“Từ mẫu” của bệnh nhân tâm thần

Chủ Nhật, 29/04/2012, 19:32
Bị bệnh nhân cắn xé, thậm chí đánh đập… là nguy cơ thường gặp đối với những người khoác áo blouse trắng ở Trung tâm Điều dưỡng bệnh nhân tâm thần Thủ Đức (TP HCM). Không quản ngại khó khăn, các y, bác sĩ vừa là thầy thuốc tận tụy vừa là người thân của hàng ngàn phận đời vô thức...

Ngày nộp đơn xin về trung tâm, bác sĩ Nguyễn Thị Trước Trân, hiện là Trưởng trại C, đã vấp không ít lời can ngăn của bạn bè. Mọi người bảo làm ở đây một thời gian khéo chừng mình cũng dở dở ương ương, người tâm thần lên cơn khi nào ai biết, nguy hiểm lắm. Nghe, chị tặc lưỡi: Làm nơi nào mà chẳng được, miễn sao mình có thể chữa bệnh cứu người. Nói vậy chứ chị cũng sợ, nhất là những ngày đầu đi làm.

Y tá Vũ Thị Ngọc Mai, công tác ở đây gần 9 năm đã gặp nạn 2 lần. Cách đây khoảng 4 năm, lúc Mai đang loay hoay phát thuốc thì bị một bệnh nhân nam vóc dáng lực lưỡng giáng thẳng một cú đấm vào mặt. Mai ngã dúi dụi, choáng váng. Các bệnh nhân khác ùa vào an ủi cô y tá đang ngồi khóc tức tưởi vừa nhao nhao hỏi tội “thủ phạm”. Năm ngoái, lúc Mai và bác sĩ Trân đang trực đêm ở trại C thì điện cúp đột ngột. Bệnh nhân hoảng loạn lên cơn. Mai bị hai bệnh nhân nữ xông vào đánh đấm túi bụi. Cũng may nhờ bác sĩ Trân can thiệp kịp thời. Bị đánh đau, chị có ghét họ không? Mai lắc đầu: “Sao ghét người ta được, người ta bệnh, đâu ý thức được hành vi. Chỉ tại mình bất cẩn thôi. Ở đây hầu hết là người tâm thần lang thang, họ chỉ còn biết nương tựa vào mình”.

Bác sĩ Trân trò chuyện thân mật với bệnh nhân tâm thần.

Ở Trung tâm tâm thần, có những chuyện cười ra nước mắt. Có lần Mai mới mua chiếc điện thoại di động 6 triệu, bệnh nhân ngô nghê đem nó bỏ vào chậu chén bát để rửa cùng. Lại có đôi yêu nhau, cô gái ghen tuông đòi tự tử buộc các bác sĩ phải cầm lòng đưa cô gái đang gào khóc thảm thiết về Trung tâm Điều dưỡng tâm thần Tân Định. Có bệnh nhân nọ cắt cổ tay. Khi qua cơn nguy kịch, hỏi lý do thì cô bé thút thít: tại ba mẹ tuần nào cũng lên thăm con, tuần này không lên nên con cắt tay tính dọa.

Các bác sĩ ở đây cho biết, chăm sóc bệnh nhân tâm thần vất vả gấp trăm lần bệnh nhân bình thường. Bệnh tình bất ổn, tính cách họ cũng bất ổn theo. Khi thì hung dữ gặp ai cũng nhào vào cắn xé, khi lại nũng nịu như trẻ con. Khi bệnh nhân lên cơn, các y, bác sĩ phải ôm chặt, cố định tay chân vào giường rồi tiêm thuốc giảm loạn thần. Do đó, y, bác sĩ không chỉ là người điều trị đơn thuần mà còn là người mẹ, người cha biết yêu chiều, dỗ dành họ. Quà bánh khách mang biếu, các bác sĩ phải tính sao để chia cho ai cũng có phần, không thì họ gào khóc, đánh nhau. Vất vả, nguy hiểm nhất là khi bệnh nhân lên cơn. Các bác sĩ nhiều khi phải trắng đêm vật lộn cùng cơn điên loạn của họ.

Bác sĩ Trân tâm sự: “Gắn bó với người tâm thần gần 20 năm, tôi mới thấy họ đáng thương hơn là đáng sợ. Họ cũng như chúng ta, cũng cần được yêu thương nhưng đa phần bị gia đình chối bỏ. Tội nghiệp nhất là những người bị tâm thần nặng, phải dùng xiềng xích xích lại, cách ly riêng. Tỉnh táo, họ hiền lành, dễ mến và biết mặc cảm với bệnh của mình. Một số người được hồi gia, thời gian sau lại khăn gói về trung tâm xin ở lại. Họ nói: về nhà, người ta kêu tui là đồ điên, đồ khùng. Ở trong này có ai gọi tui như vậy đâu, lại còn được quan tâm nữa”.

Nhắc đến bác sĩ Trần Văn Ngái, Giám đốc Trung tâm, bác sĩ Trân kể với giọng thán phục: “Ngày nào anh Ngái cũng xuống thăm bệnh nhân, xem tình hình ra sao. Nhiều lần đang trò chuyện, thấy bệnh nhân lên cơn hò hét, chạy rông, ảnh vứt dép, đuổi theo liền”.

Tôi gặp bác sĩ Ngái khi ông vừa thăm các trại bệnh nhân về, trán còn lấm tấm mồ hôi. Ông tỉ mỉ ghi lại số liệu trên bảng hoạt động rồi đon đả pha trà mời khách. Bác sĩ Ngái cho biết, khó khăn lớn nhất của trung tâm hiện giờ là số lượng y, bác sĩ quá ít so với số bệnh nhân vì nhiều bác sĩ trẻ ngại xin vào làm. Hiện trung tâm chỉ có 104 cán bộ y tế trong khi số bệnh nhân lên đến 1.204 người, hơn 90% lang thang, cơ nhỡ. Trung bình một năm, số bệnh nhân trung tâm tiếp nhận là 400 người trong khi số hồi gia chỉ có 100 người.

“Cán bộ y tế ở trung tâm luôn cố gắng điều trị, mong mỏi bệnh nhân ổn định để sớm hồi gia. Thế nhưng, điều làm chúng tôi trăn trở nhất chính là sự kì thị của xã hội đối với người tâm thần còn quá nặng nề, khiến cho quá trình hòa nhập cộng đồng của họ gặp khó khăn” – bác sĩ Ngái nói.

Vừa dẫn tôi bước vào thăm khu sinh hoạt trại C, những người phụ nữ ngô nghê liền ùa đến, ríu rít vây quanh bác sĩ Trân như lũ trẻ mừng gặp mẹ. “Bác sĩ, coi con có đẹp hông nè?”. “Cô ơi, hình như tui bị mắc xương á?”. “Chút nữa cô đưa con về nhà nghe”… câu chuyện tếu táo giữa bác sĩ và bệnh nhân luôn giòn tan và ấm áp.

Đáp lại sự tận tụy của các bác sĩ, khi bệnh tình thuyên giảm, nhiều người tự nguyện ở lại trung tâm để cùng từ mẫu của mình chăm lo cho các bệnh nhân khác. Bà Lê Thị Phắng (50 tuổi) một trong những bệnh nhân ở lại trung tâm cười hiền, bảo: “Thương cô chú (bác sĩ – PV) vất vả, tui xin ở lại để phụ cơm nước, vệ sinh cho chị em. Cô chú cực vì tui rồi, giờ giúp được chừng nào tui vui chừng ấy”

Quỳnh Nga
.
.
.