Trưởng THA tỉnh can thiệp...thi hành án bằng "lệnh miệng"

Thứ Bảy, 16/06/2007, 10:27
Một bản án đã có hiệu lực pháp luật từ năm 2004, nhưng một số cán bộ cơ quan thi hành án cố tình đổ lỗi do bị áp lực từ cấp trên mà không chịu thi hành dứt điểm. Trong các chiêu "trì hoãn" có cả việc mạo danh "lệnh miệng" của Chủ tịch UBND tỉnh để "tạm dừng" chờ họp liên ngành...

Theo Thông báo số 90/TB-THA của Thi hành án (THA) dân sự huyện Giồng Trôm (Bến Tre) thì vào lúc 14h ngày 12/6 sẽ tiến hành cưỡng chế đối với ông bà Châu Thị Yến và Châu Văn Nhiên, ngụ tại ấp 3, xã Hòa Bình, để giao trả 3.000m2 đất cho bà Nguyễn Thị Mãng, người cùng địa phương.

Tuy nhiên, vào ngày 11/6, ông Trần Thanh Bình, Trưởng THA dân sự huyện Giồng Trôm bất ngờ ra Thông báo số 91/TB-THA hoãn việc cưỡng chế với lý do "chờ sự chỉ đạo mới của cấp trên".

Theo ông Bình, sở dĩ phải tạm hoãn cưỡng chế vào giờ chót là do sự can thiệp của Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Tấn Khổng.

Ông Bình còn nói rõ, việc này do ông Tám Liêm (Võ Thành Liêm), nguyên Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm chạy tới chỗ Chủ tịch tỉnh xin can thiệp để hoãn cưỡng chế vào giờ chót.

Nể tình, ông Chủ tịch tỉnh gọi điện cho Trưởng phòng THA dân sự tỉnh là ông Phạm Hoài Thuận và ông yêu cầu tạm hoãn cưỡng chế chờ chỉ đạo.

Ông Bình còn cho biết rất khổ sở về việc này, vì quan điểm của huyện là quyết tâm thi hành dứt điểm một bản án đã có hiệu luật pháp luật.

Vào lúc 19h ngày 11/6, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Chủ tịch Bến Tre khẳng định không hề có chuyện đó. Vả lại, đây là lĩnh vực tư pháp nên cơ quan hành chính không thể can thiệp.

Ngay sau khi ra thông báo hoãn cưỡng chế, ông Bình cho gia đình bà Mãng biết là ông sẽ lên THA tỉnh Bến Tre họp để đưa ra biện pháp thi hành án có hiệu quả nhất. Đồng thời căn dặn gia đình bà Mãng "đừng cho báo chí biết việc này"(?!).

Ngày 12/6, chúng tôi có mặt tại THA tỉnh Bến Tre, xin gặp ông Thuận để hỏi rõ lý do hoãn cưỡng chế, những người ở đây cho biết ông bận họp với lãnh đạo tỉnh và xác nhận không có việc họp bàn biện pháp giải quyết vụ cưỡng chế ở Giồng Trôm.

Nhiều cán bộ, chấp hành viên THA tỉnh Bến Tre đã khẳng định không hề nghe nói đến việc ông Thuận chỉ đạo tạm hoãn cưỡng chế vào giớ chót như ông Bình đã biện dẫn với chúng tôi.

Sau khi xem qua thông báo tạm hoãn cưỡng chế của THA huyện Giồng Trôm, một chấp hành viên cho rằng thông báo này có điều gì đó không rõ ràng. Nếu bảo thực hiện theo sự chỉ đạo của THA tỉnh thì phải nói rõ lý do trong thông báo này, chớ không thể nói chung chung như vậy.

Lạ hơn, trong buổi sáng 12/6, ông Châu Văn Nhiên đến THA tỉnh Bến Tre xin tạm hoãn cưỡng chế và bị từ chối vì đây là án của huyện do THA huyện Giồng Trôm quyết định.

Sau một ngày lẩn tránh, sáng 13/6, ông Thuận chủ động gọi điện đến chúng tôi thừa nhận chính ông đã chỉ đạo (miệng) ông Bình hoãn việc cưỡng chế, với lý do chờ tăng viện lực lượng từ cấp tỉnh.

Vì "cách đây một năm, THA Giồng Trôm đã một lần cưỡng chế không thành do bên phải thi hành án thuê mướn hàng trăm người để ngăn cản và chống lại lực lượng thi hành công vụ".

Vẫn theo ông Thuận, việc cưỡng chế ông bà Châu Thị Yến và Châu Văn Nhiên sẽ được tiến hành ngay trong tuần tới. Ông còn bảo sau khi gọi điện cho chúng tôi cơ quan THA sẽ họp với khối nội chính tỉnh để thống nhất ngày thực hiện và báo lại chúng tôi ngày giờ cụ thể để cùng theo dõi.

Vậy mà vào đầu giờ chiều 13/6, ông Thuận gọi đến bảo chờ xin ý kiến khối nội chính nên không thể nói rõ ngày giờ cưỡng chế được. Rõ ràng, bản thân ông Thuận cũng có biểu hiện bất nhất trong việc này.

Ngay cả việc chỉ đạo miệng cho cấp dưới tạm hoãn cưỡng chế thi hành án vào giờ chót cũng không đúng luật.

Theo chúng tôi, việc ông Thuận đưa ra lý do sợ cấp dưới tổ chức thực hiện không thành là không không chính đáng, nếu không nói chính ông đã can thiệp vào công việc của cấp dưới một cách không bình thường

Nhã Phong
.
.
.