Từ Sỹ quan Fulro thành người có ích cho buôn làng

Thứ Ba, 26/04/2005, 08:18
Từng là tỉnh trưởng Fulro nhưng hai ông đều hàng ngũ phỉ để trở về với Cách mạng, trở về với nhân dân. Hiện nay, họ đã trở thành giáo viên, nông dân sản xuất giỏi và luôn biết ơn Cách mạng.

Ông Rơ ông Ha Tông hiện là giáo viên dạy tiếng Anh Trường PTTH Đạ Tông (xã Đạ Tông, huyện Lạc Dương - Lâm Đồng). Ông Ha Tông từng được bọn Fulro phong "chức" Thiếu tá, Tỉnh trưởng tỉnh Lang Bian, hoạt động cho cái gọi là cơ quan cứu trợ Hoa Kỳ. Thời gian đó, ông Ha Tông học ngoại ngữ của người Mỹ và có vốn tiếng Anh rất khá.

Năm 1981, với chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, ông Ha Tông giác ngộ trở về làm ăn. Vợ chồng ông Ha Tông có 5 người con. Trong đó, Tho Mi (13 tuổi) - cậu con trai nuôi được ông bà dành nhiều tình thương yêu nhất. Tho Mi vốn là con của một phụ nữ ở cùng thôn Mê Ka với gia đình ông Ha Tông. Khi sinh con ra, mẹ Tho Mi kiệt sức và chết.

Theo hủ tục, mẹ chết phải chôn con theo, nếu không đứa trẻ sẽ là điềm xấu báo hại buôn làng. Ông Ha Tông đã quyết định cùng vợ đem đứa trẻ về nuôi. Việc làm của ông lúc đầu bị bà con trong buôn phản đối kịch liệt, sau, nghe ông giải thích, tuyên truyền, mọi người hiểu ra, từ đó hủ tục này cũng được xoá bỏ.

Vợ chồng ông Ha Tông còn có công trong việc xoá bỏ các hủ tục còn tồn tại làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển văn hoá cộng đồng. Hiện gia đình ông là một trong những hộ có đời sống kinh tế khá ổn định, nhiều năm được công nhận là gia đình văn hóa.

Năm nay 66 tuổi, người dân tộc Chu Ru, hiện ở buôn Tà Nhiên, xã Tà Năng, huyện Đức Trọng - Lâm Đồng. Trước năm 1975, ông Tou Nét Đen cũng được phong chức Thiếu tá, Tỉnh trưởng tỉnh Phan Rang. Ông Tou Nét Đen đã đưa cả vợ con cùng vào rừng ở.

Nhưng chỉ được ít ngày, cách mạng về, bọn lính ngụy hoặc ra hàng hoặc bị chết trong rừng vì đói. Những kẻ chỉ huy bỏ mặc gia đình ông. Ông cùng vợ con cứ ở mãi trong rừng, sống rất khổ sở, chui rúc trong một hốc núi. Cho đến một ngày đầu năm 1987, ông Tou Nét Đen mò mẫm ra khỏi rừng sâu và nhìn thấy những tờ giấy dán trên các thân cây trong rừng của chính quyền cách mạng, kêu gọi những người lầm đường lạc lối trở về làm ăn với chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, ông Tou Nét Đen vui quá, đưa cả gia đình xuống núi.

Những ngày mới về, ông Tou Nét Đen chỉ trồng những loại cây lương thực ngắn ngày, như bắp, khoai… để vợ con ông vì đã quen với kiểu sinh hoạt trong rừng tiện hái ăn. Dần dà, ông theo mọi người trồng cà phê, lúa… Kinh tế gia đình ông đến nay được xem là hộ khá.

Ông Tou Nét Đen đã cùng 72 hộ dân tộc trong buôn phát triển sản xuất, xây dựng buôn làng. Được cán bộ Công an huyện và chính quyền địa phương thường xuyên thăm hỏi, quan tâm, giúp đỡ, già Tou Nét Đen xem cán bộ Công an như những người anh em thân thiết của mình.

Ông Tou Nét Đen cũng mới xây xong căn nhà khang trang. Ông bảo: Được sống yên bình, no ấm như ngày hôm nay, gia đình tôi ơn Đảng, ơn Nhà nước, chính quyền địa phương đã quan tâm giúp đỡ

Gia Nguyễn
.
.
.