Triển khai Luật BHYT: Áo chật co sao cũng thiếu

Chủ Nhật, 06/09/2009, 11:10
Sau gần 17 năm hoạt động, số người tham gia BHYT tăng từ 5,6% số dân (năm 1993) lên 46% số dân (năm 2008), nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội được Nhà nước cấp thẻ BHYT. Tuy vậy, số thu vẫn chưa đủ số chi. Thậm chí, số thu vốn đã quá nhỏ bé so với số chi, lại còn phải trừ bớt để bù cho số thâm hụt của năm trước. Với "manh áo chật" như thế, dù có co thế nào cũng vẫn thiếu vải...

Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2009 với nhiều nội dung rất mới sẽ được lần lượt áp dụng từ nay tới năm 2010. Trong tuần qua, Hội nghị triển các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT (ngày 4 và 5/9) rất thu hút mối quan tâm của công luận.

Không thể phủ nhận BHYT đang đáp ứng quyền lợi cho nhiều người bệnh, nhưng dù liên tục thay đổi, điều chỉnh, BHYT vẫn xảy ra tình trạng vỡ quỹ, bội chi, người bệnh thắc mắc… Điều đó đã cho thấy, vấn đề gốc rễ của BHYT chưa thể giải quyết và sẽ còn gây băn khoăn cho người bệnh mỗi lần điều chỉnh các quy định.

Áo chật co sao cũng thiếu

Năm 2009, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã dự báo mức bội chi BHYT là khoảng 2.000 tỷ đồng, mới bảo đảm khả năng chi trả của quỹ. Theo đó, đến cuối năm 2009, BHYT cần khoảng 9.300 tỷ đồng, trong đó 1.700 tỷ đồng để thanh toán cho năm 2008, 2.000 tỷ đồng để thanh toán cho năm 2009 và 5.600 tỷ đồng để tạm ứng cho quý I năm 2010. Năm 2010, dự kiến chi 22.600 tỷ đồng. Như vậy, phải đến hết năm 2010, quỹ BHYT mới cân đối được.

Những con số này cho thấy, sau nhiều lần điều chỉnh các phương thức tham gia BHYT, thắt chặt quản lý quỹ, thay đổi các nội dung thanh toán…, tình trạng bội chi, "vỡ quỹ" BHYT vẫn chưa chấm dứt. Sau gần 17 năm hoạt động, số người tham gia BHYT tăng từ 5,6% số dân (năm 1993) lên 46% số dân (năm 2008), nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội được Nhà nước cấp thẻ BHYT.

Trong việc thu hút người dân tham gia và hiểu lợi ích của BHYT, không thể chỉ đơn giản đổ lỗi cho nhận thức của người dân.

Tuy vậy, số thu vẫn chưa đủ số chi. Thậm chí, số thu vốn đã quá nhỏ bé so với số chi, lại còn phải trừ bớt để bù cho số thâm hụt của năm trước. Với "manh áo chật" như thế, dù có co thế nào cũng vẫn thiếu vải. Người hứng chịu thiệt thòi không ai khác, chính là những bệnh nhân.

Đơn cử như cách đây vài năm, hình thức người bệnh và BHYT cùng chi trả đã phải hủy bỏ sau 3 ngày áp dụng, thì nay, hình thức này lại tiếp tục được đưa ra với hai mức cùng chi trả là 5% và 20%.

Đây cũng là nội dung gây nhiều quan tâm, băn khoăn cho dư luận. Bởi 5% và 20% chi phí khám chữa bệnh sẽ là số tiền không nhỏ với nhiều bệnh nhân. Hơn nữa, nếu đưa vào áp dụng, việc đòi hỏi bệnh nhân tự cân nhắc, lựa chọn thủ thuật, thuốc… phù hợp để cùng chi trả sao cho tiết kiệm, hợp lý nhất là điều khó.

Nếu được chọn, chắc chắn ai cũng muốn chọn liệu pháp điều trị tốt nhất cho mình, chứ không hẳn là liệu pháp "vừa túi tiền" nhất. Băn khoăn, đòi hỏi đó của người bệnh là hoàn toàn chính đáng, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, người có BHYT chưa thể được đáp ứng nguyện vọng.

