Trường Sa ơi! Chúng tôi đã về đây...

Thứ Sáu, 20/02/2015, 16:30
Đó là nhan đề bài hát do các đại biểu Việt kiều ở Mỹ, Đức, Thái Lan và Lào đồng sáng tác và biểu diễn trên boong tàu HQ 571 khi tàu thả neo ở khu vực đảo Song Tử Tây, trong chuyến thăm quần đảo Trường Sa, tháng Tư năm 2014.

Vào mùa biển lặng hằng năm, Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức những đoàn công tác ra thăm động viên, tặng quà cán bộ chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa. Cuối tháng 4 năm 2014, tôi may mắn được có mặt trong đoàn công tác đặc biệt gồm các đại biểu Việt kiều, do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức ra thăm, động viên quân và dân quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Đoàn gồm 50 thành viên đến từ 17 quốc gia trên thế giới, do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài làm Trưởng đoàn. Tham gia đoàn có đại biểu Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và một số một số ban, ngành.

Trong suốt hải trình hơn 1.000 hải lý diễn ra trong 10 ngày, đoàn đã được đi thăm các đảo nổi Song Tử Tây, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn và các đảo chìm Đá Nam, Đá Thị, Đá Tây A, Đá Tây C, Len Đao, Đá Lát và 2 nhà giàn DK1-17 và DK1-18.

Đoàn đại biểu Việt Kiều thăm Đảo Trường Sa Lớn.

Đầu tiên là háo hức, tò mò rồi chuyển sang ngạc nhiên, khâm phục, đó là cảm nhận chung của các đại biểu Việt kiều; hầu hết đều lần đầu được đến với Trường Sa. Trong số họ, có Việt kiều Davis Nguyễn định cư tại Mỹ, ông tự nhận mình là một người chống Cộng cực đoan. Đứng trên boong khi tàu thả neo tại khu vực đảo Song Tử Tây, ông mới thật sự tin rằng mình đang có mặt tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đến lúc ra sân bay ở Mỹ, ông vẫn còn ngờ vực việc mình được về Việt Nam và đặt chân lên những đảo nổi, đảo chìm tại Trường Sa. Bởi  ở Mỹ có nhiều người Việt, kể cả người thân của ông, vẫn bán tín bán nghi làm gì còn có Trường Sa mà về thăm, vì Trường Sa đã bị nước ngoài chiếm giữ hết rồi. Ông nói: "Tôi không thể tin rằng mình được đứng hát trên biển Đông, nơi mà nhiều đồng hương tại hải ngoại đều nói với tôi rằng: Biển Đông của chúng ta không có an lành đâu anh Đức ạ! Anh về đó không đi trên chiếc tàu nào đâu, vì tất cả đều là giả thôi. Nhưng tôi đứng nơi đây để được trình diễn với tất cả các quý vị, đó là niềm hãnh diện, niềm hạnh phúc nhất của anh em chúng tôi. Chỉ trong một ngày thôi, chúng tôi tự sáng tác một bài hát để gửi thông điệp tới hơn 4 triệu người Việt hải ngoại, một thông điệp về Trường Sa, bài hát "Trường Sa ơi! Chúng tôi đã về đây".

Trong đoàn Việt kiều thăm quần đảo Trường Sa có một số người từng ở bên kia chiến tuyến, như ông Nguyễn Ngọc Lập, từng là Thiếu úy Thủy quân lục chiến Quân đội Việt Nam Cộng hòa, người đã trải qua hơn 10 năm trong trại cải tạo. Thế nhưng, khi ra thăm Trường Sa, tham gia buổi lễ chào cờ  tại đảo Song Tử Tây dưới chân cột mốc chủ quyền Tổ quốc,  ông đã xúc động bày tỏ: Từng là lính hải quân nên ông rất kính trọng và khâm phục sự hy sinh anh dũng của các cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam để giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc... Sau chuyến đi này, tôi sẽ không viết là TP Sài Gòn nữa, mà sẽ viết là TP Hồ Chí Minh, vì lâu nay tôi phản kháng theo chính sách bất bạo động, tôi không nhìn nhận TP Sài Gòn là TP Hồ Chí Minh. Ngày hôm nay tôi bày tỏ sự kính trọng Quân  đội nhân dân Việt Nam duới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi xin được đứng về phía nhân dân".

