Trở về với Trung thu truyền thống

Thứ Bảy, 29/09/2012, 09:56
Giữa Thủ đô Hà Nội, dưới ánh đèn lung linh, những cô bé, cậu bé hào hứng với tiếng trống tùng dinh, đắm đuối với những ông địa phe phẩy quạt ưỡn ẹo xung quanh con sư tử sặc sỡ diễn trò. Cảnh đón Trung thu sớm ở một số nơi tại Thủ đô Hà Nội đã cho thấy tín hiệu vui về lễ hội Trung thu truyền thống, về sự tái hiện của trò chơi dân gian đang bị mai một.

Đêm Trung thu sớm giữa Thủ đô

Trung thu là ngày mà hàng triệu em nhỏ háo hức đón chờ, bởi ngoài được nhận quà, các em còn được tham gia, vui chơi nhiều hoạt động có ý nghĩa. Xã hội càng hiện đại thì việc tổ chức các lễ hội Trung thu truyền thống ngày càng ít đi. Thế nhưng, ngay tại Thủ đô, nhiều cụm dân cư vẫn giữ được nét văn hóa đặc sắc, đó là tổ chức những Lễ hội đêm rằm truyền thống để trẻ em được tham gia, được sống với không khí Trung thu xa xưa.

Đêm 25/9, hơn một nghìn em thiếu nhi của 14 phường quận Ba Đình được đón Tết Trung thu sớm. Năm nay quận tổ chức cho thiếu nhi vui Tết Trung thu bằng một Lễ hội đêm rằm đầy ý nghĩa. Ở đây không hề có các trò chơi hiện đại hay đồ chơi “ngoại” mà tất cả đều mang tính dân gian. Từ mâm ngũ quả, gánh hàng rong đến cốm làng Vòng… đều được trưng bày đặc sắc trên sân khấu. Các em thiếu nhi của 14 phường thi diễu hành rước đèn ông sao. Tái hiện Lễ hội Trung thu truyền thống, các em nữ thì mặc áo tứ thân, em nam thì áo the khăn đóng. Những ca khúc măng non về chủ đề Trung thu được các em biểu diễn sôi động. Chiếm chủ đạo trong chương trình là các tiết mục múa lân, múa sư tử khiến các em nhỏ tròn xoe mắt thích thú đứng xem, vỗ tay nồng nhiệt.

Lễ hội đêm rằm của quận Ba Đình tổ chức đêm 25/9 mang đậm nét truyền thống.

Chị Hạnh Nguyên dắt con 4 tuổi đến vui Trung thu cho biết: “Cháu mê nhất là tiết mục múa lân. Từ nhỏ đến giờ, đây là lần đầu tiên cháu được xem nên rất thích. Trung thu năm nay quận tổ chức đều là những tiết mục dân gian, tôi thấy rất có ý nghĩa”. Lưu giữ và phát huy bản sắn văn hóa dân tộc, khơi gợi lại những nét đẹp của Lễ hội Trung thu truyền thống là điều mang lại ý nghĩa nhất mà Lễ hội đêm rằm của quận Ba Đình làm được trong năm nay. Nó khiến cho nhiều bậc phụ huynh hài lòng vì chương trình đã đem đến cho trẻ món ăn tinh thần bổ ích.

Ở phường Bưởi, quận Tây Hồ, trẻ em ở nhiều cụm dân cư năm nào cũng được đón Tết Trung thu sớm. Tại cụm dân cư số 1, trước giờ diễn ra lễ hội, từng hồi trống được vang lên để thúc giục các em thiếu nhi nhanh chân. Sau đó, một đoàn rước lân rồng rắn đi khắp các khu dân cư. Trẻ em tíu tít chạy theo sau. Lễ hội Trung thu được diễn ra giữa đình làng với các màn múa sư tử và trò chơi dân gian đặc sắc.

Xu hướng trở về Trung thu truyền thống

Những ngày này, tại hầu hết các thôn làng ở khắp các địa phương đều rộn ràng chuẩn bị cho lễ Trung thu. Rằm tháng 8 âm lịch không chỉ là cái Tết của trẻ em mà nó cuốn hút cả người lớn tham gia. Cách đây cả tháng, bác Quảng ở thôn Lê Xá, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội đã tập hợp được cả một “đội quân” thanh niên, trẻ em cùng làm đèn ông sao và những sản phẩm khác phục vụ cho ngày rằm tháng 8. Chiếc đèn ông sao cỡ đại đặt trong khung bằng inox và có bánh xe đẩy, có đèn phát sáng nhờ chiếc ắc quy kèm theo. Ngoài đèn ông sao còn có trống và thiết bị phát nhạc vui nhộn kèm theo. Khi công việc đã xong xuôi, nhóm thanh niên cùng trẻ em tập hợp lại thành một đoàn rước đèn ông sao. Dù chưa đến ngày trăng tròn nhưng tiếng trống dồn dập đã gây rạo rực cho đám trẻ trong vùng. Đoàn rước đi trên con đường liên thôn của xã Mai Lâm, khua trống, kéo nhạc, đến đâu, trẻ con ở đó nhập vào đoàn kéo thành hàng dài. Sự hân hoan, phấn chấn thể hiện rõ trên từng khuôn mặt trẻ thơ.

