Trinh sát Biên phòng săn tội phạm truy nã

Thứ Hai, 25/02/2013, 09:06
Thấy động, Việt đảo mắt, toan bỏ chạy. Nhưng phản ứng của kẻ “nợ” lệnh truy nã đã quá muộn, hắn sững người, khuỵu xuống trước động thái dứt khoát của trinh sát biên phòng, Thiếu tá Trần Anh Tuấn.

Việt bị bắt ngay sau bữa cơm đầu xuân, khi hắn đã chuẩn bị ba lô khăn gói chuẩn bị vào Nam. Đây là cái Tết thứ hai, kẻ mang lệnh truy nã lén lút về quê (Cẩm Sơn, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) và cũng như những lần trước, ban ngày Việt ẩn trong nhà, chỉ sẩm tối mới lò dò mò đến nhà mấy người bạn thân. Đã thành thói quen, dù đang bữa ăn hay ngồi đàm đạo, Việt thường chọn chỗ có góc nhìn thoáng, dễ bề quan sát.

Thình lình nghe tiếng động ngoài vườn, Việt lập tức vụt chạy ra ngoài, nơi có lối thoát ra đường chính rất nhanh. Có lần, hắn nghe động tưởng Công an vào bắt, nhưng toan chạy thì đụng phải... bạn gái. Lần này thì hắn khá bất ngờ, bởi người ập vào bắt hắn là sĩ quan biên phòng chứ không phải các chiến sĩ Công an như hắn nghĩ...

Kể chuyện bắt đối tượng truy nã đầu xuân, Thiếu tá Trần Anh Tuấn, Trưởng Ban trinh sát Hải đoàn 38, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho hay, trụ sở chính của Hải đoàn đóng ở Hải Phòng, việc bắt Việt không phải nhiệm vụ được trên giao. Nhưng trong lần về quê ăn Tết, anh đã nắm được nguồn tin quan trọng: Đối tượng Nguyễn Đình Việt, 24 tuổi, kẻ bị truy nã hai năm nay, hiện đang lẩn trốn ở quê nhà, thuộc xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

“Bắt tội phạm truy nã là nhiệm vụ của bất kỳ người dân nào, mình là sĩ quan biên phòng, tuy không đảm trách trực tiếp nhiệm vụ bắt đối tượng truy nã nhưng khi phát hiện sự việc và nơi ẩn náu của đối tượng, tôi xác định phải nêu cao trách nhiệm” - Thiếu tá Tuấn giải thích. Một mặt, anh điện báo cho chỉ huy Hải đội và cơ quan Công an, đồng thời triển khai ngay việc vây bắt.

Hôm đầu, Tuấn và anh em trinh sát quyết định chưa hành động vì nhận thấy Việt đang ăn Tết cùng gia đình, có rất đông người chung vui, nếu bắt sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt. Tiếp tục theo dõi, đến hôm thứ hai, Việt ẩn náu trong nhà và lần này, tổ trinh sát đã ập vào khống chế, lập biên bản, chuyển ngay về Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an Hà Tĩnh.

Việt từng là sinh viên của Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Khi đang theo học tại đây, Việt tham gia đường dây chuyên trộm cắp xe máy, gây ra nhiều vụ việc nghiêm trọng. Khi đường dây trộm cắp chuyên nghiệp này bị bóc gỡ, các đối tượng phải lĩnh án phạt thì Việt vẫn trốn biệt tăm. Việt bị Công an quận Thủ Đức truy nã từ ngày 15/7/2011.

Thiếu tá Trần Anh Tuấn dẫn giải đối tượng truy nã bàn giao cho cơ quan Công an.

Truy bắt tội phạm dường như là sở thích định hình từ bản tính của Tuấn, ghét thói hống hách những kẻ coi thường kỷ cương, luật pháp. Nhiều người gọi Tuấn là “hiệp sĩ”, giả như đi trên đường, thấy mấy kẻ ngông nghênh phóng xe bạt mạng, gây họa người khác, tức thì “tôi thấy sôi ruột, chướng tai gai mắt, phải truy bắt, giao cơ quan chức năng xử lý”.

14 năm Cảnh sát biển thành lập (1998 – 2012) thì phần lớn thời gian đó, anh gắn với biển cả. Trung bình mỗi tháng có 15 - 20 ngày theo tàu tuần tra, đánh án dọc vùng biển từ Bắc vịnh Bắc Bộ đến biển Bắc miền Trung, ước ra cũng chừng dăm bảy năm lắc lư sóng nước. Lính Cảnh sát biển dầm trong sương muối, sóng biển nên ai cũng đen trũi, nhưng bù lại là sự dẻo dai, bền bỉ.

Ở góc nhìn nào đó, nhà của Tuấn chính là con tàu 3005, Cảnh sát biển Vùng I. Chung sống trong "ngôi nhà" này bình thường chừng 25 - 30 người, khi cao có thể lên tới 40 người. "Đã lên tàu tuần tra, đánh án, thuyền trưởng là "chủ nhà", còn lại các cán bộ, chiến sỹ đều như anh em ruột rà cả" - Thuyền trưởng Tuấn nói.

Tôi biết anh từ khi anh là sinh viên Học viện Hải quân. Người rắn chắc, khả năng bơi lội đã rèn sức dẻo dai cậu bé "rái cá" từ nhỏ khi vượt qua hàng loạt lớp sóng dọc biển Thạch Hải, Thạch Hà (Hà Tĩnh). Cảnh sát biển thành lập thì Tuấn khoác ba lô xuống doanh trại đất cảng.

Trước đó, anh từng thi vào Đại học Y Hà Nội nhưng có lẽ bản tính nóng như lửa không phù hợp nghề chăm sóc sức khỏe con người. Bố anh bảo, nghề y chỉ hợp với ai kiên nhẫn, con trai có “máu nóng” đi y tất có ngày gây họa. Nóng nảy, ghét thói ngang tàng ngoài đời thì tốt nhất làm cảnh sát, biên phòng hoặc nghề liên quan chống tội phạm.

Ngay sau đó, anh đăng ký đi nghĩa vụ quân sự, vào Vùng 4 Hải quân, tận Cam Ranh. Hai năm sau, từ lính hải quân, Tuấn thi vào Học viện Hải quân. Anh bảo, lính Cảnh sát biển tuyển dụng từ hải quân sang khá nhiều bởi lực lượng này cũng đã có kinh nghiệm đi biển. Và yếu tố đầu tiên của Cảnh sát biển phải là tình yêu biển cả. "Đã là chiến sỹ Cảnh sát biển quyết theo nghiệp tất phải bơi lội giỏi và bắt đầu bằng những bài tập trước biển" - Thuyền trưởng Tuấn nói.

Chẳng những vậy, Tuấn còn tranh thủ thời gian vào Đà Lạt dùi mài kinh sử. Hết khóa đào tạo, anh rời Cảnh sát biển, đầu quân cho lực lượng biên phòng và lần này, vẫn “duyên định” với đất cảng Hải Phòng.

Khác màu quân phục, nhưng tuyến ven biển vịnh Bắc bộ vốn “thiết thân như bờ ao, ngõ ruộng”, lại những chuyến tàu tuần tra, truy bắt tội phạm và đối tượng vi phạm pháp luật, việc ấy đã là đam mê...

Đ.Minh
.
.
.