốt bé xíu gây nên bệnh sốt mò.

Bác sỹ Nguyễn Quốc Thái, Viện CBTN&NĐQG cho biết, sốt mò thường xuất hiện theo ấu trùng mò rộ lên vào đầu mùa hè và sẽ kéo dài đến hết mùa mưa.

Từ đầu năm, Viện đã tiếp nhận 15 trường hợp bị ấu trùng mò đốt. Trong đó, 10 trường hợp rất nặng, bệnh nhân sốt cao li bì kèm theo nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Bệnh nhân chủ yếu đến từ các tỉnh phía Bắc (nhiều nhất là Kinh Môn, Hải Dương) và tập trung ở những nơi có cỏ, cây mọc. Rải rác có cả bệnh nhân ở miền núi.

Bệnh khó phát hiện nên dễ chủ quan

Theo bác sỹ Nguyễn Quốc Thái, ấu trùng mò kích cỡ chỉ từ 2 - 4mm và thường không phân biệt được với các loại bọ nhảy khác. Khi đốt, ấu trùng mò truyền vào cơ thể người vi khuẩn Orientia tsutsugamushi. Khi bị mò đốt, ta thường không có cảm giác đau hay buốt mạnh nên không để ý. Sau đó, vết mò đốt sưng lên giống vết muỗi đốt, hơi phỏng, rồi vỡ thành vết loét nhỏ từ 0,5 - 1cm và đóng vảy đen.

Chỉ sau mấy ngày bị mò đốt, bệnh nhân bị sốt cao kéo dài từ 7 - 15 ngày, da và niêm mạc xung huyết, nổi hạch to. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị suy đa phủ tạng, suy hô hấp cấp tiến triển, suy thận, tụt huyết áp, thậm chí tử vong. Bệnh nhân điều trị tích cực phải phối hợp nhiều phương pháp, trong đó có lọc máu liên tục tốn kém chi phí tới hơn 10 triệu đồng/ngày.

Bác sỹ Thái cho biết, cách điều trị sốt mò khá đơn giản, chỉ cần tìm được vết mò đốt và uống đúng thuốc vài ngày là khỏi. Song điều nguy hiểm là bệnh nhân, thậm chí cả các bác sỹ cũng không tính đến khả năng vết đốt rất nhỏ và nằm ở những vị trí kín đáo trên cơ thể có thể gây tử vong. Nếu không phát hiện kịp thời, việc điều trị bằng kháng sinh và thuốc hạ sốt chỉ làm bệnh tình trầm trọng hơn, dẫn đến không ít trường hợp đã tử vong.

Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh viện tuyến dưới thường không có đầy đủ các thiết bị xét nghiệm, bác sỹ thiếu kiến thức hoặc coi nhẹ loại bệnh này. Việc đơn giản cần làm là tìm vết mò đốt trên cơ thể bệnh nhân thì nhiều cơ sở y tế lại ngại làm.

Nhiều trường hợp bệnh nhân sốt mò bị chẩn đoán nhầm khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Nhất là việc lạm dụng thuốc hạ sốt khi bệnh nhân đang sốt cao liên tục dẫn đến suy gan, hoại tử gan, có biểu hiện mệt lả, nôn nhiều, da và mắt vàng.

Nếu bệnh nhân sốt mò được phát hiện sớm, chỉ cần dùng một loại thuốc thông dụng và rẻ tiền, cả liệu trình điều trị chỉ hết khoảng 10.000đ, như Doxycyclin, Tetracyclin, hoặc Cloramphenico cho trẻ em, Azithromycin cho phụ nữ có thai

Thanh Loan - Hà Nam
.
.
.