Theo giải thích của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cùng chi trả là cách đã được Quốc hội cân nhắc kĩ trước khi thông qua, nhằm tăng cường kiểm soát quỹ, kiểm soát chỉ định của bác sỹ và hạn chế những khoản chi không cần thiết. Cội rễ của vấn đề cũng là bởi quỹ BHYT thu không đủ bù chi.

Khi đó, ngoài các đối tượng được ưu tiên như trẻ dưới 6 tuổi, người có công, đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, lực lượng CAND…, sẽ buộc phải thắt chặt hơn mức chi ở các nhóm đối tượng khác.

Dù như vậy, rõ ràng quyền lợi của người tham gia BHYT đã chưa được đảm bảo tốt nhất, nhưng nếu không áp dụng, thì tình trạng thâm hụt quỹ sẽ ngày càng thêm trầm trọng. Nếu tình trạng này cứ kéo dài, thì dù điều chỉnh thế nào, cũng chưa thể có cách khiến người bệnh hết băn khoăn.

Bỏ quên khâu quảng bá cho BHYT

Nguyên lý chung cho tất cả các loại hình bảo hiểm vận hành được là số thu phải bù được số chi, huy động sự tham gia đóng góp của số đông để chi trả cho tai nạn, rủi ro, bệnh tật… của số ít. Đây là điều mà rất nhiều người biết. Nhưng trên thực tế, nguyên lý đơn giản này vẫn chưa khả thi với BHYT. Bằng chứng nằm ở số chi luôn vượt số thu.

Trong BHYT, nhóm đối tượng gây tốn nhiều giấy mực của báo chí nhất là người tham gia BHYT tự nguyện. Từ chỗ không kiểm soát được người tham gia BHYT tự nguyện, khiến mức chi vượt mức thu quá nhiều, các điều kiện tham gia BHYT tự nguyện được thắt chặt lại. Khi người bệnh và dư luận lên tiếng phản ứng dữ dội, người tham gia BHYT tự nguyện lại được "cởi trói", hàng loạt điều kiện ràng buộc như: yêu cầu 100% thành viên gia đình, 10% hộ gia đình trong địa phương… bị bãi bỏ.

Người tham gia BHYT tự nguyện dễ dàng hơn, đông hơn, nhưng trên thực tế, lại không thu hút thêm được nhiều người khỏe mạnh, tăng thêm nhiều người bệnh trọng. Nhiều người tham gia, tưởng như mọi việc xuôi chèo mát mái hơn, nhưng nhiều người bệnh kéo theo số chi nhiều thêm còn số thu không tăng kịp.

Bó buộc người tham gia BHYT tự nguyện sẽ gây thắc mắc cho người dân, nhưng khi nhiều người tham gia dễ dàng và thiếu kiểm soát, kéo theo mức thu phải tăng lên, thâm hụt quỹ nặng hơn cũng lại gây bức xúc… BHYT tự nguyện rơi vào vòng luẩn quẩn.

Đó là chưa kể, hoạt động khám chữa bệnh, chi trả BHYT trong nhiều năm qua vẫn luôn gây phiền lòng cho người bệnh. Nhiều người có thẻ BHYT phải đợi chờ, xếp hàng, không được tiếp đón "mặn mà" khi đến cơ sở y tế.

Có không ít người dù có thẻ BHYT nhưng vẫn đi khám dịch vụ, khám phòng mạch tư và tự chi trả viện phí cho nhanh và thuận tiện. Bởi để có được tờ giấy chuyển viện, đúng tuyến, làm các thủ tục để được hưởng thanh toán BHYT, có khi rất rầy rà, tốn thời gian, công sức. Khả năng giám sát hoạt động chi trả BHYT hạn chế, có tình trạng bệnh viện lạm dụng chi BHYT… Vô hình chung, những điều này khiến cho người dân thiếu thiện cảm với BHYT.

