Triệu Thị Lanh - Tấm gương sáng của đồng bào dân tộc Dao
Nhân kỷ niệm 122 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một đoàn đại biểu già làng, trưởng bản, gồm những người có uy tín trong các dân tộc thiểu số huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, vô cùng phấn khởi được về thăm Thủ đô Hà Nội, báo công trước Lăng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gặp mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Trong số 22 đại diện tiêu biểu, có duy nhất một phụ nữ là chị Triệu Thị Lanh, 46 tuổi, người dân tộc Dao ở khu Suối Bòng, xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn.
Sinh ra và lớn lên tại xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn, đến năm 1983, chị chuyển về sinh sống tại thôn Suối Bòng, xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn. Đây là một xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Tân Sơn (một trong 62 huyện nghèo nhất nước). Dân cư chủ yếu là người dân tộc Mường, Dao, trình độ dân trí còn thấp, còn nhiều tập tục lạc hậu.
Năm 1999, chị Lanh được bà con tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Suối Bòng và làm công tác dân số. Mặc dù ở nơi còn nhiều hủ tục nặng nề, bằng tinh thần trách nhiệm và sự nhiệt tình, tâm huyết với công việc, chị Lanh đã vận dụng phương pháp “Mưa dầm thấm lâu” gần gũi tuyên truyền, vận động chị em trong thôn bản thực hiện sinh đẻ kế hoạch. Đến nay khu hành chính Suối Bòng không có trường hợp sinh con thứ 3.
Cũng từ công việc giúp chị hiểu được tâm tư tình cảm của chị em, hiểu rõ hoàn cảnh của từng hộ gia đình và chị lại trở thành người làm công tác hòa giải những mâu thuẫn trong đời sống, nhất là nạn bạo lực trong gia đình, và những vấn đề vướng mắc, mâu thuẫn giữa các dòng họ với nhau. Hình ảnh người chi hội trưởng mảnh mai, tận tụy đã trở nên gắn bó gần gũi với bà con trong thôn Suối Bòng.
Năm 2006, chị Lanh được tín nhiệm bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Hội phụ nữ xã kiêm tổ trưởng tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách. Chị đã hướng dẫn hội viên phụ nữ trong thôn bản cách làm ăn, sản xuất kinh doanh bằng vốn vay từ quỹ, tổ chức cho chị em học tập kinh nghiệm lẫn nhau, giúp đỡ nhau về cây giống, con giống để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, xây dựng đời sống mới đẩy lùi những tập tục lạc hậu giữ gìn tín ngưỡng truyền thống và bản sắc văn hoá dân tộc, bài trừ mê tín dị đoan, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nuôi trồng. Người dân trong bản đã nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng, không đốt nương làm rẫy, giữ gìn tài nguyên và hệ sinh thái rừng.
Điều đáng nói là với vai trò là người có uy tín trong cộng đồng, chị Lanh còn là cầu nối giữa đồng bào dân tộc thiểu số với chính quyền cơ sở, chủ động nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của bà con trong thôn, để kịp thời phản ánh, tham mưu cho các cấp chính quyền có những chủ trương, lãnh đạo phù hợp để bà con thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của địa phương, nhất là ngăn chặn kịp thời việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo lôi kéo, dụ dỗ bà con trong thôn bản nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Tuyên truyền, vận động đồng bào đoàn kết, thương yêu, gắn kết xây dựng cộng đồng ấm no, hạnh phúc, giáo dục con em chấp hành pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, cờ bạc, trộm cắp tài sản, chấp hành nghiêm túc an toàn giao thông. Từ đó đã góp phần đảm bảo giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo đà phát triển kinh tế, xã hội ở một xã đặc biệt khó khăn.
Với những đóng góp của mình, chị Lanh đã được tặng bằng khen điển hình tiêu biểu người dân tộc thiểu số sản xuất kinh doanh giỏi; bằng khen về công tác Đại đoàn kết dân tộc năm 2010, giấy khen về công tác phụ nữ… Đó là niềm vinh dự và tự hào của chị Lanh khi được bà con nhân dân trong thôn bản tin yêu, tín nhiệm, là những đóng góp của bản thân mình vào sự phát triển đời sống, kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số trên quê hương Tân Sơn mà chị đang sinh sống