Từ 2 vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng tìm ra mẫu số chung

Thứ Sáu, 03/06/2011, 14:30
Nhìn nhận lại vụ đắm tàu Trường Hải và vụ Dìn Ký có thể thấy, cả 2 vụ tuy có khác nhau về hoàn cảnh xảy ra nhưng cùng giống nhau về hậu quả và những nguyên nhân dẫn đến tai họa. Nguyên nhân của những sự cố đau lòng này đều xuất phát từ một mẫu số chung bi thảm đó là sự vô trách nhiệm và vô cảm của chính những người được giao trọng trách quản lý, điều hành các phương tiện...

Mẫu số chung là sự vô trách nhiệm

Mặc dù chưa có kết luận chính thức của cơ quan điều tra nhưng với những diễn biến thực tế cho thấy, nguyên nhân chìm tàu Dìn Ký, chủ yếu thuộc về Ban quản lý khu du lịch xanh Dìn Ký, đơn vị quản lý con tàu, và việc thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng ở địa phương. Tàu Dìn Ký đã hoạt động trong tình trạng mất an toàn do thiết kế, cải hoán không có khả năng đứng vững khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi, "Thuyền trưởng" là nhân viên phục vụ trên tàu, không qua đào tạo về lái tàu, không có bằng lái nhưng vẫn được phân công làm nhiệm vụ lái tàu...

Cũng với những nguyên nhân chủ quan dẫn đến chìm tàu, chết người như tàu Dìn Ký, sự cố đắm tàu Trường Hải 06 trên vịnh Hạ Long ngày 17/2/2011, đã được cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh kết luận là do máy trưởng không đóng các van ở ống thông sông lấy nước 2 bên mạn tàu nên khi đầu nối đường ống kim loại ra bơm chung bị bung, dẫn đến nước chảy vào khoang buồng máy, gây nghiêng lật tàu. Trong khi đó, thuyền trưởng và các thuyền viên đã bỏ trực đêm, khi nước tràn vào gần đắm tàu mới phát hiện và không kịp xử lý.

Trách nhiệm kiểm tra, dự báo của cơ quan quản lý

Tại Quảng Ninh, sau sự cố chìm tàu Trường Hải, UBND tỉnh đã tiến hành tổng kiểm tra đối với tất cả các phương tiện tham gia vận chuyển khách du lịch, thanh loại những tàu không đủ tiêu chuẩn; đồng thời, ban hành Quyết định số 716/2011/QĐ-UBND, về việc quản lý hoạt động tàu vận chuyển khách tham quan du lịch và tàu lưu trú khách du lịch trên Vịnh Hạ Long.

Vụ tàu Trường Hải 06 bị chìm ngày 17/2 đã làm 12 người thiệt mạng.

Tuy nhiên chưa đầy 3 tháng sau vụ đắm tàu Trường Hải, ngày 8/5/2011, tàu QN 2070 của Công ty TNHH Hải Long cũng lại bị đắm tại khu vực trước cửa hang Bồ Nâu và hang Sửng Sốt, trong khi đang chở 28 khách du lịch là người Pháp đi tham quan vịnh Hạ Long; rất may toàn bộ hành khách và các thuyền viên trên tàu đã được cứu thoát trước khi tàu bị chìm.

Kiểm tra của các ngành chức năng tại đây cũng cho thấy, tại các điểm đón khách tham quan, điểm dịch vụ, điểm đỗ tàu lưu trú hiện còn nhiều bất cập, chưa có bộ máy quản lý tại bến, chưa triển khai được công tác cảng vụ; các tàu du lịch thường tự cập đưa đón khách lên bờ tham quan.

Tại khu vực Thiên Cung, Đầu Gỗ, Pông Tông cầu bến tạm không đảm bảo an toàn, chưa được liên kết khớp mềm với các cột đỡ nhằm giảm lắc do thủy triều gây ra. Khu vực bến Thiên Cung, Đầu Gỗ đã bị lún sụt, biến dạng, nghiêng, nứt gãy, vùng nước bị bồi lắng gây khan cạn không đảm bảo an toàn cho hoạt động của tàu; hiện tại bến cũng chưa có giấy phép hoạt động. Khu Đảo Ti Tốp, có 2 cầu bến dạng Pông Tông nổi kết hợp cầu dẫn để cho khách du lịch lên xuống nhưng cả 2 Pông Tông và cầu dẫn đều đã bị hỏng, gãy. Các điểm neo đậu cho tàu lưu trú nghỉ đêm, hầu hết các thiết bị phao giới hạn vùng nước, phao neo đậu tàu, bảng tên điểm, hệ thống biển báo, nội quy đều đã bị hư hỏng, biến dạng.

Công tác quản lý điều hành trực tiếp tại các điểm này đều chưa có sự kiểm tra, kiểm soát, sắp xếp, điều hành vị trí đỗ do không được triển khai công tác cảng vụ tại điểm, vì vậy, các tàu lưu trú nghỉ đêm phần lớn tự thả neo khi đỗ lưu trú; trong những ngày cao điểm số tàu lưu trú thường vượt quá số lượng cho phép .

Như vậy, dù đã có những bài học đau lòng từ các sự cố đáng tiếc xảy ra và cũng đã có đầy đủ các văn bản quy định về công tác quản lý song việc đảm bảo TTATGT đường thủy vẫn đang còn nhiều điều phải quan tâm, lo lắng. Giải quyết triệt để vấn đề này trước hết thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy trình quy phạm an toàn đối với các chủ phương tiện, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch.

Bên cạnh đó, cũng cần xem xét bổ sung thêm những quy định chặt chẽ hơn về điều kiện cấp bằng lái, tiêu chuẩn hành nghề đối với thuyền trưởng, máy trưởng hoạt động trong lĩnh vực giao thông đường thuỷ nội địa...

Vũ Ninh

.
.
.