Trò chuyện với giáo sư và phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam

Thứ Bảy, 12/11/2011, 10:18
Tôi đã từng may mắn được trò chuyện, viết bài về nhiều Giáo sư, Phó Giáo sư (GS, PGS) trẻ tuổi của Việt Nam và lần nào họ cũng làm tôi cảm phục vô cùng. Có một điều đáng tự hào là mỗi năm vào đợt xét công nhận chức danh GS, PGS thì những người được vinh danh là "GS, PGS trẻ nhất" bao giờ độ tuổi của họ cũng ít hơn những "GS, PGS trẻ nhất" của năm trước.
>> Lực lượng CAND có thêm 2 Giáo sư và 13 Phó Giáo sư

Tín hiệu tốt lành này cho thấy sự trẻ hoá về đội ngũ mang học hàm, học vị cao của đất nước ta, có sức trẻ thì sự dấn thân, sự cống hiến có lẽ cũng vì thế mà quyết liệt. Đó cũng là cảm nhận của tôi khi được trò chuyện với GS Nguyễn Quang Diệu, 37 tuổi và PGS Phạm Hoàng Hiệp, 29 tuổi - là GS, PGS trẻ nhất Việt Nam tính đến thời điểm năm 2011…

Lúc nào cũng phải vươn mình ra phía trước

Cách đây 4 năm, vào năm 2007, thầy giáo Nguyễn Quang Diệu được phong chức danh PGS và trở thành PGS trẻ nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Năm nay 37 tuổi, sau 4 năm phấn đấu không mệt mỏi, thầy đã trở thành GS, điều đó cũng đồng nghĩa với việc thầy đã phải nỗ lực làm việc, nỗ lực nghiên cứu gấp nhiều lần để rút ngắn khoảng cách thời gian và đạt được những tiêu chí rất khắt khe cho chức danh GS.

Nhưng GS lại khá kiệm lời khi nói về sự vinh danh này. Dường như những người như thầy sinh ra để làm việc mà không bận tâm nghĩ đến danh phận, đến những vinh quang lấp lánh. GS Nguyễn Quang Diệu tâm sự, từ nhỏ GS đã yêu thích môn toán, có lẽ là do ngọn lửa toán học từ người cha của GS (cũng là GS Toán của ĐH Sư phạm Hà Nội) truyền sang, ngọn lửa ấy cứ âm ỉ cháy bền bỉ trong GS từ những năm tháng ấu thơ, đi qua thời sinh viên và khi trở thành giảng viên của ĐH Sư phạm, nó đã bùng cháy mãnh liệt, đã thôi thúc thầy giáo trẻ Nguyễn Quang Diệu dấn thân vào toán học không một chút tính toán thiệt hơn. Mặc dù còn rất trẻ, nhưng từ sau khi tốt nghiệp đại học, thầy Diệu đã tâm niệm rằng, thời gian cứ trôi chảy sẽ chẳng chờ đợi ai, nếu mình dừng chân là mình sẽ tự tụt hậu, nên trong tâm thế lúc nào cũng phải vươn mình ra phía trước.

GS Diệu kể rằng: "Tôi bắt đầu làm luận án tiến sỹ toán học tại Trường Đại học Toulouse 3 (Cộng hòa Pháp) và tháng 6/2000, khi đó 26 tuổi, tôi bảo vệ thành công luận án chuyên ngành giải tích phức về đề tài "Bao lồi đa thức địa phương của hợp thành các đồ thị hoàn toàn thực" tại Đại học Toulouse 3. Năm 2006, bằng các công trình  trong hướng nghiên cứu này, tôi đã bảo vệ luận án Habilitation Diriger des Recherches tại Đại học Toulouse 3. Sau đó, tôi đã được bổ nhiệm làm PGS của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vào cuối năm 2007. Từ tháng  9/2007 đến tháng 8/2009, tôi được mời đi làm cộng tác viên khoa học tại Trường ĐHQG Seoul và ĐHQG Chonnam (Hàn Quốc). Tại các trung tâm này, tôi đã chuyển sang nghiên cứu lý thuyết toán tử và giải phương trình ngang với đánh giá".

GS Nguyễn Quang Diệu và gia đình.

Cũng giống nhiều nhà khoa học, dù được đào tạo bài bản ở nước ngoài nhưng GS Nguyễn Quang Diệu vẫn chọn cho mình con đường lập nghiệp và cống hiến tại nước nhà, bởi trong sâu thẳm lòng mình, GS vẫn nghĩ rằng, đó cách tốt nhất để mình có thể trực tiếp hướng dẫn sinh viên trở thành những nhà toán học tương lai. GS đã xuất bản 35 bài báo khoa học, trong số đó có 4 bài báo đăng ở các tạp chí quốc gia và 30 bài đăng ở các tạp chí quốc tế nằm trong danh mục SCI và SCIE. Khi chưa bước vào tuổi 30, GS Nguyễn Quang Diệu đã hướng dẫn nhiều học viên cao học về toán học, đặc biệt trong số những thạc sĩ này đã có ba người được GS hướng dẫn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Nói về chất lượng của các công trình khoa học của GS Nguyễn Quang Diệu, thật sự những người ngoại đạo khó có thể cảm nhận được hết ý nghĩa và giá trị của nó. Chỉ biết rằng, GS Nguyễn Quang Diệu không "bất biến", anh liên tục tìm tòi suy nghĩ và đầu tư vào hướng nghiên cứu mới nếu thấy hướng đó hấp dẫn và thiết thực cho khoa học cũng như thực tiễn.