Muốn nhiều người tham gia BHYT thì đương nhiên hình ảnh, tính ưu việt, cách thức tham gia, quyền lợi của người tham gia… phải được quảng bá rộng rãi tới công chúng. Nói tới việc thu hút người dân tham gia BHYT, những người có trách nhiệm luôn kêu khó. Dường như, các hoạt động của BHYT được tập trung quá nhiều vào việc điều chỉnh các quy định, mà bỏ quên việc quảng bá BHYT tới nhân dân.

Tại sao chỉ đến khi đã phát hiện mắc bệnh trọng, nhiều người mới nhận ra tính ưu việt của BHYT, còn đông đảo người không hoặc chưa mắc bệnh tật lại chưa nhận thức được điều này? Biết rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng thực tế, BHYT là chính sách an sinh xã hội, mang ý nghĩa nhân văn, tính chia sẻ tương thân tương ái trong cộng đồng.

Trong các loại hình bảo hiểm, ít có loại hình nào được Đảng, Nhà nước, các nhà lãnh đạo rất quan tâm, ủng hộ như BHYT. Nếu việc thu hút người tham gia BHYT là khó, vì lý do người dân chỉ mua BHYT khi cần khám chữa bệnh, không muốn bỏ tiền ra mua BHYT chỉ để giúp đỡ người khác… thì tại sao nhiều doanh nghiệp bảo hiểm thương mại khác vẫn ăn nên làm ra?

Áp lực cạnh tranh

Theo lộ trình, năm 2014, BHYT toàn dân sẽ được áp dụng. Trong số những khó khăn được chỉ ra khi thực hiện lộ trình này, có một khó khăn nhãn tiền là sự cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.

Trong đó, nhiều doanh nghiệp áp dụng chi tiền trực tiếp cho người tham gia bảo hiểm khi bị tai nạn giao thông, điều trị nội trú, trợ cấp tử vong.., khâu chăm sóc, tư vấn, thu hút khách hàng được thực hiện tận tình, chu đáo, thậm chí tới từng nhà khách hàng.

Còn phía BHYT, việc thanh toán phải thông qua hệ thống bệnh viện, trung tâm y tế hoặc người bệnh phải lấy giấy xác nhận mang đến cơ quan BHYT, khâu quảng bá thương hiệu tới người dân thì hẳn còn nhiều hạn chế. Do đó, với nhiều thuận lợi và ý nghĩa tương thân tương ái cao đẹp trong cộng đồng, BHYT không thể để "thua trên sân nhà".

Trong việc thu hút người dân tham gia và hiểu lợi ích của BHYT, không thể chỉ đơn giản đổ lỗi cho nhận thức của người dân. Rất cần có sự quảng bá để người dân thấy rằng, thêm một người tham gia BHYT là thêm điều kiện để quyền lợi khám chữa bệnh của toàn dân được đảm bảo tốt hơn.

Những lưu ý khi khám chữa bệnh bằng BHYT

Chúng tôi xin đề cập những nội dung mới đã và sắp có hiệu lực trong Luật BHYT, nhằm giúp mọi người dân biết để được hưởng và giám sát quyền lợi của bản thân khi đi khám chữa bệnh (KCB).

Mức đóng

Ngân sách Nhà nước bảo đảm 100% mức đóng BHYT cho một số đối tượng như: người nghèo, người có công, người cao tuổi... Còn lại, mức đóng BHYT bằng 4,5% mức tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp, mất sức lao động, mức lương tối thiểu.

Riêng học sinh, sinh viên đóng bằng 3% mức lương tối thiểu. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng đối với người thuộc hộ cận nghèo, tối thiểu 30% mức đóng đối với học sinh, sinh viên và người thuộc hộ nông nghiệp, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình.

Mức đóng khi tham gia BHYT theo hộ gia đình sẽ được miễn giảm từ 10 đến 40%. 

Các mức thanh toán

BHYT có ba mức thanh toán gồm:

+ 100% chi phí đối với trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, lực lượng CAND; KCB tại tuyến xã; chi phí cho 1 lần KCB thấp hơn 15% mức lương tối thiểu.

+ 95% chi phí đối với đối tượng hưu trí, trợ cấp mất sức, dân tộc thiểu số, bảo trợ xã hội, người nghèo.

