Từ ngày 21 đến 23/12: Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ 14

Thứ Tư, 21/12/2005, 06:45
Ngày 21/12, Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ 14 đã khai mạc và Đại hội sẽ diễn ra trong ba ngày trong không khí lạc quan, tin tưởng và quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ to lớn trong "quốc kế, dân sinh" để xây dựng Thủ đô phát triển toàn diện, bền vững, hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Báo cáo chính trị trình Đại hội cho biết, trong nhiệm kỳ 13 (2001-2005), Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực, tiếp tục tạo ra những biến đổi tích cực trên các lĩnh vực, đặc biệt là phát triển kinh tế, y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội…

Trong 5 năm qua, GDP của thành phố Hà Nội tăng 11,1%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng theo xu thế hiện đại hoá, cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp đã hình thành rõ nét, quan hệ giữa các ngành kinh tế đã có chuyển biến về chất. Trong các lĩnh vực xã hội, y tế, giáo dục, Hà Nội cũng có những bước phát triển đáng kể: 70% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 14,1%…

Năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội (theo chuẩn cũ) giảm còn 0,3%, bình quân hàng năm giải quyết được 70.000 việc làm... Năm 2005, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký 1,847 tỷ USD, tăng 5,3 lần so với năm 2004. Thu hút vốn đầu tư xã hội đạt 32.120 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với năm 2000. Mới đây, thành phố phát hành hơn 1.092 tỷ đồng trái phiếu xây dựng Thủ đô, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu trước thời hạn… Thành phố vừa đón vị khách du lịch quốc tế thứ 1 triệu, cũng là vị khách thứ 5 triệu đến Việt Nam trong năm 2005.

Các hoạt động dịch vụ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin, tư vấn có sự tham gia của các thành phần kinh tế ngày càng có vị trí quan trọng.

5 năm tới là quãng thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Đảng bộ và nhân dân Hà Nội. Đại hội lần thứ 14 của Đảng bộ thành phố sẽ tập trung thảo luận, tìm biện pháp phấn đấu để đến năm 2010, Hà Nội kỷ niệm Thủ đô 1.000 năm tuổi một cách xứng đáng nhất và có thể về đích trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2015. Theo đó, trong giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng GDP bình quân hàng năm đạt 11%-12% (cố gắng để tăng hơn 12%).

Tốc độ gia tăng giá trị công nghiệp 12%-12,5%, dịch vụ 10,5%-11,5%, kim ngạch xuất khẩu 15%-17%. Vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30%-35% nhu cầu đi lại của nhân dân. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%-65%; tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 5%. Quyết tâm phấn đấu đến năm 2020, Hà Nội trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, một thành phố du lịch hấp dẫn ở khu vực, phát huy tốt vai trò là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học - công nghệ, giáo dục, đào tạo, kinh tế và giao dịch quốc tế. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 6.000 USD, mức thu nhập của người dân tăng lên ba lần so với hiện nay.

Muốn thực hiện được những nhiệm vụ nặng nề đó trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn thử thách, rõ ràng phải có nhiều giải pháp lớn và đồng bộ. Đó là: tăng cường xây dựng và phát huy tiềm năng to lớn của con người Hà Nội, đặc biệt là tiềm năng trí tuệ. Ưu tiên đầu tư cho văn hoá, trực tiếp là giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Coi trọng sử dụng các cơ chế kinh tế gắn với lợi ích vật chất và tinh thần, phát triển mạnh các thành phần kinh tế, các loại hình kinh tế, phát huy dân chủ từ cơ sở. Ưu tiên đầu tư cho các khâu tạo động lực phát triển, các ngành, các lĩnh vực và sản phẩm chủ lực, có tính liên kết, liên ngành, có hàm lượng chất xám và công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn.

Xây dựng, phát triển đồng bộ lành mạnh các loại thị trường (thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ phần mềm và công nghệ sinh học, thị trường bất động sản…). Chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả. Gắn phát triển kinh tế với giữ gìn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, bảo vệ, cải thiện môi trường. Tập trung giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc, tạo môi trường xã hội lành mạnh, văn minh; xây dựng và bồi đắp cho người Hà Nội những phẩm chất cơ bản: yêu nước, tâm huyết với Thủ đô, thanh lịch, văn minh, có tri thức, năng động, sáng tạo, thích ứng với yêu cầu của cơ chế thị trường, tiêu biểu cho phong cách lao động mới…

Đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý các cấp, kiện toàn đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ chủ chốt, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, gắn kết sức mạnh Trung ương và sức mạnh thành phố

P.V.
.
.
.