GS lấy ví dụ: "Tôi luôn cố gắng vận dụng những kiến thức cổ điển đã biết vào việc nghiên cứu, giải quyết những bài toán thời sự. Các công trình khoa học này đã được dùng để hướng dẫn nhiều học viên thạc sĩ. Đồng thời một số bài toán mở trong những hướng nghiên cứu kể trên đã được tôi đề xuất cho hai nghiên cứu sinh của mình".

Cũng nhờ vào các công trình nghiên cứu khoa học của mình mà GS Diệu đã được mời đọc báo cáo tại một số hội thảo và được mời đi cộng tác tại một số trường đại học hay viện nghiên cứu ở nước ngoài.

Hãy luôn đặt câu hỏi "Tại sao?" để đi đến tận cùng

Có một điều thú vị là cả GS Nguyễn Quang Diệu và PGS Phạm Hoàng Hiệp đều cùng công tác ở Khoa Toán - Tin ĐH Sư phạm Hà Nội. 29 tuổi, với nhiều bạn trẻ còn đang loay hoay với con đường lập nghiệp thì Phạm Hoàng Hiệp đã vững chắc một lý tưởng, một con đường khoa học và đã có khá nhiều cống hiến trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học.

PGS Phạm Hoàng Hiệp cùng các GS toán học nước ngoài.

PGS Phạm Hoàng Hiệp kể, cấp 3, Hiệp học ở Trường THPT Hồng Quang, thành phố Hải Dương. Trong những năm tháng học phổ thông, Hiệp không có giải quốc gia, quốc tế nào. Bố Hiệp là kỹ sư thuỷ lợi, mẹ là giáo viên cấp 3, cả hai đều không làm toán, họ cũng không thể ngờ rằng, trong cậu con trai hiền lành nhút nhát của mình luôn có một tình yêu toán học mãnh liệt.

Hiệp bắt đầu thực sự học Toán vào cuối năm lớp 9, những quyển số học được bố mua cho, Hiệp nghiền ngẫm rất lâu và đã nhận ra một vẻ đẹp lấp lánh phía sau những con số, phương trình tưởng như khô khan.

PGS Phạm Hoàng Hiệp tâm sự: "Mọi người sẽ thấy Toán là một môn học rất thú vị nếu có bộ sách, chương trình toán trực quan, sâu sắc, thực tiễn, chi tiết nhưng lại dễ hiểu, đơn giản. Tôi cho rằng, chỉ những gì người ta thấy dễ hiểu, đơn giản và trực giác được thì họ mới thấy nó thú vị và sử dụng những kiến thức đó vào thực tiễn. Vì vậy tôi luôn cố gắng làm cho toán học trở nên đơn giản, dễ hiểu. Tuy công việc này không đem lại công trình khoa học mới nhưng đem lại hiểu biết sâu sắc cho chính bản thân và rất tốt cho việc dạy và học toán".

Ngoài nỗ lực vượt bậc của bản thân, PGS Phạm Hoàng Hiệp còn tự nhận mình gặp nhiều may mắn trong học tập và nghiên cứu khoa học. Lúc học ở khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, PGS Hiệp đã nhận được sự quan tâm và học tập với nhiều GS ở khoa Toán như GS. Nguyễn Văn Khuê, GS. Lê Mậu Hải. Sau đó, PGS Hiệp có cơ hội làm việc với các GS. Urban Cegrell ở ĐH Umea, Thụy Điển, GS. Ahmed Zeriahi và GS. Vicent Guedj, ĐH Toulouse, Pháp. Hiện nay, PGS Hiệp đang làm việc nghiên cứu với GS Jean-Pierre Demailly, một người có tầm hiểu biết rộng và là một nhà sư phạm tuyệt vời, tại Viện Fourier, ĐH Grenoble, nước Pháp.

Tôi hỏi PGS Phạm Hoàng Hiệp, để trở thành PGS ở tuổi 29, Hiệp đã phải chạy đua với thời gian như thế nào để có thể tích luỹ kịp các công trình khoa học, giáo trình, bài giảng? PGS Hiệp thẳng thắn chia sẻ: "Về giảng dạy thì tôi làm những công việc được giao ở khoa toán. Về khoa học thì tuỳ vào từng thời điểm, lúc nào cảm hứng hay có ý tưởng thì tôi tập trung đọc sách và suy nghĩ tìm ý tưởng. Nhưng theo tôi thì cứ sinh hoạt theo quy luật tự nhiên là kết hợp hài hoà giữa làm việc và giải trí thì công việc mới hiệu quả".

Chiêm nghiệm từ con đường khoa học của mình, theo PGS Hiệp, để thành công về toán học, hãy luôn đặt câu hỏi tại sao, và cố gắng suy nghĩ giải thích để đi đến tận cùng của chân lý, nếu không thể trả lời được thì tìm đến tài liệu, thầy giáo, bạn bè. Ngoài ra, bạn phải có khả năng ước lượng, phán đoán, trực giác và một phẩm chất rất quan trọng nữa, đó là sự chịu khó học hỏi, kiên trì và có tư duy độc lập.

Về sự kiên trì, PGS Hiệp cho hay, Hiệp đã ảnh hưởng từ chính người cha của mình. PGS Phạm Hoàng Hiệp còn cho rằng, để khoa học phát triển thì các trường ĐH cần có mô hình đơn giản và thuần tuý khoa học. Trong khi toán học ảnh hưởng gián tiếp đến sự phát triển của đất nước thông qua chương trình giáo dục. Nếu chúng ta làm cho chương trình toán học trực quan, gắn với thực tiễn, dễ hiểu, đơn giản thì học sinh các bậc học phổ thông sẽ yêu toán hơn nhiều. Khi đó các em sẽ được nuôi dưỡng, rèn giũa một tư duy tốt thì đây chắc chắn sẽ là nhân tố giúp đất nước phát triển

Thu Phương
.
.
.