Trung thu ở giáo xứ Mỹ Yên, Nghệ An

Thứ Sáu, 20/09/2013, 07:47
Men theo con đường làng còn thơm nồng mùi rạ vụ mùa, chúng tôi về xứ đạo Mỹ Yên, xã Nghi Phương, Nghi Lộc, Nghệ An. Vụ mùa vừa qua, bà con nông dân nơi đây thắng lớn nên ai cũng vui mừng. Chúng tôi về Nghi Phương, đúng lúc chính quyền và người dân nơi đây đang tổ chức Tết Trung thu cho các cháu. Nhiều năm qua, với sự nỗ lực của chính quyền và bà con trên địa bàn đã đưa Nghi Phương ngày một giàu đẹp, con cái đều được đến trường. Gác lại những chuyện buồn vừa qua khi một số bà con giáo dân bị xúi giục đã gây xáo trộn xóm làng, nay Nghi Phương đón Trung thu ấm áp, yên bình...

Tết yêu thương gắn kết tình thân

18h chiều Tết Trung thu 2013, sân Trường Tiểu học Nghi Phương đã có hàng trăm con em Nghi Phương về vui Tết Trung thu do Huyện đoàn Nghi Lộc và UBND xã tổ chức. Những tiết mục hát, múa về ngày Tết Trung thu, về Bác Hồ được các cháu luyện tập trước cả tuần lễ để chuẩn bị cho đêm hội trăng rằm.

Nhiều phụ huynh ở địa phương cho biết, Tết Trung thu được tổ chức lớn ở Nghi Phương cho các cháu thiếu nhi làm người lớn cũng vui lây. Vì vậy, cả ngày 15/8 âm lịch, vợ chồng chị Nguyễn Thị Loan ở Nghi Phương đã gác tất cả công việc đồng áng để làm đèn ông sao, mua sắm quần áo cho con gái đi chơi Tết Trung thu.

Chị Loan tâm sự "Trước đây hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên ngày Tết, ngày lễ cũng ít được chú ý, nay kinh tế khá hơn, không còn phải lo cơm áo hằng ngày nên bà con ai cũng chú ý hơn đến đời sống tinh thần. Không riêng gì Tết Trung thu, kể cả sinh hoạt, ăn uống hằng ngày của người dân ở Nghi Phương cũng đã sướng hơn nhiều so với trước đây. Mươi năm về trước, tối tối cả làng tập trung ở vài ba nhà để xem nhờ tivi, nay nhà nào cũng sắm được tivi, xe máy và các đồ dùng đắt tiền khác...".

Trẻ em ở Nghi Phương rộn ràng cho ngày vui Tết Trung thu ở trường học.

Lễ hội trăng rằm ở Nghi Phương trở thành ngày hội không chỉ với thiếu nhi mà còn đối với người dân nơi đây. Sau màn múa lân và biểu diễn trống hội nghệ thuật ấn tượng của Huyện đoàn và các cháu thiếu nhi, ánh trăng rằm ở Nghi Phương như lung linh hơn, huyền ảo và ân tình hơn khi UBND huyện Nghi Lộc đã trao tặng hàng chục suất quà (mỗi suất 200 ngàn đồng) cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh đang khó khăn của địa phương.

Cũng trong đêm hội trăng rằm, UBND tỉnh Nghệ An đã trao 20 suất học bổng (mỗi suất 500 nghìn đồng) các em học sinh nghèo vượt khó, học giỏi ở xã Nghi Phương. Những món quà đầy ý nghĩa của chính quyền địa phương như thắp ấm hơn tấm lòng với người dân.

Nhận món quà đầy ý nghĩa trong đêm hội trăng rằm, cháu Trần Thị Vy, học sinh lớp 5B vui mừng nói: "Cháu cố gắng học giỏi để cha mẹ và thầy cô giáo vui". Cháu Vy là con gia đình giáo dân, cha đi làm ăn xa, một mình mẹ Vy ở nhà tần tảo nuôi 3 chị em ăn học.

Ông Nguyễn Đình Thư, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Phương cho biết: Mặc dù đầu tháng có xảy ra một số việc bất ổn trên địa bàn, ảnh hưởng phần nào đến đời sống, sinh hoạt của của bà con, nhưng Thường trực UBND xã đã họp và chỉ đạo các thôn, xóm tổ chức vui Tết Trung thu cho các cháu thiếu nhi chu đáo, tạo không khí vui tươi, sôi nổi cho bà con, tất cả đồng lòng xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.

