“Tử thần” rình rập hàng trăm con người đi qua cầu tạm

Thứ Hai, 13/10/2014, 22:17
Để học sinh có thể đến trường, người lớn muốn đi chợ, đi làm giấy tờ thủ tục… tất cả phải liều mình đi qua cây cầu tre tạm bắc qua sông Dinh (thuộc xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An).

Nỗi ám ảnh mấy chục đời người

Cách Quốc lộ 48 chưa đầy 1km, không ai nghĩ người dân bản Sơn Tiến, xã Thọ Hợp lại phải vất vả khó khăn thế, chiếc cầu tạm bằng tre nứa được người dân dựng để qua con sông Dinh về trung tâm xã, huyện. Theo quan sát, cây cầu có chiều dài khoảng 90m, được làm bằng tre nứa, những cây gỗ to chắc chắn được dùng để làm cọc đóng giữa lòng sông làm “trụ cầu”; hai bên là những cây tre dùng để chống cho cầu đỡ nghiêng và rung; Mặt cầu cũng làm bằng thanh trẻ chẻ gác gang, mặt cầu rộng chừng 1,2m...

Để qua cầu, chỉ có thể đi một chiều vì cầu hẹp, xe máy, xe đạp thường phải dắt bộ, ô tô thì không thể sang bản. Theo người dân trong vùng nhiều vụ tai nạn khi đi qua cầu không cẩn thận đã bị rơi, nhưng may mắn chưa có vụ tai nạn nào nghiêm trọng. Bà Nguyễn Thị Tâm (40 tuổi) đi chợ về chuẩn bị đẩy xe qua cầu về nhà, dù đã 40 năm đi qua cầu nhưng lần nào qua đây bà cũng rùng mình vì lo lắng. Bà chia sẻ, (Từ khi sinh ra đã thấy cả ông bà, cha mẹ đi qua cầu về trung tâm xã, lớn lên đi học cũng phải qua cầu. Đến giờ con cháu cũng phải qua cầu để về trung tâm xã…”.

Bà Tâm cho biết thêm, “Mỗi năm mưa lũ ít nhất 3-4 cây cầu bị nước lũ cuốn trôi, Hơn 40 tuổi nhưng không nhớ là có bao nhiêu cây cầu bị lũ cuốn trôi. Chỉ biết, cứ lụt đến là người người, nhà nhà chặt tre, nứa tập trung ra cầu sửa lại, chứ không thì không có cách mô mà qua sông.

Tan học cũng là gần cuối chiều, từng đoàn học sinh con em của bản Sơn Tiến vội vã trở về đi qua cầu tạm, mỗi khi thấy trời sập xuống hay mưa to là không ai bảo ai. Lặng lẽ dắt xe đạp đi qua cầu thật nhanh để về nhà “Nhiều hôm sáng đi học qua cầu, chiều về cầu bị nước cuốn trôi mất không về được. Bố mẹ đứng bên kia, bọn em đứng bên này nhìn nhau rồi ai nấy đi tìm nhà bạn hoặc nhà anh em để ở tạm chờ các bác và bố mẹ sửa xong cầu hoặc nước rút mới về nhà được”, em Trương Thị Ngọc lo lắng nói.

Cầu tạm bắc qua sông mong manh trước nước lũ, người đi qua hầu hết phải dắt bộ.

Thiếu kinh phí, người dân tiếp tục liều mình

Con sông Dinh mùa khô thì cạn nhìn thấy đáy sông, mùa mưa đến nó hung dữ hơn ai tưởng, theo người làng thì có đến hàng trăm cây cầu bị nước cuốn trôi. Được biết, xã Thọ Hợp không chỉ riêng 60 hộ dân/250 nhân khẩu bản Sơn Tiến mà 131 hộ dân /530 nhân khẩu tại bản Cốc Mẳm cũng phải qua cầu tạm để đến trung tâm.

Ông Nguyễn Văn Trung – Chủ tịch UBND xã Thọ Hợp cho biết “Từ xa xưa người dân đã dựng cầu tạm để về trung tâm, nếu người dân đi đường vòng về trung tâm xã thì mất đến hơn 30km, còn nếu qua cầu thì chỉ chưa đầy 1km đã đến. Cầu tạm chủ yếu là do người dân trong bản chủ động dựng lên, xã không có kinh phí để làm cầu, nếu không tự làm cầu thì chỉ có nước đi đường vòng…”.

Nỗi lo lắng của các em học sinh mỗi khi đi qua cầu đi học và lúc đi học về.

Được biết, năm 2007 cầu Cốc Mẳm đã có dự án đầu tư xây dựng tràn để người dân thuận tiện qua lại, tuy nhiên năm 2009, nước lũ cuốn trôi mất, từ đó đến nay địa phương không có kinh phí tu sửa lại. Để qua sông người dân trong bản lại phải làm cầu tạm để qua như trước. “Hiện tại, đã có chủ trương của chính phủ cho phép lập đề án xây dựng cầu qua bản Sơn Tiến, dự kiến kinh phí hơn 13 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn chưa có vốn để xây dựng…” ông Trung cho biết thêm.

Trưởng phòng Công thương huyện Quỳ Hợp - ông Phan Công Sen cho biết, để xây dựng cầu qua các bản huyện không có kinh phí để chủ động xây dựng, nên người dân vẫn phải cải tạo, tu sửa cầy tạm để qua sông. Huyện cũng đang xin chủ trương của các cấp để xây dựng cầu Sơn Tiến, riêng cầu Cốc Mẳm cũng đã được phê duyệt dự án xây dựng cầu nhưng chưa cố kinh phí…”. Huyện Quỳ Hợp là huyện miền núi có nhiều sông núi và có hiện tượng lũ ống, lũ quét xảy ra nên việc người dân đi qua cầu để sang trung tâm luôn rình rập những mối nguy. Chính quyền các cấp nên sớm có chính sách quan tâm xây dựng cầu để người dân nơi đây yên tâm mỗi mùa lũ dữ

Tân Nghệ
.
.
.