Ở những thôn làng khác của huyện ngoại thành Đông Anh, Hà Nội, chúng tôi đã nhìn thấy đèn nhấp nháy, đèn lồng được treo phát sáng trên đường làng, trong ngõ nhỏ. Mấy năm trở lại đây, phong trào thôn, xóm tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em đã rầm rộ. Trước ngày rằm tháng 8, các xóm đã họp lại, bàn bạc cách tổ chức Trung thu cho các cháu. Tại thôn Đông Trù, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, thôn Thái Bình, xã Mai Lâm, hay như nhiều nơi khác trong vùng, mỗi xóm đều tổ chức được một điểm vui chơi, trang trí đèn sao, thậm chí là cả sân khấu rực rỡ. Đoàn múa sư tử thôn Lại Đà sẽ đi dọc đường làng, dừng lại múa ở các điểm trung tâm rồi trở về đình làng biểu diễn. Trẻ nhỏ, người lớn đi theo rồi đứng vòng trong vòng ngoài háo hức thưởng ngoạn dưới ánh trăng. Ngoài múa lân, sư tử, các điểm này còn tổ chức thành đêm ca nhạc, tạo không khí ấm áp, rộn ràng. Trẻ em được vui chơi trong ánh sáng mát dịu của đêm trăng rằm, bé trai đeo mặt nạ, bé gái đeo bờm công chúa, hình con vật ngộ nghĩnh đáng yêu… Có những ông bố bà mẹ đèo con trên xe máy đi khắp vùng, gặp đoàn múa sư tử nào đi trên đường là nhập vào đoàn đó, cứ thế cho đến đêm khuya. Trung thu ở vùng nông thôn đã tạo cho trẻ em được một dịp vui chơi đầy ý nghĩa.

Cùng mục đích hướng tới truyền thống, tạo điều kiện cho thế hệ tương lai tiếp cận và hiểu biết về những đồ chơi truyền thống, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã lập kế hoạch tổ chức chương trình Trung thu 2012 mang tên “Vui cùng đồ chơi dân gian”. Chương trình này cũng sẽ góp phần khích lệ bảo tồn và phát huy nghề thủ công làm đồ chơi dân gian diễn ra trong hai ngày 29 và 30/9 (tức 14 và 15/8 âm lịch). Chương trình có nội dung phong phú, đa dạng và bổ ích, từ múa lân, chơi bài chòi, hát và dạy hát dân ca Quảng Nam, làm và trưng bày đèn lồng, nặn và trang trí con thổi, trò chơi bịt mắt đập nồi. Đặc biệt, tại đây có người giới thiệu, hướng dẫn chơi 25 trò chơi dân gian được giới thiệu và hướng dẫn chơi trong dịp này. Trẻ em có cơ hội được tự tay làm đèn ông sao, đèn kéo quân, trống bỏi, nặn tò he, tô vẽ mặt nạ, tàu thủy sắt tây... Các em nhỏ còn có thể tham gia tìm hiểu ý nghĩa của Tết Trung thu bằng các hình thức chơi mà học, như: nghe kể chuyện về Tết Trung thu, vẽ tranh hoặc tô màu, ghép hình để tạo nên các nhân vật trong sự tích Trung thu.

Tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, lễ hội Trung thu phố cổ được khai mạc từ ngày 21-9. Một trong những hoạt động mang đậm màu sắc truyền thống là sự có mặt của các gian hàng giới thiệu trò chơi dân gian và nghề thủ công truyền thống như: nghệ thuật múa rối cạn, tranh vẽ thiếu nhi, tranh xé giấy nghệ thuật, nặn tò he, làm tiến sĩ giấy, đèn ông sao, ông đánh gậy, tô mặt nạ bồi…

Nói về các hoạt động Trung thu cho trẻ em hiện nay, anh Nguyễn Văn Hiếu, ở xã Mai Lâm, huyện Đông Anh tâm sự: “Càng ngày các bậc phụ huynh càng quan tâm tới con cái hơn. Tôi rất mừng vì thấy các đồ chơi dân gian đã xuất hiện ngày càng nhiều. Đó là tín hiệu vui về sự trở lại của văn hóa dân tộc. Chúng tôi đều mong muốn giáo dục con cái trở về với cội nguồn, với truyền thống tốt đẹp của dân tộc”.

Trung thu đặc biệt với các bệnh nhi

Tối nay 29/9, chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện” sẽ diễn ra thật đặc biệt tại BV Nhi Trung ương, do Đoàn Thanh niên Bộ Y tế, Hội Nghệ sĩ & MC trẻ, Kênh truyền hình O2TV, Công ty cổ phần Truyền thông và Giải trí NSN, Công ty Vietsea.asia, Ngân hàng TMCP Đầu Tư và Phát triển Việt Nam BIDV, Tập đoàn Bưu chính viễn thông VNPT, tổ chức.

Chương trình bắt đầu từ 11h ngày 29/9 với hoạt động “Vầng trăng nhân ái” kéo dài từ 11h đến 17h30 cho các bệnh nhi, với các gian hàng dạy làm bánh Trung thu, làm đèn ông sao, làm tò he của các nghệ nhân nổi tiếng… và nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn. 15h, trọng tâm của chuỗi hoạt động trong chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện” sẽ diễn ra với sự tham gia của ca sĩ Thái Thùy Linh, Ưng Anh Tuấn và sự góp mặt của các ngôi sao nhí được nhiều bạn nhỏ yêu thích như quán quân Vietnams Got talent 2011 Đăng Quân – Bảo Ngọc, “dàn sao” bước ra từ cuộc thi Đồ Rê Mí: Nhật Tiến (Quán quân Đồ Rê Mí 2012); Bích Hằng (giải nhì Đồ Rê Mí 2012); Băng Giang (giải ba Đồ Rê Mí 2012), Trí Dũng (Quán quân Đồ Rê Mí 2011)… cùng Đức Anh - chiến cơ siêu hạng, ngôi sao nhí Chiến Thắng và Câu lạc bộ Cánh diều hồng, mang đến một ngày hội Trung thu đầy sắc màu trẻ thơ, niềm vui và tiếng cười cho các em nhỏ.

Dạ Miên

Việt Hà - Trần Hằng
.
.
.