Đẩy mạnh phong trào đoàn kết toàn dân

Sau sự việc một số bà con giáo dân ở Nghi Phương bị kẻ xấu lợi dụng kích động vi phạm pháp luật và gây căng thẳng ở địa phương, nhiều người dân đã thức tỉnh việc làm sai trái của mình. Có giáo dân nói rằng, chính mình đã tự phá hoại cuộc sống yên bình của gia đình mình. Bởi ngay sau khi anh ta đi ném đá vào Công an và chính quyền địa phương bị quay phát trên Đài Truyền hình địa phương, anh ta cảm thấy mặc cảm vì con cái cứ len lén nhìn, mình dạy con phải sống đúng, sống tốt nhưng mình lại đi làm sai...

Những năm qua, nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của chính quyền địa phương về phương hướng phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, nên đời sống của người dân Nghi Phương có nhiều đổi mới. Năng suất, sản lượng lúa năm sau cao hơn năm trước, bà con Nghi Phương vừa trúng mùa gặt bội thu nên nhà nhà mua sắm quần áo, sách vở cho con vào năm học mới với khí thế sôi nổi.

Vụ mùa bội thu ở Nghi Phương làm cho bà con nông dân ai cũng phấn chấn, vui vẻ.

Ông Nguyễn Văn Hợi, xóm trưởng xóm 7 xã Nghi Phương vui vẻ cho biết: “Hiếm có năm nào vụ hè thu ở Nghi Phương được mùa như năm nay. Bà con nông dân chúng tôi vui lắm. Cũng nhờ sự lãnh đạo của chính quyền chỉ đạo đúng mùa vụ, cung cấp đầy đủ nguồn nước, bà con nông dân chăm sóc chu đáo nên mới được mùa. Hiện bà con nông dân đang chuẩn bị giống má cho vụ mùa tiếp theo". Được biết, vụ hè thu vừa qua xã Nghi Phương gieo cấy 461ha, bình quân đạt 44 tạ/ha. Sau vụ hè thu, UBND xã đã quyết định thưởng cho 8 xóm sản xuất hè thu đạt 100% diện tích.

Trong năm qua, chính quyền xã Nghi Phương đã có nhiều chính sách phục vụ tốt cho người dân như, cho vay  phân bón, hỗ trợ 100% lãi suất mua máy dập, máy tuốt lúa, tạo điều kiện cho người dân vay vốn để làm nhà kiên cố, sản xuất và cho con em ăn học. Chính nhờ vậy, đến nay cuộc sống của bà con Nghi Phương (trong đó 53% dân số theo đạo công giáo với 914 hộ, 4.181 khẩu) đã phát triển về mọi mặt. Đặc biệt, những năm qua bà con nơi đây rất chú ý đến việc học tập của con em, nhờ vậy tỷ lệ con em ở Nghi Phương thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng năm sau đều cao hơn năm trước.

Chủ tịch UBND xã Nghi Phương, ông Nguyễn Trọng Tạo cho biết; tỷ lệ phổ cập tiểu học của xã đạt 100%, THCS đạt 98%, phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển mạnh mẽ ở các thôn xóm. Xã đã tổ chức trao phần thưởng cho các học sinh nghèo vượt khó học giỏi, trao quà các giáo viên dạy giỏi và học sinh giỏi các cấp. Tổng kết năm học 2012-2013, Nghi Phương có 6 học sinh giỏi cấp tỉnh, 40 học sinh giỏi cấp huyện, 90 học sinh giỏi toàn diện, học sinh tiên tiến đạt tỷ lệ gần 40%, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT và THCS đạt hơn 96,7%. Năm 2013, Nghi Phương có 30 em thi đỗ các trường đại học, cao đẳng chính quy.

Ông Thái Văn Hằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định: "Thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước, Nghệ An đã triển khai nhiều chương trình, dự án trên địa bàn vùng Công giáo, nhất là đầu tư hạ tầng cơ sở, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, hỗ trợ vốn, đào tạo nghề cho giáo dân… Nhờ đó, đến nay trong vùng giáo dân Nghệ An đã có hơn 25 làng nghề, hơn 33 làng có nghề và hàng trăm hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân hoạt động có hiệu quả, tạo điều kiện cho hàng chục ngàn hộ giáo dân thoát nghèo"

Sông Lam - L. Hồng
.
.
.