Bà Phạm Tuệ Châu, Việt kiều Mỹ, hiện phụ trách Đài Tiếng nói Quê hương ở hải ngoại, đã vừa khóc vừa nói rằng, những việc làm của bà cũng như những phần quà bà mang theo tặng cán bộ, chiến sĩ Hải quân cũng chỉ như những hạt cát mà thôi. Sau khi về Mỹ, bà sẽ kêu gọi hơn 4 triệu bà con ở hải ngoại hãy hướng về Tổ quốc và có những việc làm thiết thực vì Trường Sa thân yêu, hãy tin rằng một phần máu thịt của Tổ quốc đang hiển hiện giữa biển trời đầy phong ba bão tố vẫn ngày đêm được bảo vệ với tinh thần cảnh giác cao độ của các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam.

Tác giả (thứ ba từ trái sang) với các chiến sỹ hải quân.

Nằm trong trong hải trình của chuyến đi, lúc 5h chiều 22/4/2014, tàu thả neo tại vị trí cách đảo Gạc Ma chừng 7 dặm để làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa, trong một trận chiến đấu không cân sức với quân xâm lược ngày 14/3/1988. Trên boong tàu, mọi người rưng rưng nước mắt khi nghe lời cáo bạch của

Trưởng đoàn công tác Nguyễn Thanh Sơn trước vong linh các anh hùng liệt sĩ: "Chúng tôi rất gần các anh, chỉ 7 dặm thôi mà không đến được vì Gạc Ma đã bị nước ngoài chiếm đóng trái phép. Các anh đã hy sinh, gửi thân xác nơi lòng biển lạnh lẽo, nhưng các anh trở thành những phúc thần trấn an nơi biển đảo quê nhà, độ trì cho quân và dân chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo". Mọi người đã dành một phút mặc niệm, các đại biểu tôn giáo làm lễ cầu siêu, sau đó tất cả thắp nhang và thả hoa đăng xuống biển để vong linh các anh hùng liệt sĩ được siêu thoát .

Tham gia lễ tưởng niệm còn có một nhân chứng sống trong trận chiến đấu không cân sức và bi tráng ấy là Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang Vũ Huy Lễ, nguyên thuyền trưởng tàu HQ 505, ông là người đã dũng cảm lao tàu lên đảo chìm Cô Lin để làm cột mốc sống, khẳng định chủ quyền của đảo trong sự kiện 14/3/1988...

Ngày 24/4/2014, tàu cập cầu tàu của đảo Trường Sa, hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa. Các thành viên trong đoàn đã dâng hương tưởng niệm trước Đài liệt sĩ, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thắp hương cho những  chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ tại đảo. Lúc 5h chiều 25/4/2014, sau khi thăm 2 nhà giàn, tàu thả neo làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trên thềm lục địa phía Nam, mỗi người một nén nhang, một bông cúc vàng thành kính tưởng nhớ những chiến sĩ trên các nhà giàn đã hy sinh thân mình để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và phục vụ công cuộc phát triển kinh tế của đất nước.

Trong chuyến thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, các đại biểu Việt kiều trên khắp thế giới đã mang đến cho quân và dân trên đảo những tình cảm thân thiết. Họ đại diện hơn 4 triệu người Việt Nam ở xa Tổ quốc, không phân biệt xuất thân, thành phần, chính kiến, đều luôn hướng về Tổ quốc, về biển đảo quê hương. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đã trao  tượng trưng số tiền hơn 800 triệu đồng cho đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân; đây là số tiền do bà con Việt kiều đóng góp để xây nhà bia tưởng niệm trên đảo Song Tử Tây...

Trong suốt hải trình thăm, động viên quân và dân Trường Sa và Nhà giàn DK1, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đã nhiều lần nhấn mạnh, cùng với những chuyến tổ chức cho bà con Việt kiều thăm Trường Sa trong 2 năm 2012-2013, đây là chuyến đi đại đoàn kết dân tộc để góp phần vào tiến trình hòa giải, hòa hợp dân tộc ngày một đến gần hơn.

Xin được mượn lời của Việt kiều Ukraina Nguyễn Sĩ Tiên trong chuyến đi thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 để kết thúc bài viết: "Chuyến đi này là chuyến đi có ý nghĩa và đẹp nhất trong cuộc đời tôi".

Đoàn Xuân Tuyến
.
.
.