Triển khai Quyết định 497 của Thủ tướng Chính phủ: Nông dân "khát" vốn, doanh nghiệp loay hoay

Thứ Sáu, 25/09/2009, 14:30
Sau 5 tháng triển khai Quyết định 497 về hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy móc nông nghiệp, lượng vốn giải ngân được vẫn còn rất thấp, thậm chí nhiều tỉnh chưa triển khai được trường hợp nào. Bài toán luẩn quẩn: máy thuộc diện được hỗ trợ thì nông dân không biết mua ở đâu, máy nông dân đang dùng lại không thuộc diện được hỗ trợ… khiến gần 1.000 tỷ đồng của Nhà nước "nằm im", trong khi nông dân thì "khát" vốn.

Khó "chạm" vào vốn hỗ trợ mua máy nông cụ

Theo báo cáo nhanh của các ngân hàng thương mại, đến cuối tháng 8, tổng dư nợ hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 497 ước đạt 820 tỷ đồng. Mặc dù mức giải ngân đã tăng gấp hơn 2 lần so với thời điểm tháng 7 (303,364 tỷ đồng), nhưng chưa thấm gì so với nhu cầu vốn của nông dân.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Chu Văn Thiện, Phó Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch nhận định: Mặc dù nhu cầu sử dụng là rất lớn, song ngành sản xuất máy nông nghiệp, nông cụ của nước ta lại quá chậm phát triển.

Làm việc với PV Báo CAND, ông Lê Phấn Hải, Phó trưởng Phòng Thị trường và Kinh doanh, Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp (VEAM) thừa nhận: Khi QĐ 497 được đưa vào thực hiện, hầu hết các công ty sản xuất máy NN trong nước đều bị động và lúng túng về nguồn hàng, bởi nhu cầu mua quá lớn. 

Nông dân cần máy, doanh nghiệp "lực bất tòng tâm"

Cái khó bó cái khôn. Sự yếu kém của ngành cơ khí NN cũng góp phần khiến danh mục hàng hóa được hỗ trợ lãi suất do Bộ Công thương ban hành mãi vẫn chưa thể hoàn chỉnh.

Ông Hoàng Thọ Xuân - Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước  cho PV Báo CAND biết: Nghịch cảnh là chỉ hỗ trợ máy sản xuất trong nước thì nông dân không được hưởng lợi. Nhưng nếu bỏ điều kiện đó thì hóa ra là kích cầu cho hàng nước ngoài. Rất nhiều máy móc gọi là sản xuất trong nước, nhưng lại là mua phụ tùng lắp ghép, nên tính tỷ lệ nội địa hóa lại không đáp ứng được yêu cầu.

Dù vẫn biết nhu cầu về máy móc NN của Việt Nam là rất lớn, đặc biệt là những loại máy công suất lớn, công nghệ hiện đại; nhưng ngược đời ở chỗ là rất nhiều DN sản xuất lại đang "tháo chạy" khỏi lĩnh vực này. Tất cả là bởi sản xuất mặt hàng này lợi nhuận không cao. "Thêm vào đó, khi tiếp nhận đơn vay vốn của các DN sản xuất máy NN, các ngân hàng cũng không mặn mà, thậm chí là hạn chế vốn vay" - ông Hải cho biết.

Ông Hoàng Thọ Xuân cho biết: Do trong thời gian thực hiện còn nhiều vướng mắc, nên Bộ Công thương đang tập hợp ý kiến các địa phương, kiến nghị Thủ tướng kéo dài thêm 6 tháng thời hạn giải ngân, để gói kích cầu kết thúc vào ngày 1/6/2010 (lẽ ra kết thúc vào 31/12/2009).

Liên bộ sẽ cố gắng hoàn thành sớm, đi vào các nhóm hàng lớn, có nhu cầu tiêu dùng tương đối phổ biến, và đặc biệt vẫn phải đảm bảo tiêu chí sản xuất trong nước. Máy móc tự chế của người dân (có đăng ký sở hữu công nghiệp và số lượng phải lớn) cũng đang được xem xét đưa vào danh mục

Dù tốc độ triển khai còn chậm, nhưng Quyết định 497 đã giúp nhiều DN trong nước duy trì sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. Riêng Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2009 sản lượng sản xuất và tiêu thụ máy kéo, xe vận chuyển tăng 84,77%; máy phun thuốc trừ sâu tăng 342,23%, máy bơm nước các loại tăng 159%; máy cắt lúa, gặt đập liên hợp tăng 50,74%.

V.Hân - N.Yến
.
.
.