Tư vấn xâm hại tình dục để bảo vệ trẻ em

Thứ Hai, 03/11/2008, 20:22
Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe gia đình và phát triển cộng đồng đã có những chương trình "Sống an toàn với mọi người", "Hãy cảnh giác với nguy cơ bị xâm hại tình dục"… Qua chương trình, trẻ biết cách nghi ngờ... Ví dụ như, người nào đó cứ thường xuyên tạo ra lý do để đưa bé đến chỗ vắng…

Chuông điện thoại đổ dồn. Chị tư vấn viên nhấc ống nghe. Có cái gì đó ngập ngừng trong câu hỏi "Có phải đường dây tư vấn xâm hại tình dục trẻ em không?", "Đúng rồi. Chúng tôi sẵn sàng nghe anh nói". "Cạch", tiếng dập máy đường đột từ đầu dây bên kia vọng lại.

Đây không phải tình huống hiếm gặp đối với tư vấn viên ở Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe gia đình và phát triển cộng đồng. Đó là một cách thăm dò, bà Hoàng Thúy Lan, Giám đốc Trung tâm nhận định.

10 phút sau, chuông điện thoại lại đổ dồn. Đầu dây bên kia vẫn là người đàn ông gọi lúc trước, anh bảo chuyện mình sắp nói ra ảnh hưởng đến danh dự gia đình, đến sức khoẻ và phẩm hạnh của con gái mình. Anh không biết có thể đặt niềm tin với người mình đang nói chuyện được không. Sau khi bảo rằng, việc tìm đến số điện thoại 04.35372258/04.35375775 cho thấy, anh có niềm tin với Trung tâm. Nếu có gì đó khó nói qua điện thoại, anh có thể đến gặp mặt trực tiếp để trao đổi.

Sau một hồi xác minh ngược, người đàn ông này mới cho biết, anh sống trên địa bàn tỉnh Hà Tây (cũ). Con gái anh 5 tuổi bị người hàng xóm xâm hại tình dục. Vụ việc xảy ra quá đường đột, gia đình anh chưa biết phải xử lý thế nào.

Gia đình người đàn ông này đang "án binh bất động" trước tai nạn của con gái nhưng trong lòng đang "nổi sóng". Làm thế nào để họ bình tĩnh xử lý sự việc mà không ảnh hưởng đến cháu bé?

Bằng giọng nói chân thành, tư vấn viên hướng dẫn cho người bố cách thức theo dõi những dấu hiệu bất thường của con như có hay hoảng sợ, đái dầm, mơ thấy ác mộng không. Đồng thời, động viên họ đừng trút giận hay tỏ ra thương hại cô bé. Hãy coi đó là một tai nạn và có niềm tin rằng cháu bé có đủ khả năng để vượt qua.

Thực tế, đã có những trường hợp người thân, cô giáo đã tỏ vẻ thương hại cháu bé. Thái độ này đã có tác động xấu khiến cháu bé trở nên mặc cảm, yếu đuối. Ngoài ra, tư vấn viên cũng hướng dẫn người cha cách thức trình báo sự việc tới cơ quan Công an.  

"Chúng tôi đã từng can thiệp sâu đối với cháu Nguyễn Thị Hà (đã đổi tên), 12 tuổi, trú tại bãi rác Thành Công", bà Lan cho biết. Mặc dù sống ở trung tâm thành phố nhưng Hà là một cô bé đặc biệt. Dù đã 12 tuổi nhưng cháu chưa một lần được đi học, chỉ có mẹ. Khi cháu bị ông hàng xóm cưỡng hiếp, anh trai lại đang ở tù.

Khi xảy ra sự việc, mẹ cháu Hà không biết làm cách nào để bảo vệ con. Bản thân người mẹ này là người nhập cư trái phép, tự cất nhà trên đất bãi rác để có chỗ trú chân nên không dám báo cáo sự việc lên cơ quan chức năng. Trong khi đó, cháu Hà bị hoảng loạn tâm lý, bị lây bệnh qua đường tình dục.

Khi sự việc được báo đến Trung tâm, cháu đã được tư vấn tâm lý, đi khám bệnh và điều trị. Sau khi tạm ổn định, Hà được bố trí học văn hóa. Rất tiếc, do hậu quả từ vụ tai nạn quá nặng khiến Hà không ổn định về tâm lý, không thể nào nhớ nổi mặt chữ cái. Cuối cùng, cán bộ Trung tâm phải hướng cháu đi học nghề. Hiện nay, cô bé đã trở thành thiếu nữ.

85% vụ xâm hại tình dục trẻ em, nạn nhân quen biết thủ phạm, bà Hoàng Thúy Lan cho biết. Điều này cho thấy, xâm hại tình dục có thể xảy ra với bất kỳ trẻ nào, ở bất cứ đâu. Làm thế nào để trẻ không trở thành nạn nhân?

Trung tâm đã có những chương trình "Sống an toàn với mọi người", "Hãy cảnh giác với nguy cơ bị xâm hại tình dục"… để phổ biến rộng rãi trong nhà trường, các điểm công cộng. Qua đây, trang bị cho trẻ cách biết nghi ngờ, biết tin vào linh tính của mình. Ví dụ như, trước một người quen thường xuyên lai vãng quanh bé, nói rằng bé là người đặc biệt, hoặc người nào đó cứ thường xuyên tạo ra lý do để đưa bé đến chỗ vắng…

Trẻ con luôn tin tưởng người lớn, đó là thực tế không thể phủ nhận. Cũng bởi niềm tin này mà trẻ trở thành nạn nhân của các con yêu râu xanh vốn là chú hàng xóm, là anh họ...

Nói về sự can thiệp của người lớn, cán bộ tư vấn của Trung tâm còn nhớ như in trường hợp bé gái 9 tuổi ở Gia Lai. Bố cô bé đã gọi điện đến nhờ tư vấn, cán bộ trung tâm đã lắng nghe và chia sẻ. Người bố này như tìm được chỗ dựa, anh nói thẳng quan điểm của mình. Và cũng chẳng ngại ngần bày tỏ ý định trả thù. Sau khi được tư vấn, giải thích, anh nhận ra thái độ tiêu cực của mình.

Mấy hôm sau, chưa yên tâm về trường hợp này, cán bộ tư vấn gọi điện lại và gặp mẹ cô bé. Người mẹ này giận dữ và bảo: "Các chị không nên khơi lại". Hóa ra, giữa người bố và người mẹ trong gia đình này lại có thái độ trái ngược nhau về vụ việc xảy ra với con gái mình. Chính cách hành xử không thống nhất này rất dễ để xảy ra tác động tiêu cực đến cô bé.

"Đóng cửa bảo nhau" trong quan niệm của nhiều người cũng trở ngại trong việc lôi kẻ phạm tội ra ánh sáng. Nhiều người bố, người mẹ hoặc có thái độ báo thù, hoặc chấp nhận im lặng. Dù ở trường hợp nào, thái độ tích cực của phụ huynh cũng là cách tốt nhất để hạn chế hậu quả về thể chất và tâm lý của nạn nhân. Nhưng làm thế nào để phụ huynh có thái độ tích cực trong hoàn cảnh con họ bị xâm hại?

Việc ra đời đường dây tư vấn xâm hại tình dục cho trẻ em là vô cùng cần thiết. Bởi khi được các chuyên gia tư vấn, phụ huynh sẽ có cách nhìn nhận đúng hơn, sáng suốt hơn. Mở rộng cánh cửa trong ngõ hẹp là cách mà Trung tâm đang nỗ lực để bảo vệ nạn nhân là trẻ em bị xâm hại tình dục

Thái Tuấn
.
.
.