Từ diễn đàn Quốc hội: Phản biện “nóng”

Thứ Hai, 12/11/2007, 08:07

Không chỉ phản biện trên cơ sở những báo cáo của cơ quan hành pháp, tư pháp theo định kỳ 6 tháng, 1 năm hay có tính chất tổng kết một giai đoạn, diễn đàn Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 đang thể hiện dấu ấn: phản biện nóng cả những vấn đề, sự kiện diễn ra ngay trước và trong thời điểm Quốc hội họp.

Với những vấn đề chưa có báo cáo, chưa có tổng kết, đại biểu Quốc hội nhận biết thông tin qua báo chí và cũng chính báo chí là cầu nối để đại biểu Quốc hội bày tỏ chính kiến của mình.

Em Nguyễn Thị Bình bị nhục hình. Chỉ sau một ngày dư luận phản ánh, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng, trong đó có tiếng nói lãnh đạo các Ủy ban chức năng như Ủy ban Các vấn đề xã hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.

Không những vậy, ngay sau giờ Quốc hội họp, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cùng một số đại biểu của Ủy ban đến nơi xảy ra sự việc, động viên, trao quà cho em Bình và gặp gỡ chính quyền địa phương, tìm hiểu rõ sự việc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết cho biết sẽ có văn bản của Ủy ban gửi UBND TP Hà Nội đề nghị làm rõ, xử lý nghiêm vụ nhục hình gây bức xúc dư luận, yêu cầu làm rõ trách nhiệm chính quyền cơ sở.

Đây chỉ là một minh chứng cụ thể về hoạt động của cơ quan quyền lực tối cao do dân bầu. Lâu nay, cử tri hiểu đơn thuần: Quốc hội chỉ bàn chuyện quốc kế dân sinh, là những vấn đề tầm vĩ mô. Nhưng sự việc diễn ra bên lề kỳ họp mấy ngày qua cho thấy, chức năng giám sát tối cao đang thể hiện sát thực ngay từ những sự kiện nóng diễn ra trong đời sống xã hội, bằng việc cụ thể, con người cụ thể.

Giám sát tối cao là chức năng của tập thể Quốc hội và mỗi đại biểu. Đương nhiên không thể đưa những sự kiện đơn lẻ như vậy ra bàn trước Quốc hội như một chuyên đề giám sát. Nhưng với mỗi đại biểu, mỗi ủy ban, việc giám sát có thể bắt đầu từ những việc như vậy, đơn lẻ về dẫn chứng nhưng có tính bức xúc, điển hình về một nhóm hành vi, một nhóm đối tượng được pháp luật bảo vệ mà Quốc hội có chức năng giám sát: quyền của trẻ em.

Giám sát một vấn đề có tính bao quát, nổi cộm trong dư luận không hẳn bắt đầu từ các báo cáo khô cứng, cách đặt vấn đề cũ mòn mà bằng những minh chứng sống động. Ở đây, đại biểu Quốc hội tiếp cận thông tin nóng từ báo chí và bày tỏ chính kiến, quan điểm của mình cũng thông qua báo chí. Cầu nối này làm nghị sĩ và cử tri xích lại gần nhau trong hiểu biết, chia sẻ và trách nhiệm.

2. Ở một tầm lớn hơn, khái quát hơn, đã và đang trở thành chủ điểm nóng tại kỳ họp Quốc hội: kiềm chế sốt giá. Các thông tin về chỉ số giá tiêu dùng tăng quá cao được nêu một phần trong bản báo cáo chung của Chính phủ. Nhưng đó là những thông số có tính chất đánh giá chung 9 tháng đầu năm, nếu tính thời điểm các đoàn đại biểu tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thì cũng đã trên dưới 1 tháng, tức đã có độ "nguội" nhất định.

Trong điều kiện đó, nếu chỉ căn cứ thông số trong báo cáo hẳn các buổi thảo luận sẽ thiếu độ nóng cần thiết và dễ rơi phải "lối cũ đường mòn". Bởi vậy, các thông tin từ cơ quan truyền thông ngay trong thời điểm Quốc hội họp được các đại biểu đặc biệt quan tâm.

Nhiều ý kiến phát biểu tại hội trường, thông số đưa ra được cập nhật từ đài, báo ngày trước đó, thậm chí ngay trong ngày như giá dầu thô, giá vàng, giá nguyên liệu, lương thực, thực phẩm. Từ những dẫn chứng ngay tại địa phương đến tầm khái quát vĩ mô, những thông tin nóng đã tăng tính thuyết phục, thu hút trong các ý kiến phát biểu. Nó dần bứt ra một lối mòn mà nếu cứ chiểu theo báo cáo thì ý kiến sau khó thoát khỏi ý kiến đã phát biểu trước đó. Chính sự sinh động trong cách phản biện này khiến Quốc hội dành tới 3 ngày thảo luận nhưng mỗi ý kiến đều có sức thuyết phục riêng.

3. Thông tin về tăng lương tối thiểu đối với người lao động chính thức được đề cập trong báo cáo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trước Quốc hội ngày khai mạc kỳ họp. Thông tin này khá ngắn gọn, thông báo nâng mức lương tối thiểu từ 450.000 đồng lên 540.000 đồng kể từ 1/1/2008. Tin như luồng gió mới, lập tức tạo sự chú ý lớn không chỉ với người hưởng lương.