+ 80% chi phí đối với các đối tượng còn lại.

Khám chữa bệnh không đúng quy định

Trường hợp KCB theo BHYT không đúng quy định sẽ chỉ được thanh toán 70% chi phí nếu KCB tại cơ sở khám chữa bệnh hạng III; 50% chi phí đối với cơ sở khám chữa bệnh hạng II; 30% chi phí đối với cơ sở khám chữa bệnh hạng I, hạng đặc biệt. Mức thanh toán không quá 40 tháng lương tối thiểu cho mỗi lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn.

Dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn

BHYT sẽ thanh toán 100% chi phí kỹ thuật cao chi phí lớn đối với trẻ em dưới 6 tuổi, lực lượng CAND, một số đối tượng người có công;  95% đối với đối tượng hưu trí, mất sức lao động, bảo trợ xã hội, người nghèo; 80% đối với các đối tượng khác; nhưng không quá 40 tháng lương tối thiểu.

Mức hưởng BHYT trong một số trường hợp đặc biệt

+ Đối với người KCB tại cơ sở y tế không ký hợp đồng KCB BHYT; không đủ thủ tục; khám chữa bệnh ở nước ngoài, BHYT thanh toán theo chi phí thực tế nhưng mức tối đa không vượt quá theo mức chi phí bình quân theo tuyến chuyên môn kỹ thuật; căn cứ dịch vụ kỹ thuật được cung cấp, tuyến chuyên môn kỹ thuật và chứng từ hợp lệ Bảo hiểm xã hội thanh toán trực tiếp cho người bệnh.

+ Người sử dụng thuốc điều trị ung thư và chống thải ghép ngoài danh mục BHYT sẽ thanh toán các thuốc trên với người tham gia BHYT liên tục từ đủ 36 tháng trở lên; trẻ em dưới 6 tuổi; các đối tượng thuộc lực lượng quốc phòng, CAND, Ban Cơ yếu Chính phủ khi nghỉ hưu, chuyển công tác khác đang tham gia BHYT.

+ Người bị tai nạn giao thông (TNGT), BHYT chỉ thanh toán đối với trường hợp không vi phạm pháp luật; trường hợp chưa xác định được là có vi phạm pháp luật về giao thông hay không thì người bị TNGT tự thanh toán chi phí điều trị với cơ sở y tế; không thanh toán đối với trường hợp TNGT do vi phạm pháp luật về giao thông và trường hợp người bị TNGT nhưng thuộc phạm vi thanh toán theo quy định của pháp luật về tai nạn lao động.

Thủ tục khám chữa bệnh bằng BHYT

Khi đi KCB, xuất trình thẻ BHYT có ảnh, trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh thì xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân khác có ảnh; kèm thêm hồ sơ chuyển viện (nếu chuyển tuyến điều trị); thêm giấy hẹn khám lại (nếu đến khám lại theo yêu cầu).

Trẻ em dưới 6 tuổi xuất trình thẻ BHYT; nếu chưa có thẻ BHYT thì xuất trình thẻ  KCB miễn phí, giấy khai sinh hoặc chứng sinh, đối với trẻ sơ sinh thì thủ trưởng cơ sở y tế, cha hoặc mẹ, người giám hộ ký chịu trách nhiệm ký vào hồ sơ bệnh án.

Trường hợp cấp cứu thì xuất trình thẻ BHYT trước khi ra viện để được hưởng quyền lợi.

Nếu KCB tại cơ sở y tế không ký hợp đồng KCB BHYT, thì cơ sở y tế có trách nhiệm xác nhận tình trạng bệnh, chứng từ hợp lệ để người bệnh thanh toán với cơ quan BHXH.

Khi đi công tác, làm việc lưu động hoặc đến tạm trú tại địa phương khác, người bệnh được KCB tại cơ sở y tế tương đương với cơ sở y tế đăng ký KCB ban đầu; người bệnh phải xuất trình thẻ BHYT, giấy cử đi công tác hoặc giấy tạm trú để được hưởng BHYT.

Kim Ngọc  (Nguồn Vụ Bảo hiểm y tế - Bộ Y tế)

Thanh Loan
.
.
.