Trở lại với nghề đi biển

Thứ Bảy, 23/10/2010, 14:46
Lâu nay nhắc đến xã Phong Hải, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế, người ta thường nhắc đến một vùng quê ven biển được mệnh danh là "Thành phố lăng", với nhiều lăng mộ chi chít. Khi cuộc sống khấm khá, nhiều hộ dân đã bỏ dần nghề đánh bắt cá, nhưng sau bao năm "bỏ bê" bây giờ họ đã quay lại với biển.
>> Nước mắt nghề đi biển

Khoảng 20 năm về trước, Phong Hải là một trong những vùng quê nghèo của tỉnh Thừa Thiên - Huế, người dân ở đây chủ yếu làm nghề biển cuộc sống bấp bênh theo từng con nước. Người không đi biển thì làm thuê tứ xứ. Khi cuộc sống quá khó khăn, túng bấn nhiều người đã "vượt biên" sang Mỹ. Khi có tiền họ gửi về quê để giúp đỡ người thân, rồi xây lăng mộ như một sự biết ơn ông bà tổ tiển đã giúp họ vượt qua thuở hàn vi.

Vậy nhưng, do người ta quá tập trung vào việc tâm linh mà nhiều lúc quên cả cuộc sống hiện tại. Ông Nguyễn Viết Từ, Chủ tịch xã Phong Hải cho hay, toàn xã có 5.200 dân với 2.500 lao động chủ yếu bằng nghề biển. Phần lớn người dân ở đây đều có người thân ở nước ngoài như Mỹ, Canada, Australia

Anh Hoàng Minh, một người dân Phong Hải, cho biết: "Người dân ở đây chuyên sống về nghề biển, không có biển thì cả làng này đói. Nhưng nghề biển cũng chẳng giàu sang vậy đâu mà xây biệt thự, rồi đổ hàng ngàn đô la vào đất cát để xây lăng mộ. Nhìn nhà cửa, lăng mộ thế thôi chứ chẳng có gì.

Có tiền tiêu nhiều hộ dân bỏ nghề biển, thanh niên trai tráng thì sắm xe xịn, mua điện thoại đời mới… Không ít thiếu nữ chờ đợi người thân về đưa sang "bển". Chính vì thế Phong Hải là một trong những làng biển nổi tiếng về phương diện này không chỉ ở trong tỉnh mà còn cả nước.

Người dân Phong Hải chuẩn bị ra khơi

Anh Minh bấm ngón tay kể không hết hằng trăm hộ ngư dân bỏ nghề đánh bắt trên biển hàng chục năm, vậy mà đã trở lại với biển. Mà nói gì thì nói, chứ dân biển mà không đi biển thì biết làm gì. Rồi trong xã đã có đội quân xe thồ hơn 10 chiếc phục vụ bà con. Nhiều người con tham gia làm thợ nề, phụ hồ...

Anh Minh lý giải: "Người dân Phong Hải bây giờ lo tập trung vào làm ăn hơn trước, là do người thân của họ bên Mỹ đã ít gửi đô la về. Một là do thế hệ người lớn tuổi sang bên đó đã già nên tiền kiếm được ít; hơn nữa khi gửi tiền về quê, nhiều người không lo làm ăn nên họ cắt… Không có tiền thì họ phải kiếm kế sinh nhai thôi".

Thời điểm này khi trở lại bờ biển xã Phong Hải, chúng tôi thật sự bất ngờ khi thấy cảnh nhộn nhịp trở lại ở đây, hàng trăm chiếc thuyền gối bãi nằm chờ con nước. Người dân hăm hở vá lưới, sửa thuyền chuẩn bị ra khơi. Anh bạn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, cho rằng đây là điều lạ, bởi phần lớn người dân xã Phong Hải đã "treo" thuyền nghỉ đánh bắt từ lâu. Trên bờ biển tôi gặp ngư dân Phan Thắng (54 tuổi), ông bỏ nghề biển đã lâu, mới trở lại đánh bắt hơn 1 năm nay.

Ông cho hay, những ngày cá duội xuất hiện nhiều, có khi chỉ trong buổi sáng thuyền ông đánh được 5 triệu đồng tiền cá. “Thế ông có tiền đô la từ nước ngoài gửi về à?”, tôi hỏi.  Ông Thắng nói: “Ăn thua chi, tiền từ công sức mình bỏ ra mới bền!”. Bên cạnh một nhóm ngư dân gần 10 người cũng sẵn sàng chài lưới chuẩn bị ra khơi.

Đem chuyện này trao đổi với ông Nguyễn Viết Từ - Chủ tịch UBND xã Phong Hải, được ông lý giải rằng: Người dân giờ đã biết chú tâm vào làm ăn, chứ không trông chờ ỷ lại nguồn tiền của người thân gửi về từ nước ngoài như trước nữa. Mà bây giờ lượng tiền đô la do bà con gửi về cho người thân ở trong xã chỉ bằng 1/10 so với trước, bình quân 100 ngàn USD/năm.

Nếu trước đây người dân bỏ nghề khai thác biển, thì hầu hết bây giờ đã quay trở lại nghề biển. Nhiều hộ còn sắm phương tiện đánh bắt hiện đại hơn. Nếu như khoảng 10 năm trước cả xã chỉ còn lèo tèo vài chiếc thuyền đi biển, thì nay đã có 92 thuyền đánh cá. Hơn 100 hộ dân tham gia nuôi tôm trên cát, chính từ việc dám nghĩ dám làm nên nhiều hộ gia đình đã phất lên làm giàu.

Những lao động nhàn rỗi trước kia không có việc gì làm thì nay họ tham gia đóng thuyền, sản xuất nước mắm tại cơ sở nước mắm Phong Hải. Mà nước nắm ở đây đã có thương hiệu quốc gia rồi nhé. Xã cũng đã thành lập một xưởng may công nghiệp vừa đào tạo nghề cho anh em thanh niên trong xã, vừa nhận sản xuất hàng gia công…

Ông Từ chỉ tay về phía những hồ tôm trải dài trên dãy cát trắng tít tắp phía chân trời bảo rằng: Tương lai không xa nữa, sẽ có nhiều triệu, tỷ phú trên mảnh đất này. Ừ thì vậy, làng biển bây giờ đã đổi thay nhiều, đặc biệt là đổi thay từ cách nghĩ, cách làm, người dân không còn trông chờ ỷ lại như trước nữa

Đài Trang
.
.
.