Với người hưởng lương, đó là tín hiệu mừng, đời sống sẽ cải thiện ít nhiều. Nhưng với đại biểu Quốc hội, sự kiện đó cũng mang tính hai mặt: tăng lương, cải thiện đời sống nhưng giải quyết lạm phát do lương tăng ra sao? Mức lương tăng 20% đã đủ để cải thiện đời sống người hưởng lương? Tại sao không phải 30, 40% hoặc hơn mà chỉ 20%? Trong cơn sốt giá, Chính phủ phải áp dụng những biện pháp hữu hiệu nào?

Theo lô gích đó, những thông số, dữ liệu mới nhất mà các phương tiện truyền thông cập nhật được đại biểu Quốc hội chú ý, thu thập và thể hiện sinh động trong các ý kiến phản biện tại tổ cũng như tại hội trường.

Ngay cả cách đặt vấn đề, đại biểu cũng có những phương thức truyền đạt gần với cử tri hơn: Nói hôm qua cầm chừng ấy tiền mua được năm lạng thịt lợn, hôm nay chỉ mua được có ba lạng, cử tri hiểu là giá đã tăng mấy phần, mấy nghìn chứ cử tri không dễ để hiểu chỉ số tăng giá tiêu dùng mấy phần trăm là sao (ý của đại biểu Nguyễn Bá Thanh - Đà Nẵng).

4. Hiểu rõ những vấn đề cử tri và đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm, ngoài trình bày tại kỳ họp, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn trả lời rõ thêm trước báo chí, kể cả những ý còn khá gai góc.

Hơn một tuần sau ngày khai mạc, nhất là các phiên thảo luận nóng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cởi mở dành cho báo chí cuộc trả lời phỏng vấn nóng ngay trong giờ giải lao. Tiền lương và sốt giá, hai mặt của cặp biện chứng đặt trong tổng thể điều hành kinh tế vĩ mô được Thủ tướng phân tích kỹ, kể cả những ý đại biểu Quốc hội đã phản biện, hoặc tính phản biện trong câu hỏi của phóng viên thì Thủ tướng đều giải thích thẳng thắn.

"Băn khoăn đó là đúng, chúng ta mong muốn tăng trưởng cao và lạm phát thấp hơn, nhưng như báo cáo Chính phủ đã nói, Việt Nam đang vận hành nền kinh tế thị trường, giá cả phải theo giá thị trường. Giá cả phụ thuộc rất nhiều yếu tố, giá nguyên liệu, vật tư, rồi tỷ giá các đồng ngoại tệ trên thế giới. Giá cả còn phụ thuộc vào năng suất lao động, chi phí sản xuất nữa, hay nói cách khác là phụ thuộc vào trình độ nền kinh tế. Trong những nguyên nhân chủ quan, Chính phủ cũng trình bày là có những cái ta chưa lường hết để điều hành" - Thủ tướng phân tích.

Tương tự, các Bộ trưởng điều hành những lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến chính sách kế hoạch, giá cả như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng... thẳng thắn nhìn nhận cả khách quan và chủ quan.

Không phải là những bài trả lời phỏng vấn "nguội" bằng câu hỏi định sẵn, các thành viên Chính phủ đi thẳng vào vấn đề bằng những câu hỏi nóng, trả lời nóng ngay bên hành lang kỳ họp trước hàng chục ống kính, máy ghi âm báo chí. Hình thức trả lời phỏng vấn trực tiếp như thế đương nhiên sinh động, thuyết phục hơn rất nhiều.

Phản biện, đó là cách làm thiết yếu để đại biểu Quốc hội thực hiện 3 quyền năng của mình. Cơ quan hành pháp, tư pháp trong quan hệ khách thể của phản biện (chính sách điều hành kinh tế - xã hội) với chức trách cụ thể, thẳng thắn nhìn nhận ưu, khuyết và lĩnh hội kế sách phù hợp để điều chỉnh. Cùng với sự tham gia ngày càng tích cực của báo chí - một trong những cầu nối giữa Quốc hội và cử tri đã làm kỳ họp thêm sống động, sát thực.

Cuối tuần này, Quốc hội bắt đầu chất vấn thành viên Chính phủ

Theo chương trình kỳ họp, bắt đầu từ chiều thứ sáu (16/11), Quốc hội sẽ nghe báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri và trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Các phiên chất vấn, trả lời chất vấn được truyền hình trực tiếp trong gần 3 ngày làm việc.

Hiện chưa có thông tin chính thức những thành viên Chính phủ nào sẽ trả lời chất vấn nhưng theo ý kiến của nhiều đại biểu, các câu hỏi chất vấn chủ yếu về vấn đề tài chính, giá cả, tiền tệ, giao thông, y tế, giáo dục...

Theo Văn phòng Quốc hội, kỳ chất vấn, trả lời chất vấn này sẽ giảm đọc thuyết trình để dành thời gian hỏi và trả lời trực tiếp tại hội trường.

Đăng Trường
.
.
.