Trông xe trái phép vẫn tồn tại, cấp phường thờ ơ!

Thứ Sáu, 21/09/2012, 10:07
Sau 7 tháng Hà Nội triển khai Văn bản số 796/UBND-GT về việc cấm trông giữ phương tiện tại 262 tuyến phố, đến thời điểm này, nhiều nơi lệnh cấm dường như đã mất tác dụng. Nhiều điểm trông giữ xe trái phép thu giá cao gấp 5 lần vẫn hoạt động, gây bức xúc trong dư luận. Cơ quan chức năng thì cho biết đã "xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành giải tỏa, xử lý...".

Bãi trông giữ xe trước cổng Phòng Công chứng số 1 trên đường Bà Triệu trước đây vốn được coi là “điểm nóng” về tình trạng trông giữ xe lộn xộn, thu giá quá quy định. Khi thành phố triển khai Văn bản số 796/UBND-GT thì điểm trông giữ này đã bị thu hồi giấy phép, vỉa hè được trả lại cho người đi bộ. Khi mới thực hiện quy định thì vỉa hè trước Phòng Công chứng số 1 đã phong quang, sạch đẹp khiến người dân rất hoan nghênh chủ trương này của thành phố. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, ở đây lại có một nhóm người đứng ra trông giữ xe.

Bãi trông xe trên phố Đinh Tiên Hoàng vẫn hoạt động. Ảnh chụp ngày 20/9.

Sáng 20/9, vừa cho xe đến trước cổng Phòng Công chứng số 1, hình ảnh chúng tôi ghi lại được lại là cảnh lộn xộn trông giữ xe đang diễn ra. Hai ba nhân viên tay cầm xấp vé, tay cầm phấn liến thoắng gọi chúng tôi: “Vào gửi xe đi chị ơi!”. “Để xe ở đây có an toàn không anh?”- chúng tôi hỏi. Một nhân viến nam trả lời chắc nịch: “Chị yên tâm. Ai vào đây mà chả phải gửi xe. Giá chỉ 5.000 đồng”. Không biển báo, không chăng dây như trước, nhưng hằng ngày điểm trông giữ xe này lại hoạt động ngang nhiên và thu tiền cao hơn mức quy định, gây bức xúc trong dư luận.

Trong số các bãi trông giữ xe đã bị các lực lượng chức năng “sờ gáy” nhiều lần phải kể đến bãi trông xe tại đầu phố Cầu Gỗ. Đây là bãi trông xe không phép, do các cá nhân tự lập nên để trông giữ xe cho khách có nhu cầu gửi xe để đi bộ tại các phố cổ Hà Nội với giá vé cũng “cắt cổ”: 10.000 đồng/xe. Theo Văn bản 796/UBND-GT, toàn bộ vỉa hè phố Cầu Gỗ cũng nằm trong danh sách cấm trông, giữ xe. Tuy nhiên, bãi này đã không chấp hành.

Sáng 20/9, chúng tôi lại chứng kiến bãi này hoạt động thật nhộn nhịp. Xe máy để chật ních trên vỉa hè, tràn xuống lòng đường. Hai nhân viên nam vừa dắt xe vừa nhanh tay thu tiền giá gấp 5 lần so với quy định.

Ngoài các bãi trông giữ xe tại phố Bà Triệu, Cầu Gỗ, một bãi trông giữ xe trên phố Đinh Tiên Hoàng cũng vẫn hoạt động ngang nhiên với hàng dãy dài xe máy, ôtô như chưa hề có quy định cấm.

Ngày 20/9, trao đổi với chúng tôi về việc kiểm tra, xử lý tại 262 tuyến phố cấm trông giữ phương tiện trong 7 tháng qua, ông Trần Đăng Hải, Phó Chánh thanh tra giao thông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng: Tại 262 tuyến phố cấm trông giữ phương tiện, Sở Giao thông vận tải và UBND các quận đã thu hồi hết giấy phép, riêng có một số điểm trông giữ xe do đặc thù như điểm trước cổng Bệnh viện K TW, UBND quận Hoàn Kiếm đã có văn bản gửi thành phố xin giữ giấy phép trông xe để người bệnh có chỗ gửi phương tiện và đã được thành phố chấp thuận. Còn lại các điểm trông giữ nằm trong 262 tuyến phố cấm đã bị thu hồi hết giấy phép, nếu đơn vị nào còn trông giữ xe là vi phạm.

Theo ông Hải thì lực lượng Thanh tra đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành giải tỏa, xử lý các trường hợp trông giữ xe sai phép, không phép. Từ tháng 2 đến nay vẫn tiếp tục duy trì. Qua kiểm tra không còn điểm nào đã thu hồi mà vẫn hoạt động. Những điểm tổ chức trông xe lớn trên các tuyến phố cấm không có, trật tự cơ bản vẫn duy trì được. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng trông xe lén lút, phát sinh mang tính chất đơn lẻ, không thường xuyên và Thanh tra Sở sẽ chỉ đạo các Đội Thanh tra địa bàn kiểm tra, xử lý ngay?!

Cơ quan có thẩm quyền thì trả lời như vậy, nhưng trên thực tế các vi phạm vẫn ngang nhiên diễn ra mà không xử lý được? Thiết nghĩ, lực lượng liên ngành của thành phố cùng phối hợp với chính quyền địa phương nhanh chóng kiểm tra, xử lý, lập lại trật tự đô thị cho Thủ đô

Hương Hằng
.
.
.