Tri ân về chiến trường xưa

Thứ Năm, 01/05/2008, 08:25
Đêm bên bờ Thạch Hãn của các cựu chiến binh, của hàng nghìn người dân địa phương từng nuôi giấu và tiếp sức cho bộ đội vào chiến trường Thành Cổ thật cảm động. Những người lính năm xưa bùi ngùi nhớ lại, cách đây 36 năm, vào giờ khắc này (20h ngày 29/4/1972), các chiến sĩ Quân giải phóng và người dân Quảng Trị đã vận chuyển đạn dược, cơm nắm tiến vào Thành Cổ, rồi đưa hàng nghìn thương binh từ bờ Nam sông Thạch Hãn trở ra để cứu chữa.

Đêm hôm ấy ở bến Nhan Biều

Các cựu chiến binh trang trọng nói: "Xin dành một phút mặc niệm tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ đã vĩnh viễn nằm lại ở mảnh đất này!"... Đêm tháng tư, dòng Thạch Hãn được thắp sáng bởi 500 ngọn nến, 500 chiếc đèn hoa đăng của 500 cựu chiến binh đến từ mọi miền đất nước, đại diện cho hàng chục nghìn đồng chí, đồng đội của các đơn vị đã từng tham gia chiến đấu, giữ Thành Cổ Quảng Trị.

Bỗng bên dòng sông hoa ấy, những giọng ca vang lên, làm xốn xang lòng người. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Bằng (Sư 320B, một người trong ban biên soạn tập sách “Khúc tráng ca Thành Cổ” sắp xuất bản), hiện là cán bộ thuộc Bộ Xây dựng, say sưa hát ở bờ sông.

Anh hát bài “Dòng Thạch Hãn” (một trong số những bài hát ở tập sách trên), gợi nhớ về đồng đội, đồng chí của mình đã vượt dòng Thạch Hãn giữa làn mưa bom bão đạn vào chiến đấu, giữ từng tấc đất thiêng cho Thành Cổ, để rồi sau hơn 30 năm ở mảnh đất này, bằng tấm lòng tri ân, sự biết ơn sâu sắc, người dân Quảng Trị đã xây dựng lại quê hương ngày một đổi mới từ những hoang tàn đổ nát của chiến tranh, khiến hàng trăm con người có mặt hôm đó cảm động rơi nước mắt...

Những tấm lòng tri ân

Tôi nhận ra trong dòng người đông nghịt đổ về bến Nhan Biều (sông Thạch Hãn, đoạn thuộc xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong) để gặp gỡ, giao lưu, tưởng nhớ và tri ân đồng đội chiến đấu suốt 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972, bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị thiêng liêng có nhà báo Lê Bá Dương.

Anh Dương cho biết, đã đến Quảng Trị mấy ngày qua, năm nào cũng vậy, vào dịp 30/4, anh không thể vắng mặt nơi này, vì như vậy sẽ có tội với đồng chí, đồng đội đã từng tham gia chiến đấu, hy sinh ở nơi này. Mỗi cành cây, ngọn cỏ ở Quảng Trị đều đã gắn bó với anh như máu thịt của mình.

Có người bảo rằng, mỗi lần về lại Thành Cổ, hễ vấp phải một viên gạch vỡ, hay dù chỉ một nhánh hoa lau cũng làm anh bật khóc là vì lẽ đó. Tôi bỗng có sự so sánh khập khiễng giữa anh và Thiếu tướng, nhà văn Hữu Ước khi thực hiện những chuyến cứu trợ cho đồng bào nghèo từ Bắc chí Nam, hễ gặp người nghèo là anh cảm thấy mủi lòng, xuýt xoa, mong góp sức mình để bà con có một cuộc sống tốt hơn.

Đêm giao lưu văn nghệ một thời hoa lửa ở bến Nhan Biều do cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Cường, người từng chiến đấu ở Thành Cổ Quảng Trị, nay là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn tài trợ tổ chức. Ông Cường cũng là chủ dự án Khu kinh tế Bắc Thành Cổ được khởi công xây dựng vào sáng 30/4, với tổng mức đầu tư gần 1 nghìn tỷ đồng.

Ông bộc bạch, muốn xây dựng công trình là để tạo ra của cải và việc làm cho người dân địa phương vốn gặp nhiều khó khăn bấy lâu, hơn nữa việc làm đó còn là sự tri ân một miền đất và những con người đã dũng cảm chiến đấu hy sinh, giành sự sống cho ông và những người sống qua chiến tranh.

Cũng trong đêm hội ngộ đầy nước mắt và nụ cười này, ông Nguyễn Quốc Hà, nguyên Đại tá Chính ủy Sư đoàn 325 trao cho Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn 30 triệu đồng để xây dựng một tượng đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại bến Nhan Biều đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ thiêng liêng. Tượng đài dự toán sẽ được xây dựng trên 30 tỷ đồng, số tiền này sẽ được các cựu chiến binh ở các đơn vị tham gia chiến đấu tại Thành Cổ Quảng Trị đóng góp.

Nhân dịp 30/4, đoàn Báo CAND - Chuyên đề An ninh thế giới do Thiếu tướng, nhà văn Hữu Ước làm Trưởng đoàn, đã cùng với các nhà doanh nghiệp, các đoàn thể TW và địa phương đến dâng hương tại các Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Đường 9, thăm các di tích lịch sử cách mạng; giao lưu ca nhạc ở bến Nhan Biều - sông Thạch Hãn, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong với các cựu chiến binh về thăm lại Thành Cổ Quảng Trị; thăm hỏi, động viên và tặng quà cho 5 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gồm các mẹ Nguyễn Thị Ngâu, Phan Thị Úy, Ngô Thị Khướu, Phạm Thị Đỉu và Nguyễn Thị Tuyết ở thị xã Quảng Trị và xã Hải Lệ, huyện Hải Lăng; tặng sách vở cho các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi.

Chiều 30/4, tại Tỉnh đoàn Quảng Trị, Thiếu tướng, nhà văn Hữu Ước và đại diện Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã trao tặng 500 triệu đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia cho 25 gia đình cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để xây dựng nhà tình nghĩa; tặng Hội Cựu chiến binh Quảng Trị 10 triệu đồng và tặng riêng 10 suất quà cho 10 cựu thanh niên xung phong trong số 25 trường hợp nói trên đang gặp nhiều khó khăn, với số tiền 5 triệu đồng.

Thiếu tướng, nhà văn Hữu Ước cùng các đại biểu xúc động khi vào thăm Quảng Trị, nơi từng được mệnh danh là túi hứng bom đạn, nay đã có những đổi thay đáng kể, đời sống nhân dân ngày một nâng cao. Quảng Trị đang vinh dự thay mặt cho cả nước chăm sóc phần mộ ở 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia là Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và Đường 9, đồng thời hương khói hằâng năm vào những ngày lễ, kỷ niệm cho hàng vạn anh hùng liệt sĩ, cũng như tiếp tục công việc tìm kiếm hài cốt các anh để đưa về nghĩa trang liệt sĩ an táng cho ấm áp.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, ông Nguyễn Đức Chính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tỏ lòng biết ơn sâu sắc sự quan tâm đặc biệt của Báo CAND - Chuyên đề An ninh thế giới đối với quê hương Quảng Trị, hứa sẽ có sự chỉ đạo sát sao đến chính quyền các cấp, thực hiện đúng mục đích, đúng ý nghĩa số tiền mà Báo CAND và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã trao tặng cho các gia đình cựu thanh niên xung phong nói trên.

Phan Thanh Bình